Nhận định về một số sự kiện liên quan đến triển vọng thương mại Việt Nam
Hai sự kiện đáng chú ý trong tháng qua về tình hình thương mại là: 1) Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tiếp diễn với vòng đánh thuế tiếp theo dự kiến sẽ bắt đầu đối với một số loại hàng hoá từ tháng 8/2024 và 2) Vấn đề gián đoạn chuỗi cung ứng tiếp tục gây thiếu hụt container, dẫn đến việc giá cước vận chuyển hàng hoá bằng đường biển đi Châu Âu và Mỹ có xu hướng tăng mạnh.
Như đã đề cập trong NKCV ngày 30/05/2024, tác động của vòng đánh thuế mới nhất của Mỹ lên hàng hoá Trung Quốc là không đáng kể với cả hai nước. Tuy nhiên, hàm ý là rất có thể sẽ có những leo thang về chiến tranh thương mại, trước, trong và sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới.
Cả hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ đều dùng công cụ đánh thuế như một đòn bẩy để tranh cử. Trong trường hợp Trump tái cử, một vòng đánh thuế tiếp theo với mức thuế 60% áp lên hàng hoá Trung Quốc và 10% lên các nền kinh tế khác, ước tính của BNP Paribas cho thấy biện pháp này sẽ khiến cho tăng trưởng GDP của Mỹ và Trung Quốc giảm lần lượt 1 điểm % và 0,4 điểm %, lạm phát Mỹ có thể tăng khoảng 4,5 điểm % trong năm đầu tiên và 0,7 điểm % trong năm thứ 2. Điều này tất yếu gây áp lực lên chính sách điều hành của Fed, đồng thời có thể thúc đẩy đà tăng của đồng USD do vấn đề chênh lệch lãi suất. Tăng trưởng của Mỹ giảm và đồng USD mạnh đều không tích cực với Việt Nam. Trong kịch bản Biden tái cử, thương chiến với Trung Quốc dự kiến sẽ ôn hoà hơn mặc dù chính quyền Biden có thể gia tăng thuế quan với một số mặt hàng mục tiêu của Trung Quốc.
Vấn đề gián đoạn chuỗi cung ứng đã khiến giá cước vận chuyển hàng hoá có đợt tăng mạnh thứ hai kể từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, theo số liệu mới nhất về chỉ số áp lực chuỗi cung ứng toàn cầu (GSCPI) trong tháng 5/2024 chỉ tăng từ mức -0,92 trong tháng 4 lên -0,48 trong tháng 5/2024. Mức này vẫn dưới 0 và thấp hơn mức đỉnh gần nhất được thiết lập vào tháng 11/2023. Doanh nghiệp xuất khẩu có thể gặp khó khăn với vấn đề chi phí đầu vào, tuy nhiên, do kỳ vọng đơn hàng xuất khẩu vẫn có thể cải thiện trong các quý tiếp theo, chúng tôi cho rằng gánh nặng chi phí hiện tại vẫn trong mức quản lý được.
Tháng 7/2024 sẽ là thời hạn cuối để Bộ Thương mại Hoa Kỳ đưa ra kết luận về vấn đề kinh tế thị trường của Việt Nam. Vấn đề này vẫn vướng khá nhiều lập luận phản đối. Tuy nhiên, trong kịch bản được công nhận là nền kinh tế thị trường, việc gỡ bỏ những rào cản thuế quan đối với hàng hoá hiện hữu và cơ hội mở rộng thị phần xuất khẩu tại Hoa Kỳ sẽ giúp ích cho triển vọng thương mại trong nước. Ngược lại, nếu không được công nhận thì xu hướng phục hồi của xuất khẩu cũng sẽ không bị ảnh hưởng.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận