Nhiều công trình cản trở hệ thống thoát nước
Nhằm hạn chế tình trạng ngập úng có thể xảy ra trong mùa mưa năm 2021, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội và các đơn vị chức năng đã và đang triển khai hàng loạt biện pháp tăng khả năng tiêu, thoát nước. Tuy nhiên, công tác thoát nước mùa mưa năm nay được dự báo gặp không ít khó khăn.
Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội thông tin, đến cuối mùa mưa năm 2020, Hà Nội đã giảm được 5/16 điểm úng ngập. Như vậy, trong năm 2021, với các trận mưa dưới 50mm/2 giờ trên địa bàn TP sẽ không xảy ra úng ngập. Nhưng với những trận mưa từ 50 - 100mm/2 giờ, Hà Nội còn 11 điểm có thể xảy ra úng ngập cục bộ.
Để bảo đảm khả năng tiêu thoát nước, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, ngay từ đầu năm, Công ty đã yêu cầu các xí nghiệp tiến hành nạo vét hệ thống sông, kênh, mương, cống dọc, tập trung tại các trục tiêu thoát nước chính, khu vực thường xuyên xảy ra úng ngập. Đồng thời, sửa chữa, bảo dưỡng trạm bơm, đập điều tiết… nhằm đưa nước nhanh nhất về các nguồn tiêu. Ngoài ra, đơn vị đã xây dựng kế hoạch, bố trí công nhân và máy móc ứng trực tại các điểm nóng để kịp thời xử lý tình huống có thể phát sinh.
Mặc dù vậy, theo đại diện Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, ngoài việc các công trình đầu mối, hệ thống thoát nước chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa, tình trạng một số dự án thi công kéo dài như: Dự án Nhà máy xử lý nước thải trên sông Lừ, sông Tô Lịch; dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông và các hạng mục thuộc dự án Cụm công trình đầu mối Yên Nghĩa… cũng gây áp lực lên hệ thống thoát nước. “Do đang trong quá trình triển khai nên lòng sông, hệ thống thoát nước bị thu hẹp. Điều này sẽ làm chậm khả năng tiêu, thoát nước của Thủ đô mỗi khi có mưa lớn kéo dài” – đại diện Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội chia sẻ.
Liên quan đến việc hệ thống tiêu thoát nước đang bị thu hẹp bởi các công trình xây dựng, đại diện Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội và các chuyên gia cho rằng, đây là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, trong tương lai, những công trình trên khi hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng môi trường tại Thủ đô. Vì vậy, để giảm thiểu ảnh hưởng có thể xảy ra khi mưa lớn, trước mắt, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã có văn bản đề nghị các đơn vị thi công tập kết vật liệu, có biện pháp thi công hợp lý. Nhưng một vấn đề quan trọng không kém là rất cần có sự chung tay và nâng cao ý thức của toàn xã hội. Lý giải về việc này, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) cho biết, để tăng khả năng tiêu, thoát nước mỗi khi trời mưa, đơn vị thường xuyên phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức phá dỡ bục bệ, cầu dẫn… lắp đặt sai quy định gây cản trở hệ thống thoát nước. Tuy nhiên, sau một thời gian, nhiều trường hợp tiếp tục vi phạm. Bên cạnh đó, việc các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, xưởng sửa chữa ô tô, xe máy… không lắp thiết bị tách dầu mỡ mà đẩy thẳng hệ thống thoát nước cũng khiến đường thoát nước bị tắc nghẽn.
Do vậy, để hạn chế thấp nhất tình trạng ngập úng trên địa bàn TP, ngoài việc nâng cao hiệu quả của hệ thống thoát nước, rất cần có sự chung tay góp sức của mỗi cá nhân, tổ chức, cơ sở kinh doanh. Cùng với đó là sự vào cuộc tích cực của các lực lượng chức năng trong việc kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm.
Năm 2021, Hà Nội còn 11 điểm ngập úng khi trời mưa to gồm: Phố Nguyễn Khuyến, khu vực cổng trường Lý Thường Kiệt; phố Hoa Bằng, đoạn từ số nhà 91 đến số 97 và từ số nhà 54 đến 56; ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt; ngã năm Đường Thành - Bát Đàn - Nhà Hỏa; phố Cao Bá Quát, đoạn trước cửa Công ty Môi trường đô thị; phố Thụy Khuê, đoạn dốc La Pho; phố Minh Khai, đoạn chân cầu Vĩnh Tuy; phố Nguyễn Chính, đoạn từ ngõ 74 đến cống hóa mương Tân Mai; Đại lộ Thăng Long, đoạn ngã ba Lê Trọng Tấn, hầm chui số 3, 5, 6, Km9 + 656, nút giao An Khánh; đường Ngọc Lâm, từ ngã ba Long Biên 1 đến Xí nghiệp Môi trường đô thị Gia Lâm; đường Hoàng Như Tiếp, đoạn từ trường Tiểu học Ngọc Lâm đến ngã 3 Hoàng Như Tiếp - Ái Mộ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận