Nhập khẩu lạm phát
Trong các nhóm yếu tố của lạm phát hiện nay, thì nhập khẩu lạm phát được xem là yếu tố quan trọng.
Nhập khẩu lạm phát được coi là yếu tố quan trọng vào lúc này xuất phát từ nhiều điểm.
Rõ nhất là Việt Nam, cũng như nhiều nền kinh tế trên thế giới, đang có nhu cầu cao hơn năm trước về nguyên nhiên vật liệu, trong khi chuỗi cung ứng lại bị “đứt gãy” do đại dịch, cộng hưởng với cơ cấu kinh tế ít nhiều còn hạn chế (như công nghiệp hỗ trợ yếu, tính gia công lắp ráp còn cao, phụ thuộc vào nhập khẩu…) đã làm cho kinh tế bị suy giảm hoặc tăng trưởng thấp.
Một điểm quan trọng là sự nới lỏng chính sách tiền tệ của nhiều nền kinh tế lớn với hai biểu hiện nổi bật là lãi suất cơ bản giảm xuống mức gần bằng 0 trong thời gian khá dài và một lượng tiền khổng lồ đã đưa ra thị trường trong 2 năm qua ước bằng 25% GDP toàn cầu.
Trong khi đó, trong quan hệ buôn bán với nước ngoài, Việt Nam ở vị thế xuất siêu liên tục trong 5 năm, với quy mô ngày một lớn, nhưng 5 tháng đầu năm nay đã chuyển sang vị thế nhập siêu. Mặc dù xuất khẩu đạt quy mô lớn, tăng cao so với cùng kỳ, nhưng vẫn thấp hơn so với nhập khẩu (xuất khẩu trên 131,1 tỷ USD, tăng 30,9% so với nhập khẩu 131,6 tỷ USD, tăng 36,7%).
Một điểm quan trọng nữa, giá nhập khẩu tiếp tục tăng, nhất là xăng dầu, sắt thép…, nên không ít doanh nghiệp chủ trương tăng nhập khẩu để sản xuất, dự trữ, tránh giá còn cao hơn.
“Nhập khẩu lạm phát” thể hiện ở giá nhập khẩu tăng so với cùng kỳ năm trước trong các tháng đầu năm 2021. Theo Tổng cục Thống kê, giá nhập khẩu quý I/2021 tăng 1,2%. Nếu tính tất cả các nhóm/mặt hàng nhập khẩu, thì tốc độ tăng đơn giá nhập khẩu 5 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước lên đến 2 chữ số.
Đơn giá nhập khẩu tăng đồng nghĩa với giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào của sản xuất trong nước tăng lên, tức là chi phí đẩy - yếu tố đầu vào quan trọng của lạm phát trong nước - tăng lên. Việc này không những gây ra lạm phát cao hơn ở trong nước, mà còn làm cho sức cạnh tranh của sản phẩm sản xuất trong nước bị yếu đi so với mặt hàng xuất khẩu sang cùng một thị trường hoặc mặt hàng nhập khẩu Việt Nam.
Số liệu thống kê của Việt Nam và nhiều nước đã chứng tỏ, xuất siêu có tác động kích cung, còn nhập siêu có tác động kích cầu tăng tích lũy tài sản và tiêu dùng cuối cùng trong nước, đồng thời hạn chế cung sản xuất ở trong nước, tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế ở trong nước.
Giải pháp hạn chế tác động của “nhập khẩu lạm phát” thường khó khăn hơn các giải pháp kiềm chế lạm phát do các yếu tố ở trong nước, bởi “nhập khẩu lạm phát” là nhóm yếu tố từ nước ngoài, ngoài tầm khống chế của các chủ thể ở trong nước. Tuy nhiên, để hạn chế tác động tiêu cực của “nhập khẩu lạm phát”, vẫn có những giải pháp cần được áp dụng.
Về lâu dài, cần đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ, giảm tình trạng gia công lắp ráp của nền kinh tế ở nhiều ngành, lĩnh vực, khu vực, kể cả khu vực có vốn đầu tư nước ngoài…
Đẩy mạnh Cuộc vận động Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, phê phán tâm lý “sùng bái hàng ngoại”, tình trạng “ăn chơi sớm” của một bộ phận người tiêu dùng đã xuất hiện phất lên nhờ “lách cơ chế”, nhờ may mắn.
“Nhập khẩu lạm phát” do giá hàng nhập khẩu tính bằng USD tăng cao, nếu cộng hưởng với tỷ giá VND/USD ở trong nước mà tăng lên sẽ làm cho giá hàng nhập khẩu tính bằng VND tăng kép (vừa tăng do giá hàng tính bằng USD tăng, vừa tăng do tỷ giá VND/USD tăng). Do vậy, việc điều hành tỷ giá cần hết sức cẩn trọng trong điều kiện tỷ giá thương mại đã chuyển từ dấu dương sang dấu âm, vị thế trong quan hệ buôn bán với nước ngoài của Việt Nam đã chuyển từ xuất siêu sang nhập siêu…
Việc điều hành tỷ giá VND/USD ở trong nước hiện nay đứng trước nhiều thách thức, như tác động đến lạm phát, ổn định thị trường ngoại hối, tác động đến tỷ giá thương mại (để khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu), cán cân thương mại, cán cân thanh toán, dự trữ ngoại hối…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận