Nhật - Hàn tranh cãi, Samsung gặp “tai bay vạ gió”
Hãng điện tử Samsung bỗng dưng trở thành “nạn nhân” trong một vụ tranh cãi chính trị giữa Seoul (Hàn Quốc) và Tokyo (Nhật Bản) liên quan đến vấn đề người Hàn Quốc bị các công ty Nhật Bản cưỡng bức lao động trong chiến tranh thế giới thứ hai.
Hôm 4-7, Nhật Bản áp đặt lệnh hạn chế xuất khẩu 3 vật liệu công nghệ cao sang Hàn Quốc bao gồm photoresist (chất cản quang), hydrogen fluoride (chất ăn mòn được dùng trong khắc thủy tinh) và fluorine polyimide (một loại nhựa nhiệt dẻo). Đây là những vật liệu quan trọng được sử dụng để sản xuất bán dẫn và màn hình của các thiết bị điện tử.
Seoul đã chỉ trích động thái trên của Nhật Bản là nhằm trả đũa kinh tế sau khi tòa án tối cao Hàn Quốc hồi năm ngoái phán quyết buộc các công ty Nhật Bản bồi thường cho những lao động Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động trong chiến tranh thế giới thứ hai.
Nhật Bản cho rằng vấn đề cưỡng bức lao động đã được giải quyết khi hai nước nối lại quan hệ ngoại giao năm 1965, trong khi đó, Seoul nói rằng phán quyết của tòa án tối cao là công việc độc lập của bộ máy tư pháp, chính phủ Hàn Quốc không có quyền can thiệp.
Chẳng may, đòn trả đũa này có thể giáng đòn nặng nề cho Samsung dù hãng này chẳng có mối liên quan trực tiếp nào trong cuộc tranh cãi đang diễn ra giữa Soeul và Tokyo.
Mảng thiết bị bán dẫn (chip) là cỗ máy kiếm tiền chính cho Seoul. Giữa lúc thị trường bán dẫn còn yếu ớt, việc Nhật Bản hạn chế xuất khẩu các vật liệu bán dẫn cho các công ty Hàn Quốc có thể khiến tình hình sản xuất của Samsung rơi vào bế tắc.
Nhật Bản nắm giữ nguồn cung toàn cầu về fluorinated polyimide và photoresist ở mức 90% và con số này ở hydrogen fluoride là 70%. Do vậy, rất khó để Samsung tìm kiếm nguồn cung thay thế từ các nước khác.
Park Jea-gun, Chủ tịch Hiệp hội Công nghệ bán dẫn và màn hình Hàn Quốc nói rằng, nếu thiếu các vật liệu này, các công ty công nghệ Hàn Quốc chỉ có thể duy trì hoạt động tối đa thêm 4 tháng nữa.
Một lãnh đạo của Samsung cho biết hãng này cảm thấy “sốc” trước động thái quá bất ngờ của Nhật Bản. Samsung được cho là chỉ còn nguồn dự trữ hydrogen fluoride đủ dùng cho một tháng.
Một nhà phân tích dự báo Samsung có thể tiết kiệm vật liệu bằng cách giảm công suất sản xuất chip từ 20-30%, một động thái có thể mang lại “cơ hội chặn đứng đà suy giảm giá chip nhớ”.
Tuy nhiên, một nhà phân tích khác tỏ ra kém lạc quan hơn khi cho rằng các biện pháp hạn chế xuất khẩu các vật liệu công nghệ cao của Nhật Bản có thể đánh trúng “điểm dễ tổn thương” của Samsung vì các vật liệu này rất quan trọng đối với các quy trình sản xuất của Samsung.
Hôm 5-7, Samsung cho biết lợi nhuận hoạt động trong quí kết thúc vào tháng 6-2019 rơi về mức 6.500 tỉ won (5,56 tỉ đô la Mỹ), giảm 56% so với cùng kỳ năm ngoái chủ yếu do giá các chip nhớ DRAM và NAND lao dốc. Giờ đây, giới phân tích lo ngại lệnh hạn chế xuất khẩu vật liệu công nghệ cao của Nhật Bản sẽ khiến lợi nhuận của Samsung tiếp tục suy giảm.
“Động thái của Nhật Bản có thể là một yếu tố tiêu cực lớn đối với triển vọng lợi nhuận của Samsung và SK Hynix (một “ông lớn” bán dẫn khác của Hàn Quốc)”, Daniel Kim, nhà phân tích ở ngân hàng Macquarie, nói.
Các thiết bị bán dẫn đóng góp hơn 50% lợi nhuận hàng năm của Samsung. Giới phân tích cho biết lợi nhuận đang cải thiện ở mảng khác không đủ để bù đắp cho biên độ lợi nhuận đang giảm nhanh ở mảng bán dẫn của Samsung.
Cuộc vận động chống Huawei của Mỹ đã làm suy yếu nhu cầu chip nhớ nhưng Samsung được hưởng lợi ở mảng smartphone và thiết bị viễn thông. Các nhà phân tích ước tính Samsung có thể bán thêm 37 triệu smartphone mỗi năm nếu tình hình khó khăn vẫn đeo bám Huawei dai dẳng. Samsung dự kiến bán hơn 300 triệu smartphone trong năm nay để duy trì vị thế dẫn đầu thị trường.
Giữa lúc căng thẳng Nhật-Hàn leo thang, báo chí Hàn Quốc cho biết Phó Chủ tịch Samsung Lee Jae-yong đã triệu tập nhiều cuộc họp với các lãnh đạo bộ phận bán dẫn của Samsung và ông đang cân nhắc sang thăm Nhật Bản sớm nhất là vào ngày 7-7 để tìm cách tháo gỡ tình hình.
Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng sẽ tổ chức cuộc họp với các lãnh đạo của các tập đoàn công nghệ lớn nhất nước vào tuần sau để thảo luận về các giải pháp ứng phó với lệnh hạn chế xuất khẩu các vật liệu công nghệ cao của Nhật Bản.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận