Nhiều doanh nghiệp vận tải biển lãi đậm
Nhiều doanh nghiệp vận tải biển báo lãi 9 tháng vượt kế hoạch cả năm khi nhu cầu vận chuyển lớn, giá cước vẫn neo ở mức gấp đôi trước dịch.
Quý III, Tổng công ty cổ phần Vận tải dầu khí (PVTrans - PVT) ghi nhận lợi nhuận sau thuế gần 390 tỷ đồng, tăng hơn 2,5 lần so với cùng kỳ 2021. Sau 9 tháng, doanh nghiệp này có lãi trước thuế hơn 1.035 tỷ đồng, vượt 72% kế hoạch cả năm.
Công ty cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HAH) cũng có lợi nhuận sau thuế tăng hơn 2,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 270 tỷ đồng. Doanh nghiệp này có lãi gấp 1,5 lần kế hoạch cả năm sau 9 tháng.
Một "ông lớn" khác thuộc ngành vận tải biển là Công ty cổ phần Gemadept (GMD) cũng có kết quả kinh doanh thuận lợi. Lãi quý III tăng hơn 76% lên gần 290 tỷ đồng. Sau 9 tháng, GMD cách đích kế hoạch lợi nhuận sau thuế khoảng 6%, tăng gần 84% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy lợi nhuận quý III đi lùi, Công ty cổ phần Vận tải biển Việt Nam (Vosco - VOS) vẫn có lãi trước thuế lũy kế 9 tháng vượt 45% so với kế hoạch cả năm. Lợi nhuận trước thuế ba quý của VOS tăng hơn 38% lên 566 tỷ đồng. Công ty đã bù được hết số lỗ lũy kế, trong khi đầu năm khoản này còn hơn 420 tỷ đồng.
Tương tự, "anh cả" Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines - MVN) tuy ghi nhận lãi quý III giảm nhưng lũy kế 9 tháng đạt hơn 2.770 tỷ đồng, tăng hơn 30% so với cùng kỳ 2021 và vượt 10% kế hoạch cả năm.
Riêng quý III, theo thông tin từ PVTrans, giá cước tăng theo giá nguyên liệu giúp doanh thu dịch vụ vận tải tăng cao. Trong bối cảnh đó, một số hãng tàu hưởng lợi thêm từ việc khai thác đội tàu mới, ký hợp đồng mới với nước ngoài có cước cao.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, 9 tháng đầu năm, vận chuyển hàng hóa đường biển đạt hơn 77,8 triệu tấn, tăng khoảng 27,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Hoạt động sản xuất duy trì ổn định tiếp động lực lớn cho nhu cầu vận tải biển phục hồi.
Theo dữ liệu từ Freightos - một trong những nền tảng đặt chỗ vận chuyển hàng hóa lớn nhất thế giới, chỉ số vận tải container toàn cầu quý III hạ từ 6.577 USD về 4.060 USD. Tuy vậy, mức này vẫn còn cao gấp 2-3 lần so với trung bình 1.800-2.000 USD cùng kỳ năm 2020. Nếu so với quý III/2019, chỉ số vận tải container toàn cầu vẫn neo ở mức gấp gần 3-5 lần. Trong nước, chỉ số giá vận tải đường biển trong quý III tăng gần 5% so với cùng kỳ, tính chung 9 tháng tăng hơn 11%.
Phân tích về giá cước vận tải quốc tế giai đoạn cuối năm, SSI Research dự đoán chỉ số trên dần bình thường trở lại do nhu cầu giảm và nguồn cung tàu container tăng. Tuy vậy, yếu tố chính quyết định quá trình điều chỉnh giá cước là vấn đề tắc nghẽn chuỗi cung ứng. Đơn vị này cho rằng giá cước sẽ cần thời gian dài để điều chỉnh từ mức đỉnh, giảm dần nhưng vẫn ở mức cao trong nửa cuối 2022.
Sang năm sau, giá cước có thể giảm mạnh nếu tình trạng tắc nghẽn được giải quyết và Trung Quốc mở cửa trở lại. SSI Research vẫn lưu ý mức giá cân bằng sẽ cao hơn trước Covid-19 do các hãng vận chuyển phải chịu chi phí đầu tư và chi phí vận hành cao hơn nhiều so với trước đây.
Trong khi đó, giá cước vận tải trong nước có thể duy trì ở mức đỉnh trong năm 2023 do thị trường vẫn thiếu cung khi phần lớn đội tàu Việt Nam được cho thuê tại thị trường nước ngoài với hợp đồng dài hạn. Phụ phí nhiên liệu cũng được thêm vào giá cước để phản ánh giá nhiên liệu tăng, hỗ trợ các hãng vận chuyển trước biến động giá dầu. Ngoài ra, nhu cầu trên thị trường Nội Á vẫn mạnh, do khu vực này hưởng lợi từ chuyển dịch chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang các quốc gia lân cận.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận