Nhập khẩu tăng mạnh gây áp lực lên tỷ giá
Nhập khẩu tăng mạnh đến lượt mình quay trở lại gây áp lực lên tỷ giá, thể hiện qua diễn biến tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng tiếp tục tăng lên trong tháng 4 vừa qua, khiến nhà điều hành phải sử dụng nhiều biện pháp can thiệp. Tuy nhiên, việc kiềm chế tỷ giá quá mức cũng có thể gây tác động tiêu cực lên lợi thế cạnh tranh thương mại.
Tín hiệu đảo chiều
Hai tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 19,2% so với cùng kỳ năm 2023, còn nhập khẩu tăng 18%. Đết hết quí 1-2024, chênh lệch nới rộng hơn khi hai con số này lần lượt là 17% và 13,9%. Tuy nhiên, sang tháng 4 đã chứng kiến diễn biến bất ngờ, khi kim ngạch xuất khẩu lũy kế bốn tháng chỉ còn tăng 15% so cùng kỳ năm 2023, thấp hơn mức tăng 15,4% của nhập khẩu.
Đã có những tín hiệu đảo chiều trong hoạt động xuất nhập khẩu, khi kim ngạch xuất khẩu riêng tháng 4 vừa qua chỉ tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn nhiều so với mức tăng lên đến 19,9% của nhập khẩu. Theo đó, xuất siêu hàng hóa giảm mạnh từ mức 2,78 tỉ đô la Mỹ trong tháng 3 xuống chỉ còn 0,68 tỉ đô la trong tháng 4, là mức xuất siêu hàng hóa tính theo tháng thấp nhất theo công bố của Tổng cục Thống kê kể từ tháng 7-2022 đến nay.
Một số mặt hàng nhập khẩu đảo chiều từ giảm sút sang tăng mạnh trong tháng 4 vừa qua, như hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng lần lượt 17% và 10% so với cùng kỳ năm 2023; chất dẻo tăng 24%; nguyên phụ liệu dệt, may, giày dép tăng 38%; sợi dệt tăng 48%. Ngoài ra, một số sản phẩm khác cũng chứng kiến kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh hơn so với các tháng trước như tân dược tăng 72%, phân bón tăng 70%, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác tăng gần 14%.
Điểm tích cực là những mặt hàng nhập khẩu tăng mạnh trong tháng 4 vừa qua phần lớn là những mặt hàng đầu vào cho hoạt động sản xuất. Diễn biến này cho thấy các hoạt động sản xuất trong nền kinh tế đang tiếp tục phục hồi vững chắc, cũng như đơn hàng nước ngoài đang được nối trở lại.
Ở phía hoạt động xuất khẩu, trong khi các sản phẩm nông nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ trong tháng 4, một số sản phẩm khác chứng kiến suy yếu như các mặt hàng hóa chất, chất dẻo và sản phẩm từ chất dẻo, các mặt hàng sắt thép và sản phẩm từ sắt thép, điện thoại và linh kiện, phương tiện vận tải và phụ tùng.
Cả khu vực kinh tế trong nước và có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đều chứng kiến xu hướng kim ngạch nhập khẩu đi lên từ đầu năm đến nay. Cụ thể, ở khu vực trong nước, kim ngạch nhập khẩu tháng 2 tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2023, tháng 3 tăng 2,9% nhưng bước sang tháng 4 tăng vọt lên 24%. Ở khu vực FDI, các con số này lần lượt là giảm 0,1%, tăng 13,7% và tăng 17,5%.
Xét theo đối tác thương mại, Việt Nam xuất siêu lớn nhất sang Mỹ, với 29,6 tỉ đô la trong bốn tháng đầu năm nay, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm trước; ngược lại nhập siêu từ Trung Quốc 23,6 tỉ đô la, tăng tới 41,4%, riêng tháng 4 vừa qua nhập siêu từ Trung Quốc lên tới 6,9 tỉ đô la, cao hơn mức bình quân 5,5 tỉ đô la/tháng trong quí 1 vừa qua. Đáng lưu ý, xuất siêu sang Nhật Bản giảm mạnh 41,8%, trong khi nhập siêu từ khối ASEAN tăng mạnh 47,1%.
Tác động gì?
Tiền đồng của Việt Nam từ đầu năm đến nay chịu áp lực giảm giá so với đô la Mỹ, nhưng nhiều đồng tiền của các nước trong khu vực thậm chí còn mất giá nhiều hơn, dẫn đến việc tiền đồng tăng giá so với các đồng tiền này, ảnh hưởng đến lợi thế cạnh tranh thương mại. Cụ thể, tính đến đầu tháng 5 này, tiền đồng đã tăng giá 8,3% so với yen Nhật, tăng 6% so với bath Thái, tăng 5,3% so với won Hàn Quốc, tăng 3,9% so với rupiah Indonesia,…
Điều này là một trong những yếu tố lý giải cho việc xuất siêu sang Nhật Bản giảm mạnh và nhập siêu từ ASEAN tăng mạnh. Ngoài việc chất lượng sản phẩm cao, kênh phân phối bị các công ty đa quốc gia thâu tóm trong những năm qua và tâm lý ưa thích hàng ngoại của người tiêu dùng Việt, rõ ràng đồng tiền mạnh hơn cũng đã góp phần kích thích nhập khẩu hàng hóa từ các quốc gia lân cận vào Việt Nam.
Nhập khẩu tăng mạnh đến lượt mình quay trở lại gây áp lực lên tỷ giá, thể hiện qua diễn biến tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng tiếp tục tăng trong tháng 4 vừa qua, khiến nhà điều hành phải sử dụng nhiều biện pháp can thiệp, trong đó đã phải cung ứng thêm ngoại tệ ra thị trường. Tuy nhiên, việc kiềm chế tỷ giá quá mức cũng có thể gây tác động tiêu cực lên lợi thế cạnh tranh thương mại. Do đó, tìm một chính sách ứng phó với tỷ giá theo hướng cân bằng trong bối cảnh đồng tiền của các nước đều suy yếu so với đô la Mỹ là điều quan trọng nhất hiện nay.
Theo báo cáo dự báo tỷ giá và ngoại hối toàn cầu mới nhất của bộ phận Nghiên cứu Thị trường và Kinh tế toàn cầu thuộc UOB, tổ chức này dự báo tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng có thể lên 25.600 đồng/đô la trong quí 2-2024 trước khi suy yếu trở lại, khi đô la Mỹ sẽ suy yếu nhưng có thể bắt đầu muộn hơn vào quí 3-2024 trước khả năng Fed chỉ có thể giảm lãi suất trở lại từ cuộc họp tháng 9 tới. Đồng thời, UOB cũng dự báo các đồng tiền châu Á tiếp tục suy yếu trong thời gian còn lại của quí 2-2024, trước khi phục hồi trở lại từ quí 3-2024.
Cũng cần lưu ý rằng tăng trưởng kinh tế trong quí 1-2024 nhờ vào sự đóng góp lớn từ hoạt động thương mại với con số xuất siêu kỷ lục. Cụ thể, theo góc độ sử dụng GDP quí 1-2024, chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 19,16%. Do đó, nếu xu hướng thặng dư cán cân thương mại hàng hóa những tháng tới chậm lại hoặc thậm chí đảo chiều, ảnh hưởng lên tăng trưởng GDP là điều tất yếu.
Dù vậy, điểm tích cực là những mặt hàng nhập khẩu tăng mạnh trong tháng 4 vừa qua phần lớn là những mặt hàng đầu vào cho hoạt động sản xuất, các nguyên, vật liệu. Diễn biến này cho thấy các hoạt động sản xuất trong nền kinh tế đang tiếp tục phục hồi vững chắc, cũng như đơn hàng nước ngoài đang được nối trở lại.
Diễn biến chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) do S&P Global công bố mới đây ghi nhận PMI Việt Nam tăng từ mức 49,9 điểm trong tháng 3 lên 50,3 điểm trong tháng 4-2024. Đây là đợt tăng thứ 3 kể từ đầu năm khi các đơn đặt hàng mới tăng khiến sản lượng tăng trở lại, với tốc độ tăng nhanh nhất kể từ tháng 8-2022.
Ngoài ra, thực tế sau giai đoạn nguồn vốn FDI rót vào ồ ạt, sẽ đến lượt hoạt động nhập khẩu tăng trưởng mạnh mẽ hơn. Vì các tập đoàn đa quốc gia sau khi rót vốn đầu tư, bước kế tiếp sẽ tiến hành nhập khẩu máy móc thiết bị, linh kiện, nguyên, vật liệu để sớm vận hành nhà máy và đưa vào sản xuất. Tuy nhiên, đây cũng là cơ sở để giúp tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận