Nhận định chứng khoán ngày 25/3: Hạn chế bắt đáy, hạ đòn bẩy, đưa margin về mức thấp
Thị trường điều chỉnh mạnh xuống ngưỡng 1160 điểm nối tiếp với phiên giảm hôm qua. Dòng tiền đầu tư thoát khỏi thị trường khi chỉ có 2/19 ngành tăng điểm. Thanh khoản tăng nhẹ và độ rộng thị trường tiêu cực cho thấy áp lực chốt lãi ngắn hạn tăng mạnh trong phiên hôm nay. Khối ngoại tiếp tục bán ròng trên sàn HSX và mua ròng tại sàn HNX
Các chỉ số thị trường diễn biến tiêu cực trong phiên giao dịch ngày 24/03/2021. Cụ thể, chỉ số VN-Index giảm 1.83%, đạt 1,161.81 điểm; HNX-Index giảm 1.34%, đạt 268.69 điểm. Khối lượng khớp lệnh trên HOSE đạt gần 650 triệu đơn vị, tăng 0.96% so với phiên giao dịch trước. Khối lượng khớp lệnh trên HNX tăng 2.8%, đạt mức gần 169 triệu đơn vị.
Khối ngoại bán ròng trên HOSE với giá trị gần 364 tỷ đồng, mua ròng trên HNX hơn 9 tỷ đồng. VN-Index mở cửa phiên giao dịch ngày 24/03/2021 với nhịp giảm mạnh. Nhanh sau đó, đà giảm có tín hiệu tạm dừng và chỉ số thu hẹp sắc đỏ. Về cuối phiên sáng, VN-Index lại trong trạng thái “rơi tự do”.
Trong khoảng thời gian đầu phiên chiều, sắc đỏ có xu hướng thu hẹp dần. Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số lao dốc hơn 21 điểm. Chỉ số VN30-Index đóng cửa phiên cũng rơi mạnh hơn 21 điểm. Trong rổ VN30, ngoại trừ sắc xanh với mức tăng 1.3% của “đại gia” ngành bất động sản VIC, 29 mã còn lại đều chìm trong sắc đỏ. SSI, TPB, POW là những mã giảm mạnh nhất rổ với hơn 4%.
Diễn biến toàn bộ các nhóm ngành trên thị trường đều bị bao quanh bởi sắc đỏ (ngoại trừ ngành sản xuất hàng gia dụng). Áp lực bán mạnh ở các cổ phiếu vốn hóa lớn như BID, CTG, VHM, GVR khiến thị trường thiếu vắng trụ đỡ. Ngược lại, VIC là cổ phiếu tác động tích cực nhất lên VN-Index. Nhóm ngân hàng phiên hôm nay 24/03/2021 chào đón sự xuất hiện của “tân binh” SSB với hơn 1.2 tỷ cổ phiếu chính thức được niêm yết và giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE).
Cổ phiếu này bật tăng kịch trần trong ngày giao dịch đầu tiên. Xét dưới góc độ nhóm ngành, chứng khoán là ngành giảm mạnh nhất thị trường. Các mã đại diện đầu ngành như SSI lùi 4.86%, HCM giảm 4.61%, VND rớt 2.2%, VCI giảm 5.08%. Theo sau đó là đà lao dốc của rất nhiều cổ phiếu khác như SHS, MBS, VIX, AGR, FTS. Nhóm chế biến thủy sản có diễn biến khá tiêu cực.Sắc đỏ gần như chiếm ưu thế hoàn toàn. Các cổ phiếu nhóm này đều chịu sức ép từ bên bán và giảm giá.
Trong đó, IDI là mã giảm mạnh nhất khi lùi 5.4%, FMC giảm 5%, ANV giảm 4.4%, VHC và MPC rớt hơn 3%, CMX và ACL sụt hơn 2%. VN-Index tiếp tục lao dốc mạnh. Tâm lý thận trọng và bi quan của nhà đầu tư ngày càng gia tăng. Dù vậy, việc chỉ số liên tục giảm sâu có thể sẽ kích hoạt dòng tiền bắt đáy mạnh mẽ hơn.
VĨ MÔ THẾ GIỚI
TTCK Mỹ cũng đã bị tác động bởi ảnh hưởng của nền kinh tế khi kết phiên 22/03 Chỉ số S&P 500 giảm 0,8% xuống 3.910,52 điểm, do áp lực từ ngành công nghiệp và vật liệu. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất 308,05 điểm, tương đương 0,9%, xuống 32.423,15 điểm, khi Caterpillar rớt 3,4%. Nasdaq Composite sụt 1,1% xuống 13,227,70 điểm. Chỉ số vốn hóa nhỏ Russell 2000 giảm 3,6% xuống 2.185,69 điểm và ghi nhận ngày tồi tệ nhất kể từ tháng 6.
Trong phiên giao dịch ngày 24/03/2021, VN-Index rơi mạnh với mẫu hình nến Falling Window. Số mã giảm áp đảo số mã tăng cho thấy bên bán đang chiếm được ưu thế rất lớn. Thị trường điều chỉnh sang phiên thứ 2 liên tiếp với mức thanh khoản lớn tạo mẫu hình kỹ thuật không mấy tích cực. Nguyên nhân điều chỉnh trong phiên vừa qua không có gì mới ngoài áp lực chốt lời của nhà đầu tư cùng với thị trường thế giới đang biến động mạnh. Thị trường hiện đang ở vùng rủi ro, vì vậy PPF team cho rằng nhà đầu tư hạn chế bắt đáy, hạ đòn bẩy, đưa margin về mức thấp.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận