Nhật Bản muốn xuất khẩu công nghệ biến rác thành điện
Các nước Đông Nam Á như Philippines, Việt Nam và Indonesia đang nổi lên như là những thị trường màu mỡ cho các nhà máy biến rác thành điện. Nhật Bản đang muốn tận dụng thế mạnh chuyên môn công nghệ trong lĩnh vực này để chộp lấy cơ hội kinh doanh.
Bộ Môi trường Nhật Bản đang hỗ trợ thành lập một nhóm đối tác công tư để thúc đẩy xuất khẩu các nhà máy đốt rác sản xuất điện đến khu vực Đông Nam Á. Nhóm đối tác này bao gồm văn phòng chính quyền thành phố Osaka và một số chính quyền thành phố khác cùng các công ty như Tập đoàn công nghiệp và kỹ thuật Hitachi Zosen, Công ty dịch vụ kỹ thuật JFE Engineering.
Nhóm đối tác sẽ cung cấp cho các khách hàng các giải pháp thu gom, phân loại, tái chế và giảm rác thải vốn đã đạt được trình độ cao tại Nhật Bản.
Bộ Môi trường Nhật Bản đã lên kế hoạch thiết lập 10 dự án biến rác thải thành điện ở các nước Đông Nam Á trước năm tài khóa 2023.
Các vùng biển ở Đông Nam Á đang tràn ngập rác thải nhựa và các loại rác thải khác, đe dọa đến môi trường sống của các sinh vật biển và gây tổn hại cho các hệ sinh thái. Nhật Bản cũng phải trải qua giai đoạn chật vật giải quyết các vấn đề rác thải kể từ khi nền kinh tế nước này bùng nổ vào thập niên 1960. Đến nay, Nhật Bản có khoảng 380 nhà máy đốt rác sản xuất điện, chiếm hơn 30% các cơ sở đốt rác thải trên cả nước. Số lượng các nhà máy đốt rác sản xuất điện ở Nhật Bản tăng hơn 20% trong 10 năm qua nhờ tích lũy được các chuyên môn vận hành.
Phòng điều hành ở nhà máy đốt rác sản xuất điện Shinagawa tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Japan Times |
Tại Đông Nam Á, các nhà máy biến rác thành điện đã được triển khai thí điểm ở một số nước như Singapore và Thái Lan. Song công nghệ này không được nhân rộng ở khu vực này do chi phí cao. Tuy nhiên gần đây nó bắt đầu thu hút được nhiều sự chú ý khi cơn bùng nổ kinh tế của Đông Nam Á kéo theo các hệ lụy nghiêm trọng về môi trường.
Tổng Công ty tài chính quốc tế (IFC), một thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG), dự báo nhu cầu thị trường toàn cầu đối với các nhà máy sản xuất điện từ rác sẽ tăng lên 80 tỉ đô la vào năm 2022 so với mức 7,4 tỉ đô la vào năm 2013.
Trong khi Trung Quốc đang tiếp thị mạnh mẽ công nghệ biến rác thành điện của nước này ở Đông Nam Á thì Nhật Bản cung cấp một gói giải pháp toàn diện hơn bao gồm cả hệ thống xử lý rác thải, đào tạo nhân lực chuyên môn cũng như tái chế rác thải và các dịch vụ khác liên quan đến rác thải.
Các công ty cung cấp công nghệ như Hitachi Zosen, JFE Engineering, Mitsubishi Heavy Industries và các nhà xuất khẩu khác sẽ thành một liên minh đối tác công tư với các chính quyền thành phố ở Nhật Bản để tham giá đấu thầu các dự án ở Đông Nam Á.
Bộ Môi trường Nhật Bản đã phân bổ 2 tỉ yen (18,6 triệu đô la) cho năm tài khóa 2019 để hỗ trợ các công ty này thực hiện các cuộc khảo sát hiện trường và các hoạt động chuẩn bị cho đấu thầu. Chương trình đối tác công tư của Bộ Môi trường Nhật Bản cũng nhằm đào sâu mối quan hệ hữu nghị với các nước Đông Nam Á bằng cách cung cấp cho họ các công nghệ thân thiện với môi trường.
Hầm rác bên trong nhà máy đốt rác sản xuất điện Shinagawa tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: The National |
Tại hội nghị thượng đỉnh G20 tại TP. Osaka vào cuối tháng này, Nhật Bản dự kiến quảng bá chương trình này. Thông qua chương trình, Nhật Bản sẽ nỗ lực đáp ứng nhu cầu quản lý rác thải của các nước Đông Nam Á, qua đó nhằm đào sâu mối quan hệ hữu nghị với các nước trong khu vực.
Ví như đối với nhiều đô thị ở Philippines, nơi các bãi rác thường xuyên phát cháy, bốc mùi hôi thối và gây ra các vấn đề xã hội khác, Nhật Bản sẽ cung cấp công nghệ quản lý rác thải để ngăn chặn sự phát thải của khí độc dioxin và các khí độc hại khác.
Cơ quan này đang hy vọng sẽ nhận được các đơn hàng xây dựng hệ thống quản lý rác thải từ các thành phố lớn của Philippines như Davao, Quezon và Cebu.
Các công ty như Nippon Steel Engineering đã tiến hành các cuộc nghiên cứu ban đầu và dự kiến sẽ tham gia đấu thầu xây dựng các nhà máy đốt rác sản xuất điện ở các thành phố này. Ngoài ra, các đối tác công tư của Nhật Bản cũng dự định cung cấp sáng kiến phát triển và quản lý hệ thống nước thải ở các nước Đông Nam Á. Bộ Môi trường Nhật Bản sẽ nhắm đến Hà Nội như là một thành phố mẫu cho sáng kiến này.
Indonesia đang đối mặt với các núi rác ngày càng chất cao vì hết chỗ chôn, khiến rác thải nhựa và các chất độc đang rò rỉ vào đại dương. Bộ Môi trường Nhật Bản đã hợp tác với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) để tiến hành khảo sát số lượng và các loại rác thải ở Indonesia. Họ cũng cho biết sẽ hỗ trợ một nhóm đối tác tham gia đấu thầu ở tỉnh Tây Java, Indonesia vào cuối năm nay.
Bộ Môi trường Nhật Bản hy vọng việc đấu thấu thành công sẽ mở đường cho nhóm đối tác công tư của Nhật Bản nhận được thêm nhiều đơn hàng khác. Chính phủ Indonesia đang thúc đẩy các dự án tương tự ở 11 khu vực.
Theo Nikkei Asian Review
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận