menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Thủy Tiên

Nhật Bản ghi điểm nhờ "chính sách ngoại giao ninja"

Sự chia rẽ chính trị ngày càng sâu sắc tại Mỹ là một thách thức nghiêm trọng đối với chính sách ngoại giao của Nhật Bản.

Sự chia rẽ chính trị ngày càng sâu sắc tại Mỹ là một thách thức nghiêm trọng đối với chính sách ngoại giao của Nhật Bản - một thách thức có khả năng còn gia tăng hơn nữa trong năm tới giữa những hỗn độn về chính trị và sự tác động của đại dịch Covid-19.

Tình hình chính trường Mỹ hiện nay có thể khiến nước này trở thành một đối tác song phương và đa phương bớt tin cậy hơn đối với Nhật Bản.

Hiệu quả của chính sách ngoại giao ninja

Chính sách ngoại giao của Nhật Bản đã thay đổi từ việc đặt trọng tâm vào sự gắn kết với Mỹ sang một cách tiếp cận chủ động hơn, linh hoạt hơn và thường là âm thầm hơn. “Chính sách ngoại giao ninja” này đối lập với “chính sách ngoại giao Chiến Lang” có phần lộ liễu của Trung Quốc hoặc “ngoại giao cao bồi” của Mỹ.

"Chính sách ngoại giao ninja" khá khiêm tốn nhưng vẫn được duy trì liên tục và đang nỗ lực tạo ra những hiệu quả như một phần trong một chiến lược rộng hơn bao gồm nhiều nhân tố khác. Các nhân tố này gồm hàng loạt bộ trưởng trong Chính phủ Nhật Bản, lĩnh vực tư nhân và các quốc gia khác cùng các tổ chức quốc tế.

Áp dụng kiểu diễn tả bằng văn hóa hình tượng này có vẻ là một phương pháp khá hời hợt để mô tả chiến lược chính sách ngoại giao của một quốc gia, song lại truyền đạt được một cách cô đọng những khía cạnh quan trọng trong bản sắc của nó.

Nhật Bản đang từng bước “điều chỉnh” lại sự phụ thuộc nặng nề của mình vào mối quan hệ Mỹ-Nhật. Nước này đã ký hàng loạt thỏa thuận hợp tác an ninh và kinh tế mới với các quốc gia như Australia, Ấn Độ, Canada và Philippines, cũng như các thỏa thuận tập thể với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU).

Nhật Bản còn đầu tư vào các tổ chức quốc tế như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC).

Tuy nhiên, không một mối quan hệ đối tác mới và mở rộng nào trong số này có thể thay thế cho bề dày hợp tác Mỹ-Nhật trong hàng loạt vấn đề kinh tế, an ninh và công nghệ.

Liên minh này đã sinh lợi cho cả hai bên trong suốt giai đoạn hậu Chiến tranh Lạnh, và Nhật Bản đặt cược rất nhiều vào sự thành công của Mỹ. Nhật Bản không thể lựa chọn giữa việc liên minh với Mỹ hay theo Trung Quốc, hoặc theo đuổi một chính sách ngoại giao cường quốc tầm trung.

Thay vào đó, họ phải theo đuổi tất cả những điều này cùng một lúc, và điều đó đòi hỏi sự khéo léo cùng nghệ thuật từ chối. Tokyo sẽ cần nỗ lực hơn nữa với chiến lược ngoại giao hai mũi nhọn của mình, vốn đang nỗ lực ủng hộ vị thế của Mỹ trên thế giới, đồng thời cũng đa dạng hóa các mối quan hệ và ảnh hưởng quốc tế của mình.

Tiếp cận "nhiều lựa chọn"

Trong lịch sử Nhật Bản, đã từng có những thời điểm mà trọng tâm của cuộc tranh cãi về chính sách ngoại giao là sự lựa chọn giữa phương Tây và Á Đông. Trái ngược với các chính sách bảo hộ mậu dịch với các hoạt động kinh tế ở châu Á, người ta có thể cho rằng một cách tiếp cận “quay trở lại châu Á” có thể được ủng hộ ở Tokyo.

Tuy nhiên, trong khi Bắc Kinh đang ủng hộ quan niệm “châu Á là của người châu Á”, thì giới hoạch định chính sách Nhật Bản lại không mấy tin tưởng rằng các đối tác Trung Quốc sẽ mang lại cho Nhật Bản đầy đủ những lợi ích.

Cách hành xử của Trung Quốc ở Biển Đông, Biển Hoa Đông và với Australia đang tiếp tục thôi thúc Nhật Bản áp dụng một cách tiếp cận “nhiều lựa chọn”, theo đó bao quát nhiều khu vực trên khắp thế giới để mở rộng các mối quan hệ đối tác và mài mòn những bước tiến ngoại giao của Trung Quốc, đồng thời vẫn thúc đẩy một mối quan hệ ổn định và sinh lợi với Bắc Kinh

Nhật Bản đang hợp tác với Mỹ, châu Âu và các bên khác nhằm chuyển các chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc, thiết lập các tiêu chuẩn cao cho thương mại tự động và bảo vệ sự toàn vẹn của dòng chảy dữ liệu dọc theo các đường cáp dưới biển.

Nhật Bản cũng hướng tới mục tiêu thay thế các khoản đầu tư của Trung Quốc cho các nước Đông Nam Á, thúc đẩy cải cách tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và hạn chế đầu tư Trung Quốc tại các công ty công nghệ cao của Nhật Bản.

Đất nước mặt trời mọc đang tìm kiếm một trật tự khu vực và toàn cầu mở dựa trên các quy tắc có thể được thực thi, thay vì trật tự dựa trên quy tắc “kẻ mạnh luôn đúng”. Về điểm này, Tokyo đang tìm kiếm các đối tác quốc tế để đối phó với Bắc Kinh, và âm thầm hơn là với Washington.

Mỹ có thể hợp tác với "chính sách ngoại giao ninja" của Nhật Bản để bảo vệ nhiều lợi ích chung. Mặc dù Nhật Bản không thể chờ đợi Mỹ khi xúc tiến các thỏa thuận quốc tế, nhưng cũng nên nỗ lực để không khiến Washington bị bỏ lại phía sau.

(theo eastasiaforum.org)

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả