24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Thành Long
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Nhận diện rủi ro pháp lý từ nền kinh tế số

"Do lo ngại về an toàn pháp lý nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đã chuyển ra đăng ký khởi nghiệp tại nước ngoài. Đó là một thực trạng của nền kinh tế Việt Nam bắt nguồn từ những hạn chế của pháp lý hiện nay...", Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long chia sẻ tại hội thảo khoa học cấp quốc gia "Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề pháp lý đặt ra cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam" diễn ra ngày 24/6.

Phát biểu khai mạc hội thảo sáng 24/6, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho biết, Nhà nước đã có nhiều chính sách quan trọng, dành nhiều ưu tiên, nguồn lực cho phát triển khoa học - công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, để khai thác những thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta đang đứng trước nhiều thách thức. Một trong số đó là hệ thống pháp luật bộc lộ nhiều bất cập, nhất là trong những lĩnh vực liên quan đến quyền tài sản, quyền sở hữu trí tuệ, đầu tư mạo hiểm, Fintech, tài sản mã hóa, quản lý thuế, bảo hộ dữ liệu cá nhân, chữ ký số...

"Do đó, cần nhận diện những vấn đề pháp lý đặt ra của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và tác động của nó đến hệ thống pháp luật Việt Nam. Trên cơ sở đó, xác định hướng tiếp cận, các định hướng và giải pháp lớn nhằm từng bước xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý thuận lợi, đổi mới sáng tạo, ứng dụng thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0. Đồng thời phát triển khoa học - công nghệ, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, kiểm soát rủi ro, vi phạm pháp luật hiệu quả...", ông Phan Chí Hiếu nhấn mạnh.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp cho rằng, Cách mạng công nghiệp 4.0 với những công nghệ mới đang mở ra cho các lĩnh vực xây dựng, thực thi pháp luật, giải quyết tranh chấp những dư địa mới để cải thiện chất lượng, hiệu quả hoạt động. Đồng thời mở rộng không gian sinh tồn của con người; đang trực tiếp thách thức lý do tồn tại của các tổ chức trung gian kết nối giữa bên cung và bên cầu trong các quan hệ thị trường, nhất là thị trường mang tính tổ chức cao như tín dụng ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản...

Ông Lê Huy Hòa, chuyên gia chính sách công nghệ thông tin nhận định, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã làm thay đổi nội hàm khái niệm cốt lõi trong pháp luật dân sự kinh tế, đó là tài sản. Khi giao dịch trên mạng, sẽ có nhiều vấn đề đặt ra như giới hạn trách nhiệm của người mua bán nếu liên quan đến rửa tiền, việc nộp thuế, hay làm thế nào để tận dụng các phương thức khởi nghiệp... Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đặt ra nhiều vấn đề đối với cơ quan quản lý đó là vấn đề an ninh mạng, quản lý dòng tiền, thu thuế, chống gian lận, lừa đảo...

Bà Vũ Ngọc Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh: trong thời đại công nghệ số, xuất hiện nhiều tội phạm công nghệ cao nên đòi hỏi các ngành, trong đó có ngành ngân hàng cần sự chuyển mình mạnh mẽ để bảo vệ kho dữ liệu khổng lồ và đảm bảo quyền lợi của khách hàng. Vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu xây dựng hoàn thiện cơ sở dữ liệu về mã số định danh cá nhân và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Bổ sung thêm, ông Lê Ngọc Lâm, Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và công nghệ cho rằng, việc sáng chế là do con người tạo ra, song trên mạng hiện có rất nhiều hàng giả trà trộn mà thiếu quy định xử lý nên khó nắm bắt thông tin chủ thể sai phạm.

Ngoài ra, việc bồi thường thiệt hại liên quan đến sở hữu trí tuệ cần có hiện vật, bằng chứng cụ thể để tính toán giá cả nhưng trên mạng khó nắm và khó xác thực giá cả để bồi thường. Do đó, cần sớm hoàn thiện pháp luật để định giá được những tài sản này.

Về phía doanh nghiệp, bà Thạch Lê Anh, Giám đốc Vietnam Sillicon Valley chỉ ra, rủi ro trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 mà cộng đồng start-up sẽ gặp như việc đăng ký giấy tờ, rủi ro khi đi gọi vốn cũng như rủi ro cho nhà đầu tư. Một nguyên nhân là do hiện chưa có hướng dẫn cụ thể thu hút vốn tư nhân. Nếu làm tốt việc này không chỉ tốt cho start-up giai đoạn đầu mà còn tạo cầu nối giữa nhà đầu tư trong nước, tạo điều kiện và sự yên tâm cho các quỹ đầu tư nước ngoài hoặc cá nhân nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Vì vậy cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý để hạn chế các rủi ro này...

Ông Lê Thành Long - Bộ trưởng Bộ Tư pháp

Những nỗ lực thời gian qua đã minh chứng cho hành động quyết liệt của Chính phủ trong việc xây dựng môi trường pháp lý phục vụ doanh nghiệp, nhân dân. Tuy nhiên, những diễn biến mới của nền kinh tế số hiện nay đã xuất hiện những loại tài sản mới, những tranh chấp, vấn đề pháp lý mới mà pháp luận hiện tại chưa dự liệu hết được... Do đó, phải sớm hoàn thiện hạ tầng pháp lý cho nền kinh tế số...

Ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cho ra đời nhiều mô hình kinh tế mới, như mô hình kinh tế chia sẻ với bản chất là sự hợp tác giữa các bên trong nền kinh tế. Mô hình này phát triển nhanh chóng tuy nhiên chúng ta vẫn chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu của các mô hình kinh doanh mới trong nền tảng pháp lý của mình, chưa thực sự khuyến khích các mô hình kinh tế mới phát triển, hoạt động đổi mới sáng tạo...

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả