Nhiều 'cá mập' ngoại đánh rơi thành quả trong giai đoạn TTCK Việt rung lắc từ tháng 9 đến đầu tháng 10
Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam tăng tốc vào tháng 7 và tháng 8 với dòng tiền mạnh mẽ và tâm lý lạc quan lan tỏa. VN-Index năm 2023 chính thức chuyển sang xu hướng tăng (uptrend) khi đạt mức tăng cao nhất khoảng 23% vào giữa tháng 8, tức quanh vùng 1.240 điểm.
Các quỹ đầu tư cũng không ngoài cuộc vui khi ghi nhận hiệu suất đầu tư trung bình ở mức khoảng 22%. Các “cá mập” ngoại có xu hướng chậm chân hơn nếu so với nhóm quỹ đầu tư nội. Điều này ngày càng thấy rõ khi thị trường chuyển sang trạng thái rung lắc, kéo dài từ giữa tháng 8 đến nay.
Tính đến 13/10, VN-Index đã giảm khoảng 90 điểm, tương đương mất 7% so với vùng vào nhất vào giữa tháng 8. Tuy nhiên, nhóm quỹ nội dường như không chịu tác động đáng kể trước diễn biến trên, khi chỉ thu hẹp khoảng 3 - 5 điểm % hiệu quả đầu tư.
Dữ liệu từ đầu năm đến 12/10, quỹ VESAF thuộc VinaCapital, Quỹ Đầu tư Cổ phiếu Tăng trưởng VCBF-MGF, ETF SSIAM VNFin Lead hay Quỹ Đầu tư Lợi thế Cạnh tranh Bền vững SSI (SSI-SCA) duy trì mức lãi trên 30%, dù có thu hẹp so với khoảng 1 tháng trước.
VESAF vẫn dẫn đầu nhóm quỹ đầu tư tại Việt Nam với hiệu suất đạt 35,7%. Hai quỹ cổ phiếu của Dragon Capital là DCDS và DCBC ghi nhận hiệu suất lũy kế đạt lần lượt 27,8% và 22%, giảm so với khoảng 1 tháng trước, song vẫn trội hơn mức tăng 14,3% của VN-Index. Tại sự kiện "Investor Day quý 3/2023", các nhà quản lý quỹ của Dragon Capital có góc nhìn lạc quan về thành quả đạt được từ đầu năm.
Tuy nhiên, TTCK hiện tại đang xuất hiện một số yếu tố khó đoán định trên thế giới như lạm phát vẫn còn, xung đột địa chính trị, giá dầu neo cao... Do đó, các quỹ của Dragon Capital có thể sẽ linh hoạt để ứng biến tùy tình hình, không nhất thiết phải theo chiến lược nắm giữ dài hạn.
Theo ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Khối Chứng khoán của Dragon Capital, TTCK Việt Nam được đánh giá vẫn đang ở trong trạng thái hồi phục, lãi suất giảm, tỷ giá ổn định, thanh khoản bắt đầu nới lỏng, khả năng vỡ nợ thấp do các giải pháp đang được thực hiện. Yếu tố cuối cùng cần chờ đợi là biên lợi nhuận được cải thiện, doanh thu hồi phục. Dự kiến sẽ còn một đợt giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước trong quý 4, khả năng thị trường giảm 12 - 14% trong ngắn hạn là rất thấp.
Cùng với DCDS và DCBC, danh sách các quỹ “chiến thắng” mức tăng của VN-Index vẫn chủ yếu bao gồm các quỹ đầu tư nội như VCAMBF, VEOF-VinaCapital, VCBF-TBF, VLGF-SSIAM, VEF...
Chiều ngược lại, nhóm quỹ ngoại vẫn tỏ ra yếu thế hơn. Theo khảo sát, trong 13 quỹ đầu tư ghi nhận hiệu suất thấp hơn mức tăng của VN-Index, có đến 9 quỹ đầu tư ngoại (tỷ lệ 69%). Diễn biến này không quá ngạc nhiên khi đã diễn ra từ những tháng trước đó.
Quan trọng hơn nhiều quỹ đã thu hẹp đáng kể thành quả từ đầu năm. Ví dụ, Lumen Vietnam Fund “đánh rơi” 4,1% trong tháng 9 (tháng 8 lãi 0,6%). Hiệu suất lũy kế từ đầu năm đến 12/10 chỉ còn 11%. Quỹ trụ sở Liechtenstein chỉ ra kết quả tháng 9 đến từ mức giảm của nhóm ngành công nghiệp, ngành hàng tiêu dùng thiết yếu, trong đó đóng góp lớn nhất từ một công ty sở hữu chuỗi cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc. Tại thời điểm cuối tháng 9, nhóm 10 khoản đầu tư lớn nhất (chiếm tổng cộng 41% danh mục) bao gồm FPT, VNM, CTG, STB, VRE, PLX, BVH, VHM, GMD và MSN.
Với Pyn Elite Fund, danh mục đầu tư lỗ 7,4% trong tháng 9, đánh dấu tháng lỗ thứ hai liên tiếp (tháng 8 lỗ 1,7%). Tỷ suất lợi nhuận lũy kế giảm xuống còn 4,4% tại ngày 12/10. Quỹ ghi nhận việc chịu ảnh hưởng của yếu tố tỷ giá trong thời gian qua, cụ thể là sự mạnh lên của đồng USD. Trong khi đó, các khoản đầu tư lớn nhất trong danh mục không có thay đổi thành phần với việc nhóm ngân hàng vẫn chiếm tỷ trọng khoảng 50%, cùng với các bluechip như VHM, VRE - đều diễn biến kém sắc trong thời gian qua.
Tại thư gửi nhà đầu tư vào đầu tháng 10 , ông Petri Deryng, nhà điều hành Pyn Elite Fund, bày tỏ sự ngạc nhiên về sự suy yếu TTCK trong giai đoạn gần đây, bất chấp kỳ vọng chung về các cổ phiếu và xu hướng tăng được dự báo tiếp diễn trong năm 2024. Vị lãnh đạo nhận định lo ngại của nhà đầu tư về câu chuyện Ngân hàng Nhà nước phát hành tín phiếu có phần thái quá, khi thanh khoản của các ngân hàng Việt Nam vẫn tốt.
Tương tự Pyn Elite Fund, iShares Frontier and Select EM ETF có hiệu suất âm tháng liên tiếp (2,2% vào tháng 8 và 3,6% vào tháng 9). Hiệu quả đầu tư đến 12/10 chỉ còn 5,6%, cách xa so với mức tăng của VN-Index. Cổ phiếu Việt Nam chỉ chiếm khoảng 32% cơ cấu danh mục quỹ ngoại. 4 cổ phiếu Việt Nam nằm trong Top10 danh mục gồm HPG, VIC, VNM và VHM (chiếm tổng cộng 11,3%).
Bức tranh hoạt động các quỹ đầu tư tại Việt Nam vẫn tiếp tục phân hóa. Điều này đến từ 3 lý do chính. Thứ nhất, quỹ nhỏ (giá trị tài sản ròng dưới 100 triệu USD) dễ dàng cơ cấu danh mục đầu tư hơn. Thứ hai, quỹ lớn nắm nhiều bluechip và các mã này diễn biến kém sắc trong thời gian qua, điển hình như nhóm Vingroup (VIC, VHM, VRE). Thứ ba, ngược lại, một số quỹ nội có hiệu quả từ nhờ số ít mã có tăng trưởng tích cực hơn so với thị trường chung.
Một yếu tố nhà quản lý quỹ khá lo ngại đó là tỷ giá. Khi tỷ giá tăng, hiện tượng rút quỹ đã xảy ra tại một số ETF trên thị trường. Nhìn rộng ra, khối ngoại đã liên tục bán ròng trong những tháng gần đây. Tuy nhiên, với những quỹ chủ động trên thị trường, rủi ro rút quỹ thấp hơn bởi nhiều cổ đông là các tổ chức, gắn bó lâu năm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận