Nhiều 'đại gia' địa ốc sắp đáo hạn trái phiếu giá trị lớn
Tính đến ngày 13/7, số tiền chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu doanh nghiệp khoảng 44.000 tỷ đồng. Trong đó, 18.000 tỷ đồng đã được đàm phán, số còn lại vẫn chưa thống nhất được với trái chủ.
Trong bối cảnh khó khăn, danh sách doanh nghiệp chậm thanh toán nghĩa vụ nợ trái phiếu ngày một "dày".
Mới đây, Công ty CP Signo Land đã "khất" lô trái phiếu hơn 1.000 tỷ đồng với lý do "đang trong quá trình đàm phán cùng người sở hữu trái phiếu".
Với lý do "thị trường không thuận lợi", Công ty TNHH Saigon Glory - công ty con của Tập đoàn Bitexco - cũng mới chỉ trả được số tiền lãi gần 29 tỷ đồng, 1.000 tỷ đồng gốc phải "khất".
Novaland cũng phải gia hạn nhiều lô trái phiếu giá trị lớn vì "chưa thu xếp được nguồn thanh toán"...
Một lãnh đạo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết với Tuổi Trẻ, cập nhật đến ngày 13/7/2023, giá trị chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu doanh nghiệp khoảng 44.000 tỷ đồng.
Trong đó, khoảng 18.000 tỷ đồng đã được bên phát hành đàm phán với trái chủ bao gồm hoán đổi bằng tài sản khác, gia hạn, thay đổi điều kiện, điều khoản… Số còn lại vẫn tiếp tục đàm phán.
Theo Tuổi trẻ, nhiều cuộc đàm phán chưa "ngã ngũ" bởi nhiều lý do. Một số trường hợp trái chủ đề nghị bên phát hành bán bất động sản để thanh toán. Song doanh nghiệp nói thị trường kém, không muốn "cắt lỗ" cao.
Có trường hợp bên phát hành thực hiện hội nghị người sở hữu trái phiếu để xin ý kiến điều chỉnh kỳ hạn. Tuy nhiên, tỷ lệ tham dự hội nghị không đủ để thực hiện.
Nhóm chuyên gia Chứng khoán KBSV cho biết, lượng trái phiếu chậm trả bắt đầu tăng cao đột biến từ tháng 3 đến nay và vẫn chưa có xu hướng chậm lại. Bất động sản vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất với 71% tổng giá trị chậm trả nợ.
Sẽ có thể có thêm nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn và buộc phải thực hiện giãn hoãn hoặc tái cơ cấu nợ trái phiếu với trái chủ, vị chuyên gia dự báo.
Lãnh đạo HNX cho biết trái phiếu đáo hạn tập trung vào năm 2023 và 2024, riêng năm nay là 261.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều trái phiếu phát hành có tài sản đảm bảo hoặc được bảo lãnh thanh toán.
Theo một thống kê của KBSV, sẽ có khoảng 150.600 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn vào nửa cuối năm nay. Trong đó, lượng trái phiếu đáo hạn tập trung vào quý 3 với 91.800 tỷ đồng, tăng 26% so với quý liền trước.
Áp lực đáo hạn sau đó hạ nhiệt trong vòng 2 tháng trước khi tăng mạnh trở lại lên mức 30.600 tỷ vào tháng cuối năm 2023. Nhóm bất động sản tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt 63.300 tỷ đồng và chiếm 42% tổng giá trị đáo hạn trong 6 tháng cuối năm.
Lãnh đạo HNX cho biết trường hợp tổ chức phát hành không có khả năng thanh toán gốc, lãi thì phải xử lý tài sản đảm bảo để thanh toán cho nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, một số giải pháp cụ thể như đưa hệ thống giao dịch thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ đi vào hoạt động từ ngày 19/7; ban hành Nghị định 08… dự báo sẽ có chuyển biến tích cực và quyền lợi nhà đầu tư sẽ được ưu tiên đảm bảo trong thời gian tới, theo lãnh đạo HNX.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận