Nhật - Hàn lao vào cuộc chiến thương mại mà cả hai sẽ cùng thua
Tranh cãi ngoại giao giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đang đẩy hai bên vào cuộc chiến thương mại mà hai bên sẽ cùng thua vì đều chịu các tổn thương kinh tế.
Ngày 2-8, nội các Nhật Bản đã thông qua quyết định loại bỏ Hàn Quốc ra khỏi “danh sách trắng” của các đối tác thương mại uy tín, những nước được phép mua những sản phẩm và công nghệ của Nhật Bản có thể được chuyển sang sử dụng cho mục đích quân sự.
Động thái này không chỉ gây tổn thương cho các công ty công nghệ Hàn Quốc đang phụ thuộc vào các linh kiện và vật liệu công nghệ của Nhật Bản mà còn gây thiệt hại cho doanh thu xuất khẩu của các nhà cung ứng Nhật Bản.
Hồi đầu tháng 7, lấy lý do an ninh, Nhật Bản quyết định hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc 3 vật liệu công nghệ cao được sử dụng để sản xuất chip và màn hình, gây ảnh hưởng nặng nề cho các công ty công nghệ Hàn Quốc, bao gồm Samsung.
Hàn Quốc cáo buộc động thái của Nhật Bản là nhằm trả đũa việc Tòa án tối cao Hàn Quốc ra phán quyết buộc các doanh nghiệp Nhật Bản bồi thường cho những người Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động ở các nhà máy và hầm mỏ của họ trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng bán đảo Triều Tiên giai đoạn 1910-1945.
Các căng thẳng ngoại giao đã châm ngòi làn sóng tẩy chay hàng hóa Nhật Bản tại Hàn Quốc từ thực phẩm, đồ uống, mỹ phẩm, áo quần cho đến ô tô. Các siêu thị ở Hàn Quốc từ chối bổ sung vào kho hàng các sản phẩm của Nhật Bản. Chuỗi siêu thị E-mart ở Hàn Quốc cho biết doanh thu các thương hiệu bia Nhật Bản giảm 30% trong nửa đầu tháng 7. Người tiêu dùng Hàn Quốc cũng đanh tránh xa chuỗi bán hành thời trang Uniqo của Nhật Bản cũng như hủy bỏ các chuyến du lịch đến Nhật Bản.
Quyết định của nội các Nhật Bản hôm 2-8 về việc loại bỏ Hàn Quốc ra khỏi “danh sách trắng” vào ngày 28-8 tới có thể “đổ thêm dầu vào lửa” đối với làn sóng tẩy chay này. Bắt đầu từ ngày 28-8 tới, các công ty xuất khẩu Nhật Bản phải xin giấy phép của Bộ Kinh tế, Thương mại và công nghiệp Nhật Bản trước khi xuất khẩu sang Hàn Quốc những mặt hàng công nghệ có thể được chuyển sang sử dụng cho mục đích quân sự.
Có hơn 1.000 sản phẩm của Nhật Bản xuất khẩu sang Hàn Quốc từ linh kiện điện tử cho đến công cụ máy móc rơi vào diện phải xin giấy phép xuất khẩu. Quy trình xin phép rườm rà có thể làm trể nãi các lô hàng xuất khẩu và đẩy tăng chi phí.
Các chuyên gia cho rằng cơn giận dữ nhuốm màu chủ nghĩa dân tộc ở Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ khiến chính phủ của hai mắc kẹt trong một cuộc đối đầu leo thang với các biện pháp trả đũa qua về, không có lối thoát dễ dàng.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in gọi quyết định của nội các Nhật Bản loại bỏ Hàn Quốc ra khỏi "danh sách trắng" là một động thái khinh suất, ích kỷ, tiêu cực có thể khơi dậy “các vết thương cũ” trong lịch sử đau buồn của hai nước.
“Nếu Nhật Bản cố tình tấn công nền kinh tế của chúng tôi, tự thân Nhật Bản cũng sẽ phải gánh chịu tổn hại nặng nề”, ông Moon Jae-in nói sau cuộc họp nội các khẩn cấp hôm 2-8. Ông nhấn mạnh Hàn Quốc “sẽ không bao giờ thua Nhật Bản một lần nữa”.
Hàn Quốc đang lên kế hoạch đáp trả Nhật Bản bằng biện pháp tương tự. “Chúng tôi sẽ tiến hành siết chặt kiểm soát xuất khẩu bằng cách gạt bỏ Nhật Bản ra khỏi danh sách trắng của chúng tôi”, Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc Hong Nam-ki nói.
Mối lo của Nhật Bản là các phán quyết vậy có thể dọn đường cho hơn 220.000 nạn nhân lao động cưỡng bức ở Hàn Quốc và thân nhân của họ nộp đơn kiện đòi bồi thường nhằm vào khoảng 300 công ty Nhật Bản bị cáo buộc cưỡng ép người Hàn Quốc lao động trong thời chiến. Tổng chi phí bồi thường cho núi đơn kiện này có thể phình lên 20 tỉ đô la Mỹ. |
Danh sách trắng này bao gồm những nước được hưởng các ưu đãi thương mại của Hàn Quốc. Ông Hong Nam-ki cũng cho biết chính phủ sẽ đưa ra các biện pháp hỗ trợ nhằm đa dạng hóa nguồn cung và thúc đẩy nghiên cứu 159 mặt hàng quan trọng bị ảnh hưởng do Nhật Bản đưa Hàn Quốc ra khỏi danh sách trắng.
Một số công ty Nhật Bản lo ngại quyết định gạt bỏ Hàn Quốc khỏi danh sách trắng sẽ gây tổn thương cho doanh thu xuất khẩu của họ. Công ty sản xuất linh kiện ô tô và điện tử Hitachi Metals cho biết: “Chúng tôi lo các khách hàng Hàn Quốc sẽ tìm cách đa dạng hóa nguồn cung”.
Dù Nhật Bản lấy lý do an ninh để áp đặt các biện pháp hạn chế xuất khẩu hàng hóa công nghệ Nhật Bản nhưng nguyên nhân sâu xa liên quan đến vấn đề người Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động tại các nhà máy và hầm mỏ của các công ty Nhật Bản trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng bán đảo Triều Tiên.
Hồi năm ngoái, Tòa án tối cao Hàn Quốc đã ra các phán quyết buộc các doanh nghiệp Nhật Bản như Nippon Steel, Sumitomo Metal, Mitsubishi Heavy Industries...bồi thường cho một số người Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động ở các nhà máy và hầm mỏ của họ trong thời chiến. Cho rằng vấn đề lao động cưỡng bức được dàn xếp khi cả hai nước ký hiệp định bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào năm 1965. Nhật Bản đã yêu cầu chính phủ Hàn Quốc can thiệp các phán quyết này nhưng Hàn Quốc từ chối.
Mối lo của Nhật Bản là các phán quyết vậy có thể dọn đường cho hơn 220.000 nạn nhân lao động cưỡng bức ở Hàn Quốc và thân nhân của họ nộp đơn kiện đòi bồi thường nhằm vào khoảng 300 công ty Nhật Bản bị cáo buộc cưỡng ép người Hàn Quốc lao động trong thời chiến. Tổng chi phí bồi thường cho núi đơn kiện này có thể phình lên 20 tỉ đô la Mỹ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nhật Bản Takeshi Osuga cho biết dù các động thái hạn chế xuất khẩu gây tổn thương kinh tế cho Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe sẽ không thể lùi bước trước vấn đề lao động cưỡng bức giữa lúc người dân Nhật Bản đang giận dữ vì Hàn Quốc không tôn trọng các hiệp định đã ký kết giữa các chính phủ tiền nhiệm của hai nước.
“Các vấn đề pháp lý liên quan đến lịch sử lao động trong thời chiến không thể bị phủi bỏ vì các lợi ích thương mại nhỏ”, ông Takeshi Osuga nói.
Theo AP, Nikkei Asian Review
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận