Nhiều địa phương tăng giá đất, Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu, đánh giá tác động
Trước lo ngại của các chuyên gia về việc tăng bảng giá đất tại các địa phương sẽ tác động tới các doanh nghiệp và sự thu hút đầu tư nước ngoài… Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, đánh giá và xử lý.
Chỉ đạo trên được đưa ra sau khi Báo điện tử Tuổi trẻ ngày 2/3/2021 có bài viết "Đừng tăng giá đất làm ngạt thở thêm, kìm giá đất giúp dân" có phản ánh: Trước việc nhiều địa phương đang điều chỉnh Bảng giá đất, các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh cần cân nhắc để doanh nghiệp phục hồi, phát triển để thu lâu dài. Việc tăng bảng giá đất làm tăng chi phí đối với doanh nghiệp đang thuê đất. Trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp cần sự tiếp sức của Nhà nước, vì vậy không nên tăng giá đất. Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài Nguyễn Văn Toàn cho rằng: việc tăng bảng giá đất địa phương có tác động tới thu hút đầu tư nước ngoài...
Trước phản ánh trên, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan nghiên cứu, đánh giá và xử lý.
Theo khảo sát, thời gian qua, nhiều địa phương đã thông qua bảng giá đất mới áp dụng cho giai đoạn 2020 - 2024. Mới đây nhất, sau khi phê duyệt Bảng giá đất giai đoạn 2020 - 2024 có mức tăng bình quân 15% so với giai đoạn 2014 - 2019. Đầu tháng 2 vừa qua, Chủ tịch UBND TP Hà Nội vừa ký ban hành Quyết định hệ số điều chỉnh giá đất trên địa bàn trong năm 2021 với hệ số K cao nhất ở mức 2,15.
Cụ thể, đối với các thửa đất tại các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng, hệ số K = 2,15. Đối với các thửa đất tại các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân và Tây Hồ, hệ số K = 1,95. Những thửa đất tại các quận còn lại có hệ số K = 1,80.
Đối với thửa đất tại các xã khu vực giáp ranh quận; thị trấn thuộc các huyện (trừ thị trấn của các huyện Phú Xuyên, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phúc Thọ); các phường thuộc thị xã Sơn Tây, hệ số K = 1,45.
Hệ số K=1,25 được áp dụng đối với các thửa đất tại các xã còn lại thuộc các huyện; các xã của thị xã Sơn Tây; thị trấn của các huyện Phú Xuyên, Mỹ Đức, Ứng Hòa và Phúc Thọ.
Quyết định này có hiệu lực từ ngày 5/2. Hệ số điều chỉnh giá đất được Hà Nội áp dụng từ ngày 1/1 đến ngày 31/12.
Tương đương với mức tăng của Thừa Thiên Huế, bảng giá đất giai đoạn 2020 – 2024 của tỉnh Đồng Nai được điều chỉnh tăng từ 30 - 35%, thậm chí ở một số khu vực giá đất sẽ cao hơn 4 - 6 lần.
Theo đó, giá đất ở cao nhất là 40 triệu đồng/m2 của đường 30-4 (TP Biên Hòa) và thấp nhất 160 nghìn đồng/m2 thuộc thị trấn Định Quán (huyện Định Quán).
Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, bảng giá đất mới được điều chỉnh tăng từ 10 - 50% so với bảng giá đất cũ. Đối với đất ở đô thị, tùy khu vực sẽ điều chỉnh tăng 1 - 2 lần. Riêng với đất ở khu vực đô thị và nông thôn tại huyện Côn Đảo, Đất Đỏ được điều chỉnh tăng 1,2 - 1,8 lần.
Bảng giá đất giai đoạn 2020 - 2024 tại Bình Dương tăng bình quân 18%. Trong đó một số tuyến đường thuộc phường Phú Cường, TP Thủ Dầu Một có giá đất cao nhất 37,8 triệu đồng/m2.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận