Nhân dân tệ mất giá, đe dọa tới xuất khẩu của thị trường mới nổi
Đồng nhân dân tệ ghi nhận 6 tháng giảm liên tiếp trong tháng 8/2022 và theo các chuyên gia phân tích, đà giảm có thể kéo dài thêm.
Chỉ cách đây vài tháng, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc được xem là “vịnh tránh bão” của các thị trường mới nổi trong bối cảnh xung đột và lạm phát cao. Giờ đây, đồng tiền của nền kinh tế thứ 2 thế giới đang trở thành một mối nguy, nhất là với các thị trường mới nổi.
Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc giảm tốc trong thời gian gần đây, Nhân dân tệ rơi xuống đáy 2 năm và có khả năng giảm thêm khi triển vọng kinh tế không quá tích cực. Nhiều chuyên gia dự báo Nhân dân tệ mất giá không chỉ ảnh hưởng đến các khu vực lân cận, mà còn lan sang những quốc gia ở châu Phi và châu Mỹ Latinh. Nguyên nhân là đồng Nhân dân tệ mất giá sẽ kéo giảm sức cạnh tranh về hàng hóa xuất khẩu từ những quốc gia khác.
"Khi Nhân dân tệ tiếp tục yếu đi, đồng tiền của những thị trường mới nổi khác cũng sẽ chịu áp lực lớn", ông Per Hammarlund, Chiến lược gia về thị trường mới nổi ở Skandinaviska Enskilda Banken, cảnh báo. "Các quốc gia xuất khẩu cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc sẽ bị tác động mạnh nhất", ông nói thêm.
Theo dự báo của các ngân hàng đầu tư, bao gồm Societe Generale, Nomura Holdings và Bank of America, Nhân dân tệ sẽ tiếp tục mất giá và mất mốc tâm lý quan trọng 7 Nhân dân tệ đổi 1 USD trong năm nay.
Đây là cú xoay chuyển bất ngờ với một đồng tiền từng rất vững chắc trong bối cảnh Nga-Ukraine chiến tranh. Vài ngày sau khi Moscow phát động cuộc chiến, Nhân dân tệ là đồng tiền duy nhất trong rổ tiền tệ thị trường mới nổi không sụt giảm.
Nhu cầu đối với đồng nhân dân tệ ngày càng tăng lên trên toàn cầu. Các nước như Nga và Ả-rập Xê-út đang tìm cách giảm phụ thuộc vào đồng USD. Những nhà đầu tư trái phiếu Mỹ cũng tìm kiếm tài sản trú ẩn mới.
Tuy nhiên, tình thế đã thay đổi trong một tháng qua. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc lao dốc vì các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt để theo đuổi mục tiêu Zero-COVID (triệt tiêu COVID), cuộc khủng hoảng bất động sản leo thang và lan sang những lĩnh vực khác. Điều này thúc đẩy dòng vốn nước ngoài chảy khỏi Trung Quốc.
NHTW Trung Quốc đang tìm cách ngăn chặn đà giảm của Nhân dân tệ. Họ ấn định mức neo tỷ giá trung tâm ở mức mạnh hơn dự báo trong 9 phiên liên tiếp, nhưng vẫn không thể đỡ nổi trước đà tăng mạnh của đồng USD.
Trung Quốc sẽ công bố một số số liệu trong tuần này. Tuy nhiên, giới quan sát dự báo các con số không mấy khả quan. Dự trữ ngoại hối, tăng trưởng xuất khẩu và hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ có thể đều ghi nhận xu hướng giảm.
Mối đe dọa với thị trường mới nổi
Đồng nhân dân tệ yếu hơn sẽ gây nhiều tác động tiêu cực đối với các nền kinh tế mới nổi – ngay khi họ đang chật vật với lạm phát gia tăng, Fed nâng lãi suất và nguy cơ suy thoái của một số nước phương Tây.
Đồng tiền Trung Quốc chiếm tỷ trọng 30% trong chỉ số tiền tệ thị trường mới nổi của MSCI. Với sự mất giá của Nhân dân tệ, chỉ số tiền tệ này đang rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 2015.
Tỷ trọng xuất khẩu sang Trung Quốc tại các thị trường mới nổi
Theo Goldman Sachs và Societe Generale, việc đồng nhân tệ yếu hơn sẽ kéo giảm đồng Won của Hàn Quốc, đồng Tân Đài tệ của Đài Loan, đồng Baht của Thái Lan, đồng Ringgit của Malaysia và đồng Rand của Nam Phi.
Trong khi đó, SEB cho rằng đồng Peso của Mexico, đồng Forint của Hungary và đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị tác động mạnh nhất.
"Mối liên kết thương mại và tài chính giữa Trung Quốc và các thị trường mới nổi khác đã tăng đáng kể trong thập kỷ qua", Phoenix Kalen, Trưởng bộ phận nghiên cứu tại Societe Generale, nhận định.
Theo bà, điều này sẽ khiến tiền tệ của những quốc gia mới nổi gặp khó khăn hơn trong việc phân ly với đồng nhân dân tệ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận