menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Dương Mạnh

Nhiều chuyển động tích cực trong xử lý nợ xấu

Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD (Nghị quyết 42) đã tạo điều kiện để giải quyết, xử lý nhanh nợ xấu của ngân hàng, thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc xử lý nợ xấu.

Nhờ sự vào cuộc cả hệ thống chính trị đã chia sẻ khó khăn với ngành Ngân hàng nói chung và các NHTM nói riêng, nên việc xử lý nợ xấu đã có chuyển động tích cực và đạt được những kết quả quan trọng. Quan trọng hơn là khách hàng có ý thức trách nhiệm hợp tác hơn với các ngân hàng trong việc xử lý nợ xấu, giảm tình trạng chây ì, cố tình không trả nợ. Bên cạnh đó, các quy định trong Nghị quyết đã giúp xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ) của các khoản nợ xấu nhanh hơn, hạn chế được các trường hợp tẩu tán, thất thoát tài sản trong quá trình xử lý nợ xấu.

Đối với Agribank, còn nhớ thời điểm Nghị quyết 42 ra đời, số dư nợ xấu được phép xử lý theo Nghị quyết tại Agribank là hơn 140 nghìn tỷ đồng của gần 500 nghìn khách hàng. Trong đó, nợ xấu nội bảng 18.700 tỷ đồng; nợ cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ theo Quyết định 780, Thông tư 09, Nghị định 55 là 36.000 tỷ đồng; nợ bán cho VAMC 40.000 tỷ đồng và nợ đã xử lý bằng dự phòng rủi ro là 46.700 tỷ đồng.

Để hoàn thành nhiệm vụ đưa tỷ lệ nợ xấu từ mức 8,39% vào ngày 15/8/2017 xuống dưới 3% vào năm 2020 theo tinh thần của Quyết định 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 06 ngày 20/7/2017 của Thống đốc NHNN về thí điểm xử lý nợ xấu của TCTD, Agribank đã xây dựng một chương trình hành động chi tiết. Như ban hành mới, bổ sung, sửa đổi, kiện toàn một cách toàn diện các cơ chế chính sách cho phù hợp với các chính sách của Nghị quyết 42. Nổi bật lên là chính sách miễn giảm lãi tháo gỡ khó khăn cho hàng trăm nghìn khách hàng và các chính sách về mua bán, xử lý nợ nợ xấu.

Ngay trong thời điểm kết thúc 2 năm thực hiện Nghị quyết 42, Hội đồng thành viên Agribank tiếp tục ban hành Nghị quyết rà soát đối với các khách cố tình chây ì trốn tránh trách nhiệm trả nợ và đề nghị chuyển hồ sơ sang cơ quan pháp luật các cấp điều tra xử lý, thu hồi tối đa tài sản thất thoát cho Nhà nước. Trường hợp cố tình bao che để xảy ra thất thoát sẽ xử lý trách nhiệm người đứng đầu đơn vị.

Với sự triển khai quyết liệt cùng các giải pháp đồng bộ, hiệu quả các biện pháp thu hồi và xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42, từ ngày 15/8/2017 - 15/8/2019 Agribank đã xử lý được gần 110.000 tỷ đồng, trong đó thu hồi là hơn 60.000 nghìn tỷ đồng, tự xử lý rủi ro (bao gồm cả mua lại nợ đã bán cho VAMC) là gần 50.000 nghìn tỷ đồng. Hiện Agribank đã mua lại gần như 100% nợ xấu đã bán cho VAMC.

Như vậy qua số liệu thu hồi nêu trên có thể thấy tác động lớn nhất của Nghị quyết 42 là công tác thu hồi, xử lý nợ triệt để và hiệu quả hơn. Nếu xét về tác động trực tiếp đến kết quả thu hồi nợ xấu của Nghị quyết 42 có thể nói đến các kết quả nổi bật sau.

Cụ thể, ngân hàng đã áp dụng quyền thu giữ TSBĐ đối với gần 700 tài sản của gần 400 khách hàng với giá trị khoảng 3.500 tỷ đồng. Ngân hàng phối hợp với VAMC chuyển các khoản nợ đã bán thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt sang bán theo giá trị thị trường và phối hợp đấu giá khoản nợ đối với gần 70 khoản nợ với dư nợ trên 3.200 tỷ đồng. Trong đó, ngân hàng đã bán thành công 36 khoản nợ, tổng giá trị hợp đồng đã ký hơn 2.100 tỷ đồng. Riêng bán nợ thị trường cho VAMC là 14 khoản, giá trị hợp đồng hơn 1.400 tỷ đồng.

Bên cạnh những kết quả trên, quá trình thực hiện Nghị quyết 42 trong thực tiễn còn có nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong đó nổi lên là sự vào cuộc của các bộ ngành hữu quan và chính quyền địa phương có các mức độ quyết liệt khác nhau; cách ứng xử của mỗi địa phương cũng rất khác nhau trong vấn đề xử lý nợ xấu; việc hỗ trợ các cơ quan liên quan chưa đúng tinh thần Nghị quyết. Điển hình là vụ việc liên quan đến việc xử lý nợ tại Dự án Khu dân cư Hòa Lân của chủ đầu tư là Công ty Thiên Phú thuộc chi nhánh Chợ Lớn cho vay từ những năm 2003 – 2007. Agribank đã tiến hành xử lý tài sản theo đúng quy định và sau 13 lần đấu giá công khai đã thành công.

Đến ngày 15/3/2019, Công ty Kim Oanh TP. Hồ Chí Minh - đơn vị mua tài sản đấu giá đã thanh toán đủ số tiền mua tài sản, Agribank đã thu nợ của Công ty Thiên Phú. Tuy nhiên, UBND tỉnh Bình Dương chưa thực hiện các thủ tục chuyển đổi chủ đầu tư Dự án cho Công ty Kim Oanh TP. Hồ Chí Minh và Tòa án nhân dân Quận 7, TP. Hồ Chí Minh lại có Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm dịch chuyển quyền về tài sản dưới mọi hình thức là không đúng tinh thần của Nghị quyết số 42 của Quốc hội, Chỉ thị số 32 ngày 19/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 06 ngày 20/7/2017 của Thống đốc NHNN về thí điểm xử lý nợ xấu của TCTD.

Hay như việc áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao TSBĐ và xử lý TSBĐ còn hạn chế. Với tổng số 6.805 vụ tranh chấp dân sự của Agribank mà tòa án đã và đang giải quyết, có một số vụ việc chuyển thủ tục rút gọn, nhưng qua quá trình thụ lý lại chuyển sang thông thường. Rồi việc hoàn trả TSBĐ là vật chứng trong các vụ án hình sự, hiện cũng là một vấn đề phải phụ thuộc nhiều vào quan điểm của mỗi cơ quan tiến hành tố tụng do chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào giải thích cụ thể, thế nào là “ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án”.

Bên cạnh đó, nhiều TSBĐ đã đấu giá thành công nhưng không chuyển nhượng được trong thời gian dài do vướng mắc về thuế, gây thiệt hại cho cả bên mua và bên vay. Chưa kể việc phải thực hiện nghĩa vụ thuế làm giảm số tiền thực tế thu hồi nợ, tăng nghĩa vụ còn lại với ngân hàng; có trường hợp phát mại bán TSBĐ trị giá hơn 500 tỷ đồng bằng hình thức trả chậm 20 năm nhưng phải nộp thuế ngay hơn 40 tỷ đồng...

Thiết nghĩ, để giải quyết nhanh và hiệu quả vấn đề nợ xấu trong toàn Ngành nói chung và Agribank nói riêng, thời gian tới, các bộ, ngành, chính quyền địa phương cần tiếp tục vào cuộc quyết liệt, hỗ trợ ngân hàng thực hiện các giải pháp một cách đồng bộ. Trong đó, tập trung tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai, đẩy mạnh việc áp dụng thủ tục rút gọn theo quy định tại Điều 8 Nghị quyết 42.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả