Nhận diện sớm cơ hội đối với hệ thống tài chính
Hệ thống tài chính Việt Nam đang ở giai đoạn cuối của năm 2019 với nhiều điểm đáng chú ý…
Mặt bằng lãi suất kỳ vọng giảm rõ nét hơn
Tại Hội thảo “Dịch vụ Tài chính - Ngân hàng: Cơ hội và thách thức” do BIDV tổ chức, liên quan đến câu chuyện lãi suất, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Giám đốc Kinh doanh Vốn và tiền tệ BIDV nói: “Lãi suất là điều thú vị trong năm 2019”.
Lý giải về nhận định này của mình, ông Quỳnh thông tin, nhìn lại từ thị trường thế giới thời điểm cuối năm 2018 khi các dự báo đều cho rằng lãi suất sẽ tăng, thậm chí Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất 2 lần trong năm 2019.
Tuy nhiên, năm 2019, diễn biến chiến tranh thương mại diễn ra nhanh chóng và càng ngày càng tăng cường, dẫn đến tình hình kinh tế đảo chiều nhanh chóng và Fed đã phải chuyển hướng sang giảm lãi suất vài lần, thay vì dự định sẽ tăng lãi suất.
Theo đó, khoảng 30-40 ngân hàng trung ương trên thế giới cắt giảm lãi suất trong năm 2019. Xu hướng toàn cầu chung hiện nay là xu hướng nới lỏng tiền tệ thông qua việc cắt giảm lãi suất.
Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tuyên bố điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, thận trọng, phù hợp theo xu hướng thị trường và thời điểm hiện tại đã cắt giảm các lãi suất OMO, tái chiết khấu và phát hành tín phiếu, hay nói cách khác, NHNN đã cắt giảm lãi suất cả đầu vào lẫn đầu ra.
Xu hướng của Việt Nam đang đi theo xu hướng chung của thị trường quốc tế là điều chỉnh giảm lãi suất nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất - kinh doanh.
“Tín hiệu chúng tôi được nhận biết là Chính phủ có mong muốn năm 2020 sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ và thúc đẩy nền kinh tế”, ông Quỳnh nói.
Cũng theo ông Quỳnh, thị trường vốn giảm lãi suất sẽ tác động lên các sản phẩm tài chính khác nhau là khác nhau.
Đơn cử, với trái phiếu là công cụ nợ dài hạn, có lãi suất cố định, khi lãi suất trên thị trường càng giảm, thì lãi suất trái phiếu càng tăng. Hay với tỷ giá, thông thường, lãi suất của đồng tiền nào có xu hướng giảm mạnh, thì giá đồng tiền đó có xu hướng giảm.
Ở Việt Nam thời gian qua, tỷ giá khá ổn định, mức cắt giảm lãi suất thấp hơn trong khu vực. Ngoài ra, Việt Nam có thặng dư trong cán cân thanh toán, cán cân vốn, thu hút nhà đầu tư nước ngoài tốt, nên nguồn cung USD vào nền kinh tế dồi dào, giúp giá trị Việt Nam đồng ổn định.
“Thực tế, so với các nước đang phát triển khác, VND được đánh giá là đồng tiền ổn định nhất. Mặc dù lãi suất vẫn đang có xu hướng tiếp tục giảm, nhưng chúng tôi đánh giá tác động lên tỷ giá không quá lớn do bối cảnh, cấu trúc, đặc điểm kinh tế vĩ mô Việt Nam thời điểm hiện tại vẫn hỗ trợ cho tăng cung ngoại tệ và nguồn cung ngoại tệ sẽ vẫn ổn định trong thời gian tới”, ông Quỳnh nhấn mạnh.
Về quyết định điều chỉnh lãi suất ngày đầu tuần của NHNN, ông Quỳnh cho rằng: “Sẽ có tác động, nhưng có độ trễ nhất định.
Có những loại lãi suất khác nhau như trên thị trường 1, thị trường 2, trái phiếu, ngắn hạn, trung hạn, dài hạn… nên mỗi lãi suất sẽ biến động khác nhau theo chính sách này.
Thời gian tới, mục đích của NHNN hướng tới nhiều hơn là hạ mặt bằng lãi suất chung của nền kinh tế, tức hạ lãi suất huy động và cho vay. Với những điều chỉnh gần đây và xu hướng hiện tại, mặt bằng lãi suất sẽ giảm rõ nét hơn trong năm 2020”.
Bảy thách thức khi chuyển đổi số
Ông Nguyễn Chiến Thắng, Giám đốc Trung tâm Ngân hàng số BIDV trích dẫn một nhận định về tầm quan trọng của ngân hàng số: “Dịch vụ ngân hàng ngày càng quan trọng, nhưng ngân hàng chưa chắc đã quan trọng”.
“Các ngân hàng đều nhìn ra vùng đất bên kia là xanh tốt, dồi dào, nhưng việc dịch chuyển từ khu vực hoang sơ có những trở ngại như sông sâu, cá sấu, sư tử… và ai sẽ là người dũng cảm bước qua con sông, tới được vùng đất mới, chắc chắn sẽ là người thành công”, ông Chiến ví von về câu chuyện chuyển dịch số.
Cũng theo ông Chiến, lợi thế và cũng là thách thức của những ngân hàng có vốn nhà nước so với những ngân hàng cổ phần khi chuyển đổi số bao gồm 7 yếu tố: Thứ nhất, thay đổi thói quen của người dùng;
Thứ hai, niềm tin của khách hàng; thứ ba, hệ sinh thái cung cấp cho người dùng (người dùng khi sử dụng một dịch vụ mới cần công cụ mới đủ tốt để không phải chuyển về thói quen cũ); thứ tư, nguồn lực của nội tại ngân hàng và thị trường; thứ năm, công nghệ; thứ sáu, hành lang pháp lý; thứ bảy, khẩu vị rủi ro trong hệ thống, bao gồm quan điểm từ lãnh đạo đến nhân viên.
“Chuyển đổi số để tiếp cận lượng khách hàng trải dài trên cả nước, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, nhưng chi nhánh truyền thống sẽ không bị thu hẹp khi ngân hàng số phát triển. Câu chuyện ở đây chỉ là nội hàm thay đổi bằng việc các chi nhánh chuyển sang bán những sản phẩm tài chính tiến tiến, là điểm tư vấn sản phẩm tài chính cho khách hàng”, ông Chiến nói.
Cần nâng tỷ lệ người dân có bảo hiểm nhân thọ
Ông Gaurav Sharma, Tổng giám đốc BIDV Metlife chia sẻ, trong biểu đồ tăng trưởng từ trước tới nay và dự kiến đến năm 2022, phí bảo hiểm phi nhân thọ sẽ đạt khoảng 6 tỷ USD. Bảo hiểm phi nhân thọ của Việt Nam có tỷ trọng 1,5% trong GDP. Nếu so sánh với các thị trường khác trong khu vực thì tỷ trọng lên tới 3,5%.
Vì vậy, trong những năm tới có nhiều cơ hội, khoảng không gian cho Việt Nam để phát triển từ 1,5-3,5%. Hiện mới 8% dân số Việt Nam mới có bảo hiểm nhân thọ, thấp hơn nhiều so với Singapore với 85%, Malaysia là 75% và Thái Lan là 80%.
Theo chuyên gia này, nếu nhìn vào tỷ trọng bảo hiểm nhân thọ trong GDP, cũng như tỷ lệ dân số có bảo hiểm, thị trường Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển”, nhưng tỷ lệ người dân mua bảo hiểm thấp cũng cho thấy Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là việc nâng cao nhận thức về bảo hiểm.
“Tôi thấy rằng, tại Việt Nam, bảo hiểm nhân thọ dường như chưa được nhiều người quan tâm và chết, rủi ro là điều họ không muốn đề cập đến. Nhận thức này cần thay đổi, bởi đây là sản phẩm để bảo vệ con người và các công ty bảo hiểm cần có hướng tiếp cận khác.
Hiện tại, các kênh bán bảo hiểm chính tại Việt Nam có thể kể đến là điện thoại, đại lý, bán qua ngân hàng (bancassurance)… và mỗi kênh có thế mạnh riêng, song truyền thông là hoạt động cần thiết để cải thiện nhận thức về bảo hiểm, trong đó cần tăng cường chia sẻ kinh nghiệm, các câu chuyện về người dùng bảo hiểm nhân thọ…”, ông Gaurav Sharma gợi ý.
Bên cạnh đó, ông Gaurav Sharma cũng cho rằng, đó còn là sự sẵn sàng của bảo hiểm trên các kênh khác nhau.
Các ngân hàng hiện nay đều có các đối tác là công ty bảo hiểm và ngược lại. Điều quan trọng ở đây là công ty bảo hiểm tận dụng được kỹ năng, trình độ chuyên môn của nhân viên ngân hàng và điều này đang thay đổi rất mạnh mẽ.
Ngân hàng tập trung việc cung cấp giải pháp tổng thể, bán chéo sản phẩm cho khách hàng, hay nói cách khác là có sự tương tác nhiều hơn với ngân hàng. Điều này sẽ giúp khách hàng trung thành, gắn bó lâu dài hơn với ngân hàng.
Liên quan tới hệ thống pháp lý, vị chuyên gia này nhìn nhận, Luật Kinh doanh bảo hiểm đã chuẩn bị cho những thay đổi lớn trong năm 2020, với những khuôn khổ có thể đánh giá được rủi ro, an toàn về vốn cho các công ty.
Đặc biệt, sẽ có quy định chặt chẽ hơn cho quyền lợi của khách hàng, nâng cao niềm tin của khách hàng khi có sự bảo vệ hợp pháp từ Chính phủ.
“Bancassurance là mối quan hệ ba bên cùng có lợi. Cụ thể, ngân hàng có khả năng cung cấp các sản phẩm - dịch vụ trọn gói, thông qua các hoạt động bán chéo, thu phí dịch vụ hấp dẫn, tăng lên theo từng năm, giúp lợi nhuận tăng dần. Với công ty bảo hiểm, lợi ích đến từ nguồn khách hàng, mạng lưới, chuyên gia của các ngân hàng. Về phía khách hàng, đó là sự bảo vệ từ các định chế tài chính lớn”, ông Gaurav Sharma phân tích.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận