Nhân dân tệ: Đòn bẩy lợi hại của hàng Trung Quốc giá rẻ
Nhân dân tệ hướng tới mức thấp nhất kể từ năm 2008, tiếp tục đưa cơn lốc hàng giá rẻ vào thị trường Việt Nam.
Trong kiến nghị gửi Thủ tướng mới đây, Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam cho biết, nhập khẩu gạch ốp lát, sản phẩm thiết bị sứ vệ sinh từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng tới 60-70%/năm, khiến nhiều doanh nghiệp trong nước phải thu hẹp sản xuất.
Đây là thực tế đáng lo ngại khi Việt Nam là nước sản xuất gạch ốp lát đứng thứ 4 thế giới, công suất lắp đặt các nhà máy đạt 750 triệu m2/năm. Nguồn cung gạch ốp lát trong nước đã vượt cầu, các doanh nghiệp sản xuất gạch ốp lát như Viglacera, Prime, Đồng Tâm, Mikado, Thạch Bàn... phải tìm đường xuất khẩu. Nhưng ngay trên sân nhà, các doanh nghiệp này đang đối mặt với sự lấn lướt của gạch ốp lát nhập khẩu từ Trung Quốc.
Việc VND chỉ mất giá nhẹ so với USD kể từ đầu năm nay vô hình trung đã khiến VND cũng tăng giá so với nhân dân tệ (CNY). Điều đó khiến giới chuyên gia lo ngại cho cán cân thương mại giữa 2 nước sẽ nghiêng về Trung Quốc, nhất là khi kinh tế nước này đang trên đà phục hồi sau dịch. Rõ ràng, việc CNY mất giá sẽ khiến hàng hóa của Trung Quốc trở nên cạnh tranh hơn so với hàng hóa sản xuất trong nước. Điều này sẽ tăng áp lực nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc mà mặt hàng gạch ốp lát chỉ là một ví dụ cụ thể.
Theo Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch 2 chiều lên tới 44,35 tỉ USD; trong đó nhập khẩu 28,36 tỉ USD hàng hóa và xuất khẩu đạt 15,97 tỉ USD. Việt Nam nhập siêu 12,4 tỉ USD hàng hóa từ Trung Quốc.
Trong khi đó, vào cuối tháng 5, giữa lúc căng thẳng với Mỹ ngày càng gia tăng, Trung Quốc đã thiết lập tỉ giá tham chiếu CNY hằng ngày ở mức thấp nhất kể từ năm 2008. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã thiết lập đồng CNY cố định ở mức 7,1209 CNY/USD, xấp xỉ với mức ước tính 7,122 CNY/USD theo khảo sát của Bloomberg.
Trung Quốc chủ động giảm giá đồng nội tệ nhằm giảm thiệt hại từ biện pháp trừng phạt của Mỹ áp lên nước này. Ông Tommy Xie, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Oversea Chinese Banking (Singapore), cho biết các nhà đầu tư ngày càng bi quan về đồng CNY khi mối quan hệ Mỹ và Trung Quốc diễn biến phức tạp, căng thẳng. Khả năng Trung Quốc sẽ phá giá đồng tiền lên đến 7,2 CNY/USD.
Theo dõi sự sụt giảm của chỉ số RMB Index cùng diễn biến của tỉ giá CNY/USD có thể cho thấy PBoC đang cho phép phá giá đồng nội tệ nhằm gia tăng sức cạnh tranh của hàng hóa Trung Quốc tại các thị trường nước ngoài, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, qua đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh căng thẳng kinh tế - thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ leo thang. Bên cạnh đó, đồng CNY còn chịu áp lực giảm từ việc Mỹ có thể thu hồi quy chế ưu đãi đặc biệt đối với Hồng Kông. Để hướng tới mức “cân bằng và hợp lý” như Bắc Kinh chỉ đạo, giới phân tích dự báo PBoC sẽ tiếp tục can thiệp điều chỉnh tỉ giá hối đoái của đồng CNY trong thời gian tới.
Tại Việt Nam, giá mua - bán CNY tại các ngân hàng đã biến động không ngừng trong thời gian gần đây. Theo đó, CNY liên tục giảm mạnh trong tuần cuối tháng 5 và rơi xuống mức thấp nhất trong hơn 3 năm trong phiên ngày 28.5.
Thời điểm đó, giá mua vào CNY của Vietcombank chỉ là 3.220 VND/CNY, còn giá bán là 3.321 VND/CNY. Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt, từ đầu năm đến nay, CNY đã giảm 2,2% giá trị so với USD. Biến động của CNY tại thị trường trong nước luôn theo sát diễn biến tỉ giá CNY/USD trên thị trường thế giới.
Trong quý I, tốc độ tăng trưởng hàng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tốt hơn nhiều so với nhập khẩu. Tuy nhiên, thị trường gạch ốp lát cũng như sứ vệ sinh cho thấy rủi ro đối với thị trường Việt Nam khi hàng hóa giá rẻ Trung Quốc tràn ngập, gây áp lực lên hàng nội địa vẫn còn yếu ớt trong giai đoạn hậu COVID-19. Trong bối cảnh đó, nhiều chuyên gia khuyến nghị, chính sách tỉ giá trong nước cũng cần hết sức linh hoạt, không chỉ vì cán cân thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc, mà còn vì Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam tại nhiều thị trường.
Đại diện Vietcombank nhận định, về lâu dài, Trung Quốc sẽ không phá giá quá mạnh đồng CNY. Tuy nhiên, nếu CNY tiếp tục mất giá mạnh, nhà điều hành cũng nên cân nhắc giảm giá VND tương xứng để tránh gây bất lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhất là trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu vẫn suy yếu vì đại dịch như hiện nay. “Trong trường hợp CNY mất giá nhiều, lên đến 5-6%, trong khi đồng USD trên thị trường quốc tế đang mạnh lên làm cho VND tăng giá, Việt Nam cũng cần chuẩn bị những kịch bản bởi sẽ có ảnh hưởng đối với hàng xuất nhập khẩu”, chuyên gia Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính, Tiền tệ Quốc gia, cho biết
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận