Nhiều doanh nghiệp “chạy” khỏi Trung Quốc, đổ dồn về Việt Nam?
Khu vực Đông Nam Á đang nổi lên như một lựa chọn hàng đầu cho các công ty muốn đa dạng hóa sản xuất ra khỏi Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Washington và Bắc Kinh.
Kuo-Yi Lim, đồng sáng lập và đối tác quản lý của công ty đầu tư mạo hiểm Monk's Hill cho biết: “Đông Nam Á có thể hưởng lợi đáng kể từ xu hướng “China+1” khi cả công ty nước ngoài và công ty Trung Quốc đều đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng và hoạt động của họ”.
Chiến lược “China+1” là một xu hướng trong đó các công ty tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ bằng cách di dời một số hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc và sang các quốc gia khác trong khu vực châu Á, đồng thời vẫn vẫn duy trì sự hiện diện ở Trung Quốc.
Điều này đã thúc đẩy một dòng chảy đầu tư lớn vào khối ASEAN. Trong một báo cáo vào tháng 5, các nhà kinh tế của Ngân hàng OCBC cho biết đầu tư FDI vào các nền kinh tế ASEAN - bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Singapore và Việt Nam - đã tăng lên 236 tỷ USD vào năm 2023 so với mức trung bình hàng năm là 190 tỷ USD trong giai đoạn 2020-2022. Dòng vốn chủ yếu đến từ Mỹ, Nhật Bản, Liên minh Châu Âu cũng như Trung Quốc đại lục và Hồng Kông.
VIỆT NAM
Việt Nam đã thu hút được nhiều sự chú ý khi trở thành địa điểm sản xuất quan trọng của Apple trong bối cảnh “gã khổng lồ” công nghệ Mỹ tìm cách đa dạng hóa hoạt động lắp ráp sản phẩm của mình ra khỏi Trung Quốc. Trước đó, các biện pháp hạn chế Covid-19 của Bắc Kinh và tình trạng bất ổn tại nhà máy sản xuất iPhone hàng đầu của Foxconn đã làm gián đoạn nghiêm trọng hoạt động sản xuất.
“Với vị trí địa lý thuận lợi gần Trung Quốc, Việt Nam luôn là điểm đến được cân nhắc hàng đầu cho các kế hoạch dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang nước ngoài”, ông Yinglan Tan, đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành tại Insignia Ventures Partners cho biết.
Hiện tại, MacBook, iPad và Apple Watch được cho là đang được sản xuất tại Việt Nam.
Theo các báo cáo địa phương, Việt Nam là trung tâm R&D (nghiên cứu và phát triển) lớn của Samsung, đồng thời cũng là nơi sản xuất và xuất khẩu điện thoại thông minh của tập đoàn Hàn Quốc.
“Việt Nam rất nhiều lợi thế. Chi phí lao động cạnh tranh, khả năng tiếp cận thị trường – nơi có rất nhiều hiệp định thương mại tự do – khiến việc xuất khẩu sang các thị trường khác, chẳng hạn như EU, trở nên dễ dàng hơn rất nhiều”, ông Kai Wei Ang, chuyên gia kinh tế ASEAN tại BofA Securities chia sẻ trên CNBC hồi đầu tháng này.
MALAYSIA
Trong vài năm trở lại đây, Malaysia đã chứng kiến sự hồi sinh trong lĩnh vực bán dẫn lâu đời của mình, thu hút các khoản đầu tư mới hoặc đầu tư mở rộng từ một số công ty như Intel, GlobalFoundries và Infineon khi căng thẳng Mỹ - Trung leo thang.
Các nhà quan sát trong ngành cho rằng, từ trước đến nay lợi thế của Malaysia luôn là nguồn lao động lành nghề trong lĩnh vực đóng gói, lắp ráp và thử nghiệm chip cũng như chi phí vận hành tương đối thấp hơn.
“Không chỉ có ngành bán dẫn ở Malaysia đang phát triển. Hiện đang có thêm nhiều khoản đầu tư được rót vào các trung tâm dữ liệu, năng lượng mặt trời và các thành phần liên quan đến xe điện”, ông Kai Wei Ang nhận xét.
INDONESIA
Indonesia là quốc gia có nguồn tài nguyên đồng, niken, coban và bauxite khổng lồ. Đây đều là những nguyên liệu rất quan trọng để sản xuất pin xe điện.
“Indonesia đang hy vọng trở thành một trung tâm xe điện tích hợp. Có lẽ họ vẫn còn ở giai đoạn đầu, nhưng các hoạt động mở rộng quy mô đã được đẩy mạnh trên toàn bộ chuỗi cung ứng”, ông Kai Wei Ang chỉ ra.
Chính phủ Indonesia đang nỗ lực thu hút các công ty xe điện thành lập cơ sở sản xuất tại địa phương thông qua vô số ưu đãi về thuế và trợ cấp.
Bộ Công nghiệp nước này hồi đầu tháng cho biết họ đã ký thỏa thuận với 4 công ty Trung Quốc – Neta, Wuling, Chery và Sokon – để xây dựng nhà máy tại Indonesia. Cũng theo một số báo cáo, nhà sản xuất xe điện lớn nhất Trung Quốc BYD có kế hoạch bắt đầu sản xuất thương mại xe điện ở Indonesia vào năm 2026.
SINGAPORE
Theo báo cáo của ASEAN Briefing, Singapore là điểm đến lý tưởng cho các công ty muốn thành lập trụ sở khu vực cũng như mở rộng khắp khu vực.
Nhiều doanh nghiệp lớn có nguồn gốc từ Trung Quốc, ví dụ như TikTok và Shein, đều đã thành lập trụ sở khu vực tại Singapore, quốc gia có vị thế ổn định trong bối cảnh còn nhiều trở ngại về địa chính trị.
“Singapore, với danh tiếng đáng tin cậy về cơ sở hạ tầng tài chính và pháp lý, sẽ tiếp tục thu hút các công ty đang đặt mục tiêu mở rộng ở châu Á, đặc biệt là trong những thời điểm nhạy cảm như hiện nay”, ông Kuo-Yi Lim của Monk’s Hill Ventures đánh giá.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận