Nhà ven đô đối mặt nhiều bất cập thời dịch bệnh
Đại dịch Covid-19 khiến trào lưu mua nhà ven đô gắn với xu hướng không gian sống xanh, nghỉ dưỡng nở rộ thời gian qua. Nhưng cũng chính đại dịch khiến việc mua nhà vùng ven bộc lộ nhiều bất cập.
Xu hướng mua nhà vùng ven
Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi hành vi, thói quen của con người. Các đợt giãn cách xã hội, hạn chế tụ tập đông người và xu hướng làm việc tại nhà khiến con người nhận ra tầm quan trọng của không gian sống. Các tiêu chí lựa chọn nơi ở chịu tác động không nhỏ từ những hệ quả mà dịch Covid-19 gây ra. Những không gian sống thoáng đãng, nhiều cây xanh được ưa chuộng bởi tránh được cảnh đông đúc, chật chội vốn tiềm ẩn nguy cơ gia tăng lây nhiễm bệnh tật.
Nhìn nhận về xu hướng này, ông Trần Như Trung, Tổng giám đốc CTCP Phát triển và Tăng trưởng Xanh – EDGE cho biết, biến cố Covid-19 đã trở thành một chất xúc tác quan trọng làm thay đổi hành vi của người tiêu dùng. Người mua quan tâm tới khu vực ngoại thành, nông thôn nhiều hơn bởi họ cần những không gian sống rộng lớn, thoáng đãng và trong lành trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp. Khách hàng có xu hướng dịch chuyển từ trung tâm ra vùng ven để tạo lập không gian sống mới.
Không chỉ nhà ở, mà xu thế du lịch cũng chịu tác động của Covid-19, cụ thể là sự lên ngôi của dòng sản phẩm nghỉ dưỡng ven đô. Theo JLL, trong bối cảnh hạn chế đi lại và cảnh giác cao về vấn đề an toàn, trào lưu du lịch gần nhà (staycation) nở rộ trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Staycation là những chuyến du lịch ngay gần các thành phố sở tại, hoặc các thành phố lân cận với thời gian di chuyển ngắn.
Điều này lý giải sự bùng nổ mạnh mẽ của các dự án nghỉ dưỡng, các dự án nhà ở ven đô và trào lưu bỏ phố về rừng, về quê xây ngôi nhà thứ 2 thời gian qua tại khu vực vùng ven hoặc giáp ranh Hà Nội như Sóc Sơn, Ba Vì, Sơn Tây, Thạch Thất (Hà Nội), Hòa Bình, Hưng Yên, Bắc Ninh.
Nhiều bất cập bộc lộ
Tuy nhiên, bên cạnh không gian sống trong lành, thoáng đãng, những ngôi nhà secondhome cũng bộc lộ nhiều bất cập. Ngoài vấn nạn tắc đường là đặc sản của Hà Nội khiến quá trình di chuyển từ ngoại ô vào trung tâm để làm việc, học tập mất nhiều thời gian thì dịch Covid-19 phức tạp, khó lường như hiện tại khiến rất nhiều chủ nhân của những ngôi nhà thứ 2 bị mắc kẹt hoặc đối mặt nhiều trở ngại tại ngoại ô, các vùng giáp ranh.
Chị Lê Thị Mai, cư dân của một khu đô thị tại Hưng Yên chọn mua nhà ở đây vì yêu thích không gian sống xanh. Với chị, không gian sống này càng trở nên quan trọng khi dịch bệnh hoành hành. Do đó, chị chấp nhận quãng đường xa, mỗi ngày di chuyển 50km cả đi và về để đến chỗ làm trong nội thành Hà Nội. Phương tiện chị chọn để di chuyển là xe buýt phục vụ cư dân của khu đô thị. Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng theo các đợt từ năm ngoái đến nay khiến nhiều lần xe buýt phải tạm dừng hoạt động để đảm bảo an toàn, tránh lây nhiễm. Chị và rất nhiều cư dân – những người không có ô tô và phần lớn làm trong nội thành Hà Nội rất vất vả tìm phương tiện thay thế. Nhiều người buộc phải đi xe máy đường dài trên một con đường luôn tấp nập công te nơ, người thì lập hội nhóm thuê chung taxi. Chị Mai và nhiều cư dân đã phải chi thêm một khoản chi phí không nhỏ cho việc đi lại hàng ngày.
Không dừng lại ở việc di chuyển bất tiện, dịch Covid-19 bùng phát nặng nề lần thứ 4 khiến Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội. Để đảm bảo an toàn chống dịch, việc ra vào thủ đô trở nên chặt chẽ. Người vào Hà Nội ngoài các lý do công vụ, phòng chống dịch, tình huống khẩn cấp thì phải đảm bảo các điều kiện khắt khe về y tế (giấy xét nghiệm âm tính, giấy xác nhận đã tiêm vaccine…). Do dịch bệnh khó lường, Hưng Yên cũng thiết lập quy định chặt chẽ tương tự.
Dù phần lớn công việc đã chuyển sang online nhưng chị Mai và nhiều cư dân ở khu đô thị ở Hưng yên vẫn có nhiều việc quan trọng phải di chuyển vào Hà Nội để giải quyết. Mỗi lần di chuyển lại phải hoàn thành các giấy tờ với khoản chi phí không nhỏ khiến không ít người mệt mỏi khi muốn từ quê về phố. Hiện chị Mai đang có ý định bán nhà, quay trở lại Hà Nội sinh sống để tiện cho công việc.
Đầu năm 2021, gia đình anh Cao Thành Nguyên chuyển về sinh sống tại một căn nhà vườn tại Hòa Bình, cách Hà Nội hơn 30km. Hàng ngày hai vợ chồng vẫn đi ô tô vào Hà Nội làm việc. Dịch bệnh bùng phát, vợ anh làm việc tại nhà nhưng anh do tính chất công việc vẫn phải di chuyển vào Hà Nội. Hòa Bình lập chốt phòng chống Covid-19 khu vực giáp ranh với thủ đô, anh Nguyên cũng đôn đáo hoàn thành các thủ tục xét nghiệm để phục vụ cho quá trình di chuyển. Tuy nhiên các xét nghiệm chỉ có thời hạn nhất định, hết thời hạn anh phải xét nghiệm tiếp khiến anh mất một khoản chi phí không nhỏ.
Hàng tháng con trai anh vẫn đi khám định kì tại một bệnh viện Hà Nội nhưng dịch bệnh, việc di chuyển khó khăn, lịch khám ở Hà Nội không thể thực hiện. Dịch bệnh Covid-19 khiến anh thấy cuộc sống ngoại ô nhiều bất tiện nhưng anh Nguyên lạc quan, cho rằng giai đoạn khó khăn này sẽ qua mau, mọi thứ sẽ trở lại bình thường. Và dù có nhiều bất tiện, bất cập của việc mua nhà ngoại ô nhưng anh cho biết đã xác định những khó khăn trước khi đi mua nên khó khăn đó không đáng kể với không gian sống mà anh và vợ con đang được hưởng thụ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận