Nhiều doanh nghiệp 'cầu cứu', dọa kiện vì huyện không trả nợ công trình
Mặc dù đã hoàn thành, bàn giao đưa công trình vào sử dụng từ nhiều năm nhưng huyện Chư Sê (Gia Lai) không thanh toán hết số tiền theo quy định, khiến nhiều doanh nghiệp phải gửi văn bản "cầu cứu".
Nợ nhà thầu gần 8 tỷ đồng
Cụ thể, năm 2019, Công ty TNHH Xây dựng Trường Phát Lợi (tên trước khi thay đổi là Công ty TNHH Xây dựng Thuận Nguyên) ký hợp đồng với Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng (QLDA ĐTXD) huyện Chư Sê để thi công tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai (thị trấn huyện Chư Sê). Công trình đã hoàn thành vào tháng 12/2019 với tổng giá trị quyết toán hơn 3,35 tỷ đồng. Sau đó, chủ đầu tư cho tạm ứng 1,7 tỷ đồng, hiện còn nợ hơn 1,65 tỷ đồng.
Tháng 6/2020, công ty này cũng hoàn thành và bàn giao công trình đường ven hồ TDP8, đoạn từ đường Phan Đình Phùng đến đường Cách Mạng, nhánh tây thị trấn Chư Sê với tổng giá trị quyết toán hơn 7,8 tỷ đồng.
Chủ đầu tư đã 2 lần cho tạm ứng tổng số tiền hơn 4,7 tỷ đồng, hiện còn nợ hơn 3 tỷ đồng. Cả 2 công trình này, Ban QLDA ĐTXD huyện Chư Sê còn nợ Công ty TNHH Xây dựng Trường Phát Lợi tổng số tiền hơn 4,7 tỷ đồng.
Tương tự, tháng 4/2023, Công ty TNHH MTV Phúc Hưng thi công dự án mở rộng đường liên xã Ia Glai đi xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê. Tháng 9/2023, dự án này hoàn thành. Nhưng đến nay, Ban QLDA ĐTXD huyện còn nợ 722 triệu đồng.
Đơn vị bị nợ kéo dài và gian khổ nhất là Công ty TNHH MTV Thuận Nghĩa Gia Lai. Năm 2016 và 2017, công ty này thi công 4 dự án tại huyện Chư Sê (đường Phan Đình Giót, đường Hoàng Quốc Việt, đường liên xã tại Ia Glai, đường thôn 2 xã Ia Hlốp). Đến nay, sau 7 năm trôi qua, Công ty TNHH MTV Thuận Nghĩa Gia Lai vẫn còn bị nợ hơn 1,9 tỷ đồng.
Doanh nghiệp bị phạt vì “trốn thuế”
Ông Bùi Tá Thuận, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Trường Phát Lợi, ngán ngẩm: “Quá trình triển khai thi công, tiền nhân công, tiền vật liệu xây dựng chúng tôi không thể chậm trễ, phải thanh toán kịp thời. Trong khi đó, Ban QLDA ĐTXD huyện lại nợ dây dưa, khiến doanh nghiệp chịu rất nhiều tổn thất và thiệt hại do chi phí lãi vay ngân hàng ngày một gia tăng”.
Sau nhiều lần “đòi nợ” không thành, ông Nguyễn Nhiều, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thuận Nghĩa Gia Lai, đã liên tục gửi đơn đến lãnh đạo tỉnh Gia Lai. Cụ thể, ngày 2/12/2020, ông Nhiều đã gửi đơn đến UBND tỉnh Gia Lai, đề nghị chỉ đạo huyện Chư Sê thanh toán số nợ còn lại tại công trình nâng cấp, mở rộng đường liên xã Ia Glai và Ia H’lốp.
Tiếp đó, đầu tháng 1/2021, ông Nhiều gửi đơn đến Thường trực tỉnh uỷ Gia Lai khiếu nại chủ đầu tư công trình nâng cấp, mở rộng đường liên xã Ia Glai (huyện Chư Sê) không thanh toán nợ cho Công ty TNHH MTV Thuận Nghĩa Gia Lai từ Quý I năm 2017, gây thiệt hại cho công ty.
Ngày 27/9/2021, ông Nhiều lại gửi đơn đến Thanh tra tỉnh Gia Lai với nội dung: “Chưa thanh toán kinh phí nợ còn lại của công trình mở rộng đường liên xã, xã Ia Glai, huyện Chư Sê. Hạng mục: nền, mặt đường, vỉa hè, hệ thống thoát nước và cây xanh”.
Ban quản lý dự án huyện Chư Sê nói gì?
Trước động thái của doanh nghiệp, đầu tháng 12/2021, Chủ tịch UBND huyện Chư Sê, bà Rmah H’ Bé Nét, có văn bản thông báo phương án trả nợ công trình đường liên xã Ia Glai cho Công ty TNHH MTV Thuận Nghĩa Gia Lai. Theo đó, năm 2021 trả 564 triệu đồng (50%), năm 2022 sẽ trả hết số nợ còn lại.
Theo Chủ tịch UBND huyện Chư Sê, đây là công trình được đầu tư với hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Thời điểm này, số tiền còn nợ hơn 1,1 tỷ đồng là do UBND xã Ia Glai chưa thu được từ nhân dân nên chưa thanh toán cho Công ty TNHH MTV Thuận Nghĩa Gia Lai.
Ông Nguyễn Nhiều cho biết: “Mặc dù hứa hẹn như vậy nhưng không ai trả hết, nên tôi tiếp tục làm đơn gõ cửa lãnh đạo tỉnh. Sau đó, từ cuối năm 2022 và đầu năm 2023, chính quyền địa phương đã trả 180 triệu đồng cho công trình đường liên xã Ia Glai và 170 triệu đồng cho công trình đường liên xã Ia H'lốp. Nếu 6 tháng sau mà không trả, tôi sẽ gửi đơn kiện huyện".
Là một trong số doanh nghiệp bị nợ tiền, ông Thái Văn Hoài, Giám đốc Công ty TNHH MTV Phúc Hưng bức xúc: “Theo Luật Đầu tư công, khi có đủ vốn, chủ đầu tư mới được phép phê duyệt dự án. Không biết vì lý do gì mà chưa thanh toán hết tiền cho nhà thầu. Sắp tới, nếu Ban QLDA ĐTXD huyện Chư Sê không trả tiền thì chúng tôi sẽ làm đơn gửi lên UBND tỉnh và khởi kiện ra toà”.
Khi được hỏi về hướng giải quyết nợ cho các doanh nghiệp, vị cán bộ này nói: “Nếu UBND huyện không cấp tiền thì Ban QLDA không lấy gì mà trả được...”.
Chiều 22/5, qua điện thoại, ông Nguyễn Đức Cường, Chánh Văn phòng UBND huyện Chư Sê thông tin, huyện đang cho tổng hợp số liệu, khi nào có thì sẽ cung cấp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận