24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Vạn Lịch
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Nhật Bản: Đồng yen sụt giá là tín hiệu tốt hay xấu?

Số tay tiết kiệm kakeibo đã trở thành từ khóa thịnh hành tại Nhật Bản trong một vài năm trở lại đây. Được ví như một “nghệ thuật” chi tiêu gia đình, kakeibo hướng đến việc khuyến khích người tiêu dùng điều chỉnh lối sống. Họ sẽ tuân theo các nguyên tắc chi tiêu cẩn thận hơn để tiết kiệm tiền trong bối cảnh lạm phát và thuế tăng cao, đi kèm với suy thoái kinh tế.

Mặc dù kakeibo về cơ bản chỉ là phương pháp cắt giảm các khoản chi phí không cần thiết, cuốn sổ tay về chủ đề này và các kỹ thuật tiết kiệm tiền khác đang là những mặt hàng được tìm mua nhiều nhất trong bối cảnh kinh tế hiện nay.

Tham gia vào thị trường chứng khoán và sở hữu bất động sản nếu có thể

Sáu tháng đầu năm 2022 ghi nhận giá trị đồng yen sụt giảm xuống mức thấp nhất của 24 năm so với đồng USD (với mức giảm tương tự so với đồng bảng Anh và đồng euro). Đồng nội tệ Nhật Bản đã để mất 18% giá trị so với đồng bạc xanh.

Điều này xảy ra đồng thời với việc lạm phát trong nước của Nhật Bản gia tăng. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này đã tăng hơn 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái, do nhiều yếu tố bao gồm sự phục hồi sau đại dịch COVID-19, sự thiếu hụt chuỗi cung ứng toàn cầu và chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine.

Lạm phát đã vượt mức mục tiêu 2% mà Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) đề ra. Tuy nhiên, mức lạm phát này vẫn thấp hơn so với một số quốc gia đang phát triển khác. Đây có thể được coi là một niềm an ủi nhỏ đối với người dân Nhật Bản, khi họ đang phải đối mặt với tình trạng suy giảm sức mua và sự mất giá của các khoản tiền tiết kiệm, đặc biệt là khi các điều kiện tiền lương trong nước vẫn trì trệ.

“Chúng ta đã ở trong một môi trường lạm phát kéo dài”, David Rubenstein, chuyên gia quản lý tài sản cấp cao tại công ty tư vấn tài chính Argentum được cấp phép có trụ sở tại Nhật Bản nhận định.

Theo chuyên gia này, phương pháp quan trọng nhất để giảm thiểu thiệt hại tài chính cá nhân trong thời kỳ lạm phát là thông qua quyền sở hữu tài sản hữu hình.

“Bạn nên tham gia vào thị trường chứng khoán và sở hữu bất động sản nếu có thể”, ông nói.

Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng khả thi đối với những người có thu nhập khả dụng thấp hơn. Ngoài ra, danh mục đầu tư cũng phụ thuộc vào khẩu vị rủi ro của từng cá nhân nhất định, độ tuổi, số năm làm việc và sự ổn định thu nhập.

“Các kế hoạch đầu tư hàng tháng sẽ giúp bạn phòng ngừa rủi ro tiền tệ. Bạn không phải mua tất cả cùng một lúc, bạn sẽ mua chúng từng chút một. Điều này cho phép giảm thiểu rủi ro trong một ‘thị trường giá xuống’”, chuyên gia Rubenstein chia sẻ.

Ông nói: “Phương pháp này cũng hiệu quả đối với những người có thu nhập thấp hơn”.

Đây là điểm mấu chốt quan trọng vì dĩ nhiên bạn không muốn đầu tư toàn bộ số tiền mình có vào một thị trường đang biến động vì các yếu tố bất ổn. Mặc dù vậy, sự đa dạng hóa các khoản đầu tư bao gồm cổ phiếu, trái phiếu, kim loại quý, hàng hóa và bất động sản… cũng là cần thiết.

Thị trường chứng khoán được cho là con đường đầu tư dễ tiếp cận nhất, trong khi thị trường trái phiếu ổn định truyền thống – vốn được coi là đầu tư ít rủi ro mang lại lợi tức thấp hơn - đã trở nên kém ổn định trong năm qua.

Ngoài ra đối với chứng khoán, những rào cản gia nhập thị trường ban đầu đã được hạ thấp thông qua các nền tảng đầu tư trực tuyến.

Tương tự như vậy là cơ hội dành cho những người muốn “bơm” tiền mặt vào những cổ phiếu mà họ cho là phù hợp, ví dụ như quỹ ESG (môi trường, xã hội và quản trị) hoặc đầu tư vào các tổ chức từ thiện.

"Bỏ trứng vào nhiều giỏ"

Đa dạng hóa là một yếu tố quan trọng khác để bảo vệ nguồn tài chính, bên cạnh việc điều chỉnh số tiền bạn chuyển sang tài khoản nước ngoài sao cho phù hợp với biến động tiền tệ.

Nếu một người có tài sản ở Nhật Bản, được trả tiền ở Nhật Bản và có một số khoản đầu tư khác ở nước này thì họ sẽ muốn sở hữu một số tài sản bằng đồng USD hoặc có lẽ bằng đồng euro, chuyên gia Rubenstein nói.

Và mặc dù hiện tại một người đang ít chịu ảnh hưởng bởi xu hướng giảm giá của đồng yen, nếu họ đang gửi tiền vào các tài khoản nước ngoài, họ có thể chia thành nhiều đợt. Điều quan trọng hơn là phải xem tại sao đồng yen lại suy yếu và liệu điều này có khả năng thay đổi trong những tháng tới hay không.

Theo cách giải thích đơn giản nhất, việc BOJ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng (sử dụng lãi suất thấp) và tăng nguồn cung tín dụng để tạo ra tăng trưởng kinh tế, trong khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đang thắt chặt chính sách tiền tệ để giảm lạm phát đã khiến đồng USD mạnh lên so với đồng yen, vì đồng bạc xanh giờ đây đã trở thành đồng tiền ổn định hơn.

Nhà kinh tế Nhật Bản Tom Learmouth hy vọng nền kinh tế nước này sẽ phục hồi trong quý này và sự phục hồi sẽ tiếp tục vào nửa cuối năm nay.

“Nhật Bản sẽ vượt trội hơn các nền kinh tế G7 khác trong thời gian tới. Sự phục hồi trở lại của chi tiêu tiêu dùng sẽ diễn ra muộn hơn nhiều so với những nơi khác, với lạm phát chỉ ở mức 2,5%”, nhà kinh tế này nói.

Lạm phát ở nước ngoài đã tác động đến chi phí sinh hoạt ở Nhật Bản. Vào tháng 5/2022, Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) ghi nhận lạm phát tăng 8,1% so với năm trước, trong khi lạm phát tại Mỹ leo lên 8,5% trong cùng tháng, mức tăng cao nhất kể từ năm 1981. Lạm phát toàn cầu cũng được dự đoán sẽ tăng vọt lên 6,7% vào năm 2022.

Trong khi đó, môi trường chính sách tiền tệ hiện tại có nghĩa là người gửi tiết kiệm ở Nhật Bản từ lâu đã phải đối mặt với vấn đề lãi suất tiền gửi thấp hoặc bằng 0, khiến người nước ngoài tìm cách chuyển tiền yen sang ngoại tệ để hưởng lợi từ nguồn tiền mặt nhàn rỗi.Dhwani Pandya, một công dân Ấn Độ có hộ khẩu thường trú tại Nhật Bản, đã quyết định chuyển khoản tiết kiệm bằng đồng yen đến một ngân hàng ở Mumbai, nơi có lãi suất huy động 5% mỗi năm.

“Nếu tôi gửi tiền vào tài khoản tiết kiệm tại ngân hàng MUFG, tôi sẽ không có gì”, cô nói.

Tuy nhiên, chuyên gia Learmouth cũng lưu ý rằng những người ở Nhật Bản hiện đang khá giả hơn so với người châu Âu và Mỹ vì lạm phát ở phương Tây cao hơn nhiều so với lãi suất tiết kiệm trong nước của họ.

Do đó, không có lý do gì để tự mãn, chuyên gia Learnmouth cảnh báo.

Theo chuyên gia này, “cách tốt nhất để quản lý rủi ro tiền tệ đối với người nước ngoài (sinh sống tại Nhật Bản) là gửi tiết kiệm rải rác và đổi ra một số loại tiền tệ chính. Trong trường hợp cụ thể này, đồng yen hiện đang được định giá thấp hơn rõ rệt nên chiến lược hợp lý sẽ là chờ đến khi chu kỳ thắt chặt toàn cầu hiện tại kết thúc và đồng yen bắt đầu mạnh lên.

Tiếng nói của lý trí có lẽ là công cụ đầu tư quan trọng nhất trong bối cảnh kinh tế hiện nay. Đồng yen đã dao động trước đây và sẽ tiếp tục dao động. Vì vậy, việc giảm thiểu thiệt hại sẽ bao gồm các điều chỉnh có tính toán trong dài hạn.

Chuyên gia Rubenstein khẳng định: “Bạn không muốn đưa ra quyết định theo cảm tính khi đầu tư”.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả