Nhân lực đào tạo trong nước của ngành logistics chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn
Dù cả nước đã các cơ sở đào tạo về ngành logistics, tuy nhiên, nguồn nhân lực được đào tạo của cả nước nói chung và TP. Đà Nẵng nói riêng vẫn chưa đáp ứng kịp với tình hình phát triển hiện nay.
Theo bà Lương Ngọc Vi Ba, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao TP. Đà Nẵng, nguồn nhân lực logistic của Đà Nẵng mặc dù có sự phát triển nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của thành phố.
“Theo thống kê của Hiệp hội các doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, nguồn nhân lực trong lĩnh vực này gồm 3 nhóm chính là nhân lực quản trị cao cấp, quản trị trung cấp và lao động trực tiếp; đáp ứng được tầm 40-50% nhu của ngành”, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao TP. Đà Nẵng thông tin.
Bà Vi Ba cho biết, cán bộ quản lý thay vì được đào tạo bài bản từ các trường đại học, các học viện chuyên về logistics thì đa phần được đào tạo, tái đào tạo từ các nguồn khác nhau, trong dó chủ yếu là tích lũy kinh nghiệm kinh doanh và chuyên ngành đào tạo khác. Vì vậy, nhân lực chưa thực sự bài bản và có chất lượng.
Đối với khu vực công, các cơ quan đơn vị chủ yếu thực hiện chức năng nhà nước về các lĩnh vực phục vụ cho sự phát triển của ngành như cầu đường, quản lý hạ tầng, cảng vụ...
Bà Vi Ba cũng cho biết thêm, hiện Sở GTVT TP. Đà Nẵng đang xây dựng kế hoạch phát triển ngành vận tải và dịch vụ logistics của TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Theo đó, Sở Nội vụ sẽ phối hợp xây dựng báo cáo nhân lực ngắn hạn và dài hạn, đồng thời xây dựng tiêu chí, yêu cầu và số lượng vị trí cụ thể để tiến hành thu hút, đào tạo, bồi dưỡng nhân lực theo lộ trình hàng năm.
Bên cạnh đó, thành phố sẽ lựa chọn các cán bộ trẻ có năng lực để tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng chất lượng cao trong và ngoài nước để tạo nguồn cán bộ cho bộ máy quản lý vận tải và dịch vụ logistics bằng kinh phí của nhà nước và nguồn xã hội hóa.
Dựa vào số liệu của Hiệp hội các doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), ông Võ Văn Tiến, Trưởng phòng việc làm và an toàn lao động - Sở Lao động thương binh và xã hội TP. Đà Nẵng cho biết, nguồn nhân lực logistics cả nước có hơn 1 triệu lao động, gồm 3 nhóm chính là nhân lực quản trị cao cấp, quản trị trung cấp và lao động trực tiếp, ước tính chỉ được đáp ứng khoảng 40% - 50% nhu cầu của ngành.
Theo đó, chỉ khoảng 5% - 7% số lao động là có đào tạo bài bản và chuyên nghiệp, 80% - 85% doanh nghiệp tự đào tạo nguồn nhân lực của mình thông qua kèm cặp, rèn tay nghề sau tuyển dụng nhiều năm.
Cả nước có tới 80,26% nhân lực được đào tạo thông qua công việc hàng ngày, 23,6% tham gia các khóa học về logistics, chỉ có 3,9% tham gia các khóa đào tạo về logistics ở nước ngoài và trong những người được học về logistics chỉ khoảng 10% có trình độ thông thạo tiếng Anh chuyên ngành logistics. Đào tạo về logistics tại Việt Nam mới được chú trọng từ năm 2012 trở lại đây.
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực logistics thay vì được đào tạo từ các trường đại học, các học Viện chuyên về logistics, đa phần lại được đào tạo từ nhiều nguồn khác nhau. Nhiều cán bộ quản lý được đào tạo và tái đào tạo và chủ yếu tích lũy kiến thức từ kinh nghiệm kinh doanh từ các chuyên ngành đào tạo khác chuyển sang, do vậy thiếu bài bản và chất lượng, hiệu quả công việc gặp nhiều ảnh hưởng. Đội ngũ nhân viên nghiệp vụ thực hiện trực tiếp các công việc liên quan tới logistics, phần lớn tốt nghiệp đại học với các chuyên ngành ngoài logistics.
Theo ông Tiến, hiện nay cả nước có 3 hình thức đào tạo phổ biến là: đào tạo chính thức tại các trường đại học, trung cấp và trường nghề; đào tạo trong các hiệp hội và đào tạo trong doanh nghiệp.
Hiện trên cả nước chỉ có 8 trường đại học đào tạo chuyên ngành logistics và cũng bắt đầu đào tạo chính thức từ năm 2013. Riêng khu vực miền Trung, cơ sở đào tạo ngành logistics chỉ có Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng, hằng năm khoảng tuyển sinh khoảng từ 100 – 250 sinh viên.
Lao động ngành logistic thành phố Đà Nẵng cũng nằm trong tình trạng chung đó; số lượng lao động các năm 2014 – 2015 có giảm nhưng những năm 2016 đến năm 2017 tăng nhanh 11 - 12%.
Ngoài ra, Việt Nam đã kết hợp với các hiệp hội giao nhận các nước ASEAN (AFFA) tổ chức các khóa đào tạo nghiệp vụ giao nhận vận tải quốc tế cấp chứng chỉ FIATA, nghiệp vụ gom hàng đường biển…
“Lực lượng lao động trực tiếp như bốc vác, xếp dỡ, lái xe, kiểm đếm hàng kho bãi thì đa số có trình độ học vấn thấp, chưa được đào tạo tác phong làm việc chuyên nghiệp, thiếu chứng chỉ nghề logistics”, ông Tiến cho hay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận