Nhật Bản: Văn hóa “nhậu” bị phản kháng
(TBKTSG Online) - Các công ty Nhật Bản từ lâu khuyến khích các cuộc nhậu sau giờ làm việc để xây dựng mối quan hệ gần gũi giữa sếp và nhân viên nhưng giờ đây, văn hóa “nhậu” đang đối mặt với sự phản kháng ngày càng gia tăng khi nhiều ý kiến cho rằng nó không thực sự giúp tăng hiệu quả công việc, đặc biệt, nó dẫn đến sự phân biệt giới tính và rào cản đối với những phụ nữ đi làm.
Văn hóa “ăn nhậu” sau khi tan ca làm việc đã trở thành một nề nếp gần như bắt buộc ở các công ty Nhật Bản. Văn hóa này đã ăn sâu vào lề lối làm việc ở các công sở Nhật Bản đến nỗi có một danh từ riêng để gọi tên là “nominication”, một từ ghép giữa động từ nomu (uống) trong tiếng Nhật và danh từ communication (giao tiếp) trong tiếng Anh.
Một số nhân viên cảm thấy đây là dịp để giải tỏa căng thẳng sau một ngày làm việc dài cũng như cơ hội để xây dựng quan hệ với sếp để được nâng đỡ và thăng tiến trong công việc, song một số nhân viên khác cảm thấy không thoải mái nhưng bắt buộc phải dự vì e ngại bị “trù dập” hoặc không được chiếu cố trong công việc.
Gần đây, bà Saiko Nanri, 49 tuổi, Tổng Giám đốc bộ phận truyền thông doanh nghiệp ở ngân hàng MUFG (Nhật Bản) đã yêu cầu chấm dứt văn hóa nominication tại bộ phận của bà.
Bà nói với các nhân viên rằng bà không đồng ý tổ chức các cuộc ăn nhậu sau giờ làm việc vì cho rằng chúng không mang lại hiệu quả công việc và không công bằng đối với những nhân viên có con nhỏ.
Bà nhấn mạnh: “Điều này không phải như thể tôi có kiến thức đặc biệt để chia sẻ với nhân viên bằng cách uống với họ mỗi ngày”.
Saiko Nanri, Tổng Giám đốc bộ phận truyền thông doanh nghiệp ở ngân hàng MUFG (Nhật Bản) đã yêu cầu chấm dứt văn hóa nominication tại bộ phận của bà. Ảnh: Bloomberg |
Nanri, một bà mẹ có hai con ở độ tuổi vị thành niên, muốn các nhân viên tăng cường trao đổi trong giờ làm vào ban ngày và kêu gọi họ dành thời gian cho gia đình vào buổi tối.
Lập trường của bà được một số nhân viên công sở ở Nhật Bản chia sẻ khi họ cho rằng các lề lối làm việc xưa cũ là nguyên nhân gây cản trở năng suất lao động và không khuyến khích phụ nữ gắn bó với công việc.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động trong một đất nước đang già hóa nhanh bằng cách cải thiện môi trường làm việc và giảm thời gian làm ngoài giờ. Một số phụ nữ cảm thấy phẫn uất vì phải tháp tùng sếp trong các cuộc nhậu sau một ngày làm việc vất vả.
Giáo sư Kumiko Nemoto ở Đại học Ngoại ngữ Kyoto, người từng viết một nghiên cứu về tình trạng bất công bằng giới tính tại các công sở Nhật Bản, nói: “Nề nếp lạc hậu này gây khó khăn các bà mẹ đi làm, những ông bố muốn hỗ trợ việc nhà nhiều hơn và những người nước ngoài vốn đã quen với chế độ cân bằng công việc và cuộc sống tốt hơn”.
Theo Nemoto, tại Nhật Bản, nhiều công ty không có hệ thống chính thức để đánh giá nhân viên nên nhiều quản lý đánh giá nhân viên qua các cuộc nhậu sau giờ làm. Điều này có nghĩa là những nhân viên không tham dự các cuộc nhậu như vậy có thể chịu các hậu quả liên quan đến thăng tiến nghề nghiệp.
Hiroki Tahara, một chuyên gia nguồn lực nhân sự, cho biết các nhân viên công sở trẻ tuổi ngày nay không thích nhậu xã giao với sếp giống như thế hệ nhân viên trước đây.
Saori Yano, 24 tuổi, từng làm cho một công ty tuyển dụng việc làm ở Tokyo, cho biết cô và các đồng nghiệp phải thay nhau đi uống với sếp vài lần mỗi tuần sau khi kết thúc giờ làm việc lúc 10 giờ đêm.
Cô nói: “Ông ta nói thông qua các cuộc nhậu, sẽ lắng nghe ý kiến của chúng tôi vì ông ta quá bận trong giờ làm nhưng thường thì chúng tôi rốt cục phải nghe những lời khoe khoang khoác lác của ông ta”.
Giới trẻ Nhật Bản ngày nay cũng không thích những bữa tiệc cuối năm, thường là những sự kiện ăn uống lớn nhất của các nhiều công ty. Cuộc khảo sát do công ty Neo Marketing thực hiện hồi tháng 11 năm ngoái cho thấy hơn 50% người tham gia khảo sát ở độ tuổi 20-30 nói rằng họ không quan tâm hoặc không thích các buổi tiệc như vậy chủ yếu là do họ ghét xã giao với sếp.
Không phải tất cả các chuyên gia đều phản đối văn hóa nominication. Kazuaki Yamauchi, một phó giáo sư ở Đại học Aizu ở tỉnh Fukushima (Nhật Bản) cho rằng đây là một nề nếp cần thiết để củng cố giao lưu kết nối giữa mọi người trong công ty. “Rượu có thể có tác dụng như dầu nhờn”, ông nói khi giải thích các cuộc nhậu có thể làm mềm hóa các mối quan hệ công việc. |
Theo Bloomberg
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận