24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Mai Vân
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Nhiều điều kiện kinh doanh vẫn làm khó doanh nghiệp

Trong danh mục 243 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư thì có tới 20 ngành có thể loại bỏ khỏi danh sách do không có tác động đáng kể đến lợi ích công cộng.

Mặc dù việc cải cách thủ tục hành chính đã được Chính phủ và nhiều bộ, ngành đẩy mạnh thực hiện, mang lại hiệu quả tích cực cho việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhưng vẫn còn rất nhiều điều kiện gia nhập thị trường, quản lý kinh doanh dưới hình thức giấy chứng nhận, chứng chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Đây là ý kiến của nhiều đại biểu tại hội thảo “Điều kiện gia nhập thị trường, tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp – Vướng mắc và kiến nghị” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh chiều 26/6.

Thực tế, quá trình rà soát quy định pháp luật về điều kiện gia nhập thị trường, tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp của VCCI đã ghi nhận khá nhiều vấn đề tồn tại trong các quy định liên quan đến điều kiện, trình tự, thủ tục mà doanh nghiệp phải đáp ứng hoặc thực hiện để gia nhập thị trường và duy trì kinh doanh gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Trong danh mục 243 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư thì có tới 20 ngành có thể loại bỏ khỏi danh sách do không có tác động đáng kể đến lợi ích công cộng hoặc có thể quản lý bằng hình thức khác. Có thể kể đến như ngành kinh doanh dịch vụ kế toán thuế, kinh doanh dịch vụ hải quan, kinh doanh dịch vụ việc làm, kinh doanh vàng trang sức, thủ công mỹ nghệ, dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng...

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Phòng pháp chế VCCI nhận định, nhiều điều kiện kinh doanh đang can thiệp vào quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp như yêu cầu phải thiết lập hệ thống phân phối (rượu, xăng dầu); yêu cầu phương án kinh doanh (bưu chính, dịch vụ an toàn thông tin mạng, thông tin tín dụng); yêu cầu trình độ của người quản lý doanh nghiệp... Chưa kể có những điều kiện kinh doanh do hai cơ quan cùng đánh giá, làm căn cứ cấp giấy phép cho một hoạt động như kinh doanh khí, dịch vụ an ninh... hoặc sử dụng các khái niệm khó xác định như “có đủ”, “phù hợp”...

Ngoài ra, nhiều vấn đề về đầu tư kinh doanh có điều kiện được quy định chồng chéo bởi các luật khác nhau. Luật Đầu tư 2014 có điều khoản về ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh, ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, trong khi Luật Thương mại năm 2005 đã có quy định về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh, hàng hóa dịch vụ kinh doanh có điều kiện; cả hai Luật đều điều chỉnh điều kiện của chủ thể kinh doanh.

Dẫn chứng từ thực tế tư vấn cho doanh nghiệp, Luật sư Nguyễn Xuân Thủy, Công ty Luật LNT nêu, hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp, thương hiệu bán lẻ nước ngoài muốn đầu tư, gia nhập thị trường Việt Nam. Tuy nhiên quá trình xin giấy phép khá phức tạp.

Cụ thể, theo Nghị định số 09/2018/NĐ-CP của Chính phủ qQuy định chi tiết Luật thương mại và Luật Quản lý ngoại thương về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, doanh nghiệp phải làm hồ sơ xin giấy phép đầu tư của Bộ Công Thương và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau khi có giấy phép đầu tư, doanh nghiệp phải làm hồ sơ xin giấy phép mua bán từ Bộ Công Thương. Chưa hết, muốn được cấp phép doanh nghiệp phải chứng minh có sự đóng góp cho kinh tế - xã hội, đây là khái niệm rất mơ hồ và khó chứng minh.

Theo Luật sư Nguyễn Xuân Thủy, ba vấn đề chính mà nhà đầu tư nước ngoài quan tâm trước khi quyết định đầu tư là thủ tục cấp phép nhanh hay chậm, mất bao nhiêu thời gian, chi phí cho việc cấp phép, đáp ứng các điều kiện là bao nhiêu và sự minh bạch của chính sách. Do đó, muốn cải thiện khả năng thu hút đầu tư, việc cải thiện môi trường kinh doanh cần tập trung vào rút ngắn thời gian cấp phép, giảm chi phí và minh bạch các điều kiện theo hướng định lượng, hạn chế chứng minh các điều kiện mang tính định tính.

Ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội mỹ nghệ kim hoàn đá quý Tp. Hồ Chí Minh chia sẻ, không thể phủ nhận những nổ lực của Chính phủ đã rất quyết liệt trong cắt giảm điều kiện kinh doanh thời gian qua để doanh nghiệp tham gia thị trường. Tuy nhiên trên thực tế vẫn còn rất nhiều điều kiện kinh doanh bất hợp lý ẩn dưới hình thức giấy chứng nhận, chứng chỉ chưa được cắt bỏ.

Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ Về quản lý hoạt động kinh doanh vàng xác định kinh doanh vàng là ngành nghề kinh doanh có điều kiện do ảnh hưởng tới thị trường ngoại hối và vàng miếng với các yêu cầu rất chi tiết, cụ thể. Muốn xin giấy phép kinh doanh vàng, doanh nghiệp phải có chứng nhận môi trường, an ninh, phòng cháy chữa cháy, đáp ứng diện tích theo quy định.

Hay vô lý hơn là muốn đăng ký kinh doanh tại địa chỉ nào thì người đứng tên phải có hộ khẩu thường trú tại đó từ 5 năm trở lên. Tuy nhiên, Nghị định này lại gom cả hoạt động kinh doanh, mua bán vàng trang sức, đồ mỹ nghệ, trong khi các sản phẩm này không có khả năng tác động, điều tiết thị trường vàng miếng theo tiêu chuẩn quốc tế và ngoại hối, ông Nguyễn Văn Dưng nêu vấn đề.

Việc đánh đồng các doanh nghiệp kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ với số ít doanh nghiệp đủ điều kiện kinh doanh vàng miếng, mua bán ngoại tệ đã gây khó khăn rất lớn cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh thời gian qua. Do đó, doanh nghiệp kiến nghị sớm điều chỉnh sửa đổi các quy định hiện hành để vừa quản lý hiệu quả các ngành hàng cần thiết phải giám sát nhưng vẫn tạo điều kiên cho doanh nghiệp kinh doanh dễ dàng tham gia thị trường.

Nhiều chuyên gia cho rằng, có tình trạng triển khai một luật nhưng có tới vài ba, thậm chí cả chục cách hiểu, áp dụng khác nhau, nguyên nhân là do thiếu sự chi tiết, rõ ràng trong các điều khoản và sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan. Do đó, để hạn chế các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực thi, ngay từ khâu xây dựng văn bản pháp luật phải có sự minh bạch, rõ ràng từ luật đến nghị định, thông tư và thống nhất cơ chế thực hiện giữa các bộ ngành đến địa phương.

Tuy nhiên phải thừa nhận luôn luôn có khoảng cách nhất định giữa văn bản pháp luật và thực tế đời sống, trong khi đó, cơ chế giải quyết vướng mắc hiện nay là đi một vòng từ doanh nghiệp lên các bộ, ngành sau đó lại quay về nơi gây ra vướng mắc. Do đó cơ quan quản lý, giám sát cần thành lập bộ phận chuyên trách, giải quyết ngay các vấn đề, vụ việc phát sinh một cách linh hoạt. Bởi vướng mắc của doanh nghiệp nếu không giải quyết kịp thời sẽ gây thiệt hại rất lớn và nếu chờ điều chỉnh, sửa đổi quy định thì doanh nghiệp không còn khả năng tham gia thị trường./.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả