Nhiều DN sản xuất trong nước gặp khó khăn do vướng quy chuẩn đối với thép không gỉ
Dẫn lời Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Minh Đức (Ban Pháp chế, VCCI) cho biết, ông tham gia rất nhiều cuộc đối thoại chính sách, nhưng đối thoại gần đây giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và 27 doanh nghiệp inox để lại nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời.
Năm 2019, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thép không gỉ, chỉ cho phép các loại inox đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam, tiêu chuẩn quốc gia nước ngoài và một số tiêu chuẩn quốc tế được phép lưu thông.
Như vậy, có nghĩa các loại inox chỉ đáp ứng tiêu chuẩn cơ sở sẽ bị cấm nhập khẩu, lưu hành kể từ ngày 1/6/2021. Trước sự phản ứng của doanh nghiệp cho rằng quy định này bất hợp lý, quy chuẩn đã được tạm dừng thi hành, gia hạn đến 31/12/2022.
Ông Nguyễn Minh Đức (Ban Pháp chế, VCCI) - Ảnh: Tuổi Trẻ Online
Sang năm 2023, việc cấm nhập khẩu với mác thép không gỉ có tiêu chuẩn cơ sở khiến hàng loạt doanh nghiệp gia công, chế tạo thép không gỉ, gia công cơ khí, đồ gia dụng trong nước... có nguy cơ phá sản vì không thể nhập khẩu được nguyên liệu để sản xuất.
Ông Đức cho biết, các doanh nghiệp đã tìm đến Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) để được hỗ trợ.
Đồng thời, 27 doanh nghiệp đồng loạt ký tên gửi thư phản ánh lên Chính phủ. Phó thủ tướng Trần Lưu Quang chỉ đạo Bộ Khoa học và Công nghệ phải giải quyết.
Trực tiếp chứng kiến cuộc đối thoại của bộ với 27 doanh nghiệp trên vừa diễn ra, ông Đức thực sự bất ngờ khi cuộc họp kéo dài gần 3 tiếng đồng hồ và gần như rơi vào bế tắc khi càng về cuối Bộ Khoa học và Công nghệ gần như không thể trả lời các câu hỏi một cách thỏa đáng.
Đầu tiên, doanh nghiệp nêu vấn đề: Tại sao Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Quy chuẩn 20 về thép không gỉ, trong khi Bộ Công Thương cho rằng không cần thiết ban hành với các sản phẩm hàng hóa sử dụng thép không gỉ làm nguyên liệu?
Cơ quan nhà nước chỉ quan tâm đến chất lượng hàng hóa. Nhưng doanh nghiệp để bán được hàng còn phải quan tâm đến giá cả, số lượng, thời gian giao hàng và nhiều yếu tố khác. Chất lượng chỉ là một trong rất nhiều tiêu chí để tồn tại trên thương trường.
Kết thúc cuộc họp, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ hứa sẽ báo cáo lãnh đạo và trả lời các câu hỏi trên của doanh nghiệp bằng văn bản. Nhưng gần một tháng trôi qua vẫn chưa thấy câu trả lời.
Quan sát cuộc họp, ông Đức có cảm giác đại diện của Bộ Khoa học và Công nghệ dù đã nỗ lực trả lời các câu hỏi nhưng lý do thực của việc ban hành Quy chuẩn 20 vẫn chưa thể đưa ra một cách thuyết phục.
Dù bất kể lý do là gì, những thiệt hại thực tế cho 27 doanh nghiệp trên là hiện hữu. Có doanh nghiệp nói: "Chúng tôi có hàng trăm công nhân phải cho nghỉ việc hoặc làm việc cầm chừng. Chúng tôi từ diện năm nào cũng có lãi để đóng thuế cho Nhà nước thì nay đã thua lỗ kỷ lục".
Ông Đức cho rằng, đây không phải lần đầu tiên ông chứng kiến các doanh nghiệp Việt Nam "chết đứng như Từ Hải" vì những chính sách do các bộ ngành ban hành bất ngờ. Nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên ông Đức thấy một quy định được ban hành mà không có lý do thỏa đáng và bị doanh nghiệp phản ứng gay gắt đến như vậy.
Doanh nghiệp đang hết sức khó khăn, Chính phủ đã yêu cầu phải bỏ ngay các thủ tục, quy định làm khó, gây cản trở hoạt động kinh doanh. Bởi vậy, cần phải xem lại và đánh giá kỹ lưỡng các chính sách bị phản ứng như trên và chỉ ban hành quy định khi có sự đồng thuận vì lợi ích chung.
Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết Việt Nam vẫn đang phải nhập khẩu phần lớn các mác thép không gỉ do trong nước mới chỉ sản xuất được một số mác thép nhất định. Cụ thể, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu 450.000 - 500.000 tấn thép không gỉ các loại (riêng dòng thép series 200 chiếm từ 30 - 35%) để phục vụ sản xuất. Trong khi đó, Posco VST có sản lượng sản xuất lớn nhất Việt Nam chỉ cung ứng hơn 200.000 tấn mỗi năm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận