"Nhiệm vụ bất khả thi" trong thực hiện thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn một
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ngày 10/7, Trung Quốc đã đặt mua 1,365 triệu tấn ngô, bao gồm 765.000 tấn giao trong niên vụ kết thúc vào ngày 31/8/2020 và 600.000 tấn giao trong niên vụ tiếp theo, bắt đầu từ ngày 1/9/2020. Đây là lượng ngô được Trung Quốc đặt mua lớn nhất trong 1 ngày kể từ tháng 12/1994.
Ngoài ra, Trung Quốc còn đặt mua từ Mỹ 130.000 tấn lúa mỳ vỏ cám đỏ của vụ Đông và 190.000 tấn lúa mỳ vỏ cám đỏ của vụ Xuân.
Trong thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn một được ký kết hồi tháng 1/2020, Bắc Kinh đã đồng ý mua 80 tỷ USD hàng nông sản Mỹ trong 2 năm, trong đó mua 36,5 tỷ USD nông sản trong năm 2020.
Trong bối cảnh trong nước đang phải đối mặt với điều kiện thời tiết khí hậu bất lợi, đặc biệt là lũ lụt, hoạt động tăng cường mua ngô và lúa mỹ Mỹ không chỉ giúp Trung Quốc bù lấp sự thiếu hụt về lượng cung trong nước, mà còn mang tới kỳ vọng tốt đẹp cho nông dân Mỹ, góp phần thực hiện cam kết đưa ra với Mỹ. Tuy nhiên, vấn đề không dễ dàng trong lĩnh vực năng lượng.
Theo thỏa thuận thương mại đã ký kết, Trung Quốc cam kết trong 2 năm mua 200 tỷ USD nông sản, thành phẩm công nghiệp, năng lượng và dịch vụ từ Mỹ. Trong đó, thỏa thuận yêu cầu trong năm 2020, Trung Quốc mua 25 tỷ USD năng lượng Mỹ và con số này sẽ cao hơn trong năm 2021.
Tuy vậy, số liệu thống kê mới nhất của Mỹ cho thấy từ đầu năm 2020 tới hết tháng Năm vừa qua, Trung Quốc chỉ mua được 2 tỷ USD năng lượng của Mỹ.
Chủ tịch Hiệp hội Khí thiên nhiên hóa lỏng Mỹ (LNG Allies) Fred Hutchison cho rằng mục tiêu xuất khẩu năng lượng thường rất vĩ đại, đặc biệt là đối với xuất khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng.
Đại dịch COVID-19 đã tăng thêm mức độ khó khăn cho việc thực hiện mục tiêu này. Bởi trong thời gian diễn ra dịch bệnh thì cả nhu cầu và giá năng lượng đều giảm mạnh. Ở chừng mực nào đó, điều này giải thích tại sao quy mô mua năng lượng của Trung Quốc thấp hơn nhiều so với mục tiêu.
Thực tế cho thấy tháng 2 và tháng 3/2020 vốn là kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán ở Trung Quốc và nhu cầu của ngành công nghiệp xuống thấp trong dịp này. Cộng thêm việc Trung Quốc phải đối mặt với dịch bệnh, tới tháng 4/2020 nhiều địa phương mới bắt đầu khôi phục sản xuất kinh doanh.
Tiến độ mua năng lượng Mỹ vì thế diễn ra rất chậm. Nếu muốn thực hiện mục tiêu đề ra, từ tháng 6/2020 tới cuối năm, mỗi tháng Trung Quốc phải mua trên 3 tỷ USD năng lượng Mỹ, vượt cả tổng mức mua trong 5 tháng đầu năm.
Hơn nữa, do khi ký kết thỏa thuận, hai bên nhất trí tính toán mục tiêu mua năng lượng Mỹ theo giá trị tính bằng đồng USD, nên khi giá năng lượng sụt giảm mạnh, mức độ khó khăn của việc thực hiện mục tiêu càng tăng lên.
Theo nghiên cứu viên cao cấp Chad Brown thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế quốc tế Peterson (PIIE), cam kết mua năng lượng theo giá trị tính bằng đồng USD chứ không phải bằng khối lượng mua sắm. Vì thế, dù Trung Quốc có mua sắm với quy mô lớn mà giá cả tiệm cận bằng 0 thì cũng không có cách nào thực hiện được cam kết đã đưa ra.
Vấn đề đau đầu hơn là đại dịch COVID-19 bùng phát và các biện pháp phong tỏa để phòng chống dịch đã khiến thương mại toàn cầu rơi vào tình trạng tê liệt. Dù Trung Quốc nỗ lực khôi phục sản xuất kinh doanh, nhưng do bị ảnh hưởng với tình hình dịch bệnh bên ngoài, hoạt động nhập khẩu năng lượng vẫn không thể trở lại quỹ đạo bình thường.
Thống kê cho thấy tới hết tháng 5/2020, nhập khẩu năng lượng từ Mỹ của Trung Quốc mới đạt 18% so với mục tiêu cả năm. Nhập khẩu nông sản phẩm tuy có tăng, nhưng mới hoàn thành 39% mục tiêu cả năm. Nhập khẩu thành phẩm công nghiệp là khả quan nhất, đạt 56% mục tiêu cả năm. Tính chung, tổng giá trị mua sắm của Trung Quốc theo thỏa thuận với Mỹ đạt 26,9 tỷ USD, tương đương 45% mục tiêu cả năm.
Trước thực trạng trên, hơn 40 hiệp hội ngành nghề ở Mỹ, đứng đầu là Văn phòng Thương mại Mỹ (USCC) đã gửi thư tới Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, trong đó hối thúc các quan chức kinh tế thương mại hai nước nỗ lực thực hiện cam kết mua sắm hàng hóa Mỹ trong thỏa thuận thương mại giai đoạn một.
Phó Chủ tịch điều hành USCC Myron Brilliant nhấn mạnh thỏa thuận này phải được thực thi một cách toàn diện, tránh để quan hệ song phương ngày một căng thẳng gây nguy hại tới thỏa thuận này.
Theo Nhật báo phố Wall, dự kiến vào trung tuần tháng 8/2020, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sẽ tiến hành điện đàm để đánh giá về tình hình thực hiện thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn một. Tới nay, Nhà Trắng vẫn chưa đưa ra tuyên bố chính thức về cuộc điện đàm này, nhưng có thể phía Mỹ đã phát tín hiệu gia tăng sức ép đối với Trung Quốc.
Trả lời phỏng vấn báo chí trên đường tới bang Florida ngày 10/7 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng thương mại Mỹ-Trung đã tổn hại nặng nề vì dịch COVID-19 và Washington không dành sự ưu tiên cho thỏa thuận thương mại giai đoạn hai với Bắc Kinh./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận