Nhân viên ngân hàng tìm mọi cách dụ khách gửi 'tiết kiệm đầu tư'
Dù đã nhiều lần từ chối mua bảo hiểm, tôi vẫn bị nhân viên ngân hàng tư vấn mập mờ gói tiết kiệm đầu tư.
Gần đây, trên các phương tiện thông tin có thông báo về tình trạng nhiều người dân đến ngân hàng gửi tiết kiệm bị nhân viên nhà băng tư vấn sang gói bảo hiểm nhân thọ. Tôi tá hỏa mở quyền hợp đồng mấy chục trang của mình ra và phát hiện bản thân cũng bị lừa mua bảo hiểm theo cách tương tự.
Chuyện là tháng 6 năm ngoái, tôi đến một ngân hàng trong nước, có chi nhánh ở quận Hoàng Mai, Hà Nội để đáo hạn sổ tiết kiệm. Sau khi làm thủ tục tại quầy, tôi được một nhân viên đến tư vấn gói "tiết kiệm đầu tư" với lãi suất cao hơn gửi tiết kiệm thông thường, nhưng phải đóng khoản phí cố định 15 triệu đồng một năm, số tiền gửi còn lại kia rút ra lúc nào cũng được.
Nhân viên ngân hàng còn tư vấn cho tôi rằng số tiền 15 triệu đồng kia sẽ phải đóng liên tục trong vòng 5 năm. Sau thời gian đó, tôi sẽ được rút ra toàn bộ. Nghĩ rằng phương án này có nhiều lợi ích, lại tin tưởng ngân hàng nên tôi đã đồng ý đặt bút ký. Lúc đó, nhân viên kia không hề tư vấn cho tôi biết đây thực chất là gói bảo hiểm nhân thọ trá hình.
Sau đấy ít hôm, người ta gửi cho tôi một quyển hợp đồng dài mấy chục trang. Tôi hoàn toàn không hề nghi ngờ gì nên cứ thế cất vào tủ, không mở ra đọc lại. Cho đến ngày hôm nay, khi đọc kỹ lại quyền hợp đồng đã ký, tôi mới phát hiện ra đó là một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.
Trong đó có ghi phí cố định hằng năm là 15 triệu đồng và thời gian đóng dự kiến là 5 năm. Tuy nhiên, thời gian đáo hạn hợp đồng là tới năm 2076, tức là khi tôi đã 101 tuổi (nếu còn sống). Nhưng càng đọc, tôi thấy thông tin trong hợp đồng về thu nhập, tình trạng sức khỏe... đều không đúng với mình. Tất cả đều do nhân viên làm hợp đồng tự ý đưa vào để hợp thức hóa các thủ tục. Có nghĩa là khi có rủi ro xảy ra, nhiều khả năng tôi sẽ không được bảo hiểm bồi thường do khai không chính xác.
Lo sợ khoản tiền tích lũy bao lâu nay của mình sẽ không cánh mà bay, tôi vội vàng đến chi nhánh ngân hàng và yêu cầu rút phí đóng thêm. Cũng may, thời gian đóng của tôi không nhiều, nên nếu hủy hợp đồng, tôi sẽ chỉ mất 15 triệu đồng phí đóng năm đầu. Đối với mọi người, số tiền này có thể là ít, nhưng với tôi nó cũng là số tiền lớn không dễ gì kiếm được.
Mà đấy là nếu đúng theo lời hứa hẹn của nhân viên trước đó rằng tôi có thể rút tiền bất cứ lúc nào. Chứ nếu phía bảo hiểm tìm cách phạt người mua kết thúc hợp đồng trước hạn, hay không cho rút hết số tiền đã đóng thì có lẽ tôi sẽ còn mất nhiều hơn nữa. Giờ tôi không biết phải làm thế nào với cái hợp đồng này?
Thứ tôi bực mình nhất không chỉ là vì bị mất tiền oan, mà còn vì tôi bị dính bẫy lừa ngay tại một ngân hàng lớn. Nhân viên tư vấn sai sự thật để dụ khách hàng mắc bẫy mua bảo hiểm. Vì trước đó đã có mấy lần nhân viên ở đây đến tư vấn tôi mua bảo hiểm nhưng đã bị từ chối thẳng thừng, vậy mắc mớ gì lại tư vấn mập mờ để dụ tôi ký vào hợp đồng mang danh "tiết kiệm đầu tư kia". Điều đó có khác gì lừa đảo?
Thú thật, giờ đây tôi cũng không biết phải đặt lòng tin vào đâu nữa? Bản thân những khách hàng đến gửi tiết kiệm ở ngân hàng như chúng tôi đâu có nhu cầu mua bảo hiểm? Cớ sao nhân viên ngân hàng lại tìm đủ mọi cách để dụ chúng tôi? Nếu hoạt động này cứ diễn ra công khai như vậy, e rằng sẽ còn nhiều người nữa trở thành nạn nhân của bảo hiểm như tôi.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận