Nhà Trắng tìm kiếm ‘thuốc an thần’ cho Trung Đông
Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan sẽ sớm có chuyến công du Trung Đông và Bắc Phi để “xoa dịu” nỗi lo của các đồng minh trong khu vực về việc cắt giảm hỗ trợ của Mỹ.
Theo giới chuyên gia, những nghi ngờ như vậy giữa các đồng minh không chỉ được tạo ra bởi sự cắt giảm nhanh chóng sứ mệnh của Mỹ tại Afghanistan, mà còn bởi sự bất ổn trong quan hệ giữa Washington và Paris.
Tuy nhiên, các nhà quan sát không tin rằng các mối quan hệ đồng minh truyền thống sẽ vẫn như xưa, bởi sự ảnh hưởng của Mỹ và các đối tác Trung Đông đã suy yếu đáng kể trong những năm gần đây.
Theo Axios, đây là chuyến thăm đầu tiên của một Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ tới khu vực này kể từ khi nhậm chức.
Chuyến đi đầy “khó khăn”
Nguồn tin của Axios cho biết, ông Sullivan dự định sẽ đến Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Ai Cập. Tất cả các quốc gia này, vốn là đồng minh lâu năm của Mỹ ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi, và đều có một số lo ngại về cách tiếp cận mới của chính quyền ông Biden đối với vấn đề tuân thủ các nghĩa vụ đối tác.
Giới phân tích nhận định, “có vẻ như Mỹ đã đẩy Saudi Arabia ra xa nhất có thể”. Ông Sullivan sẽ là quan chức cấp cao đầu tiên của Mỹ đến thăm vương quốc này trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông Biden.
Trước đó một tuần, trong chuyến công du Trung Đông, người đứng đầu Lầu Năm Góc, Lloyd Austin, đã hủy chuyến thăm Saudi Arabia. Dù thực tế, theo các số liệu chính thức, chuyến đi đã bị hoãn lại do vướng lịch trình, nhưng cử chỉ này được hiểu là bằng chứng cho thấy chính sách giảm ưu tiên quan hệ của Mỹ đối với vương quốc này. Tình hình càng trở nên trầm trọng hơn khi thông tin về việc cắt giảm số lượng hệ thống phòng không của Mỹ tại nước này.
Trong khi đó, mối quan hệ của người Mỹ với Ai Cập vẫn không kém phần căng thẳng. Một dấu hiệu mới đây cho thấy Bộ Ngoại giao Mỹ trong tháng này đã quyết định đóng băng khoản viện trợ quân sự hàng năm trị giá 130 triệu USD cho nước này.
Bộ Ngoại giao Mỹ lưu ý rằng, nước này hỗ trợ sẽ tiếp tục trong trường hợp “nếu chính phủ Ai Cập phản ứng tích cực với các điều kiện cụ thể liên quan đến nhân quyền”.
Theo ghi nhận của Politico, hàng năm giới lãnh đạo Mỹ cung cấp cho chính quyền Ai Cập một khoản viện trợ quân sự trị giá 1,3 tỉ USD, tuy nhiên, Quốc hội có quyền đóng băng 300 triệu USD số tiền nếu Cairo không tuân thủ một số điều kiện nhất định.
Trung Đông đang làm khó trong chính sách xoay trục của Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: TASS)
Về phía Ai Cập, nước này đang tìm kiếm sự hỗ trợ từ Mỹ trong cuộc tranh chấp với Ethiopia về việc xây dựng một con đập trên sông Nile Xanh. Kể từ năm 2011, Ethiopia đã thực hiện một sáng kiến để tạo ra một dự án lớn nhất ở Châu Phi. Dự kiến công suất của nhà máy thủy điện gồm 4 đập là 5.250 MW. Đến nay công trình gần như đã hoàn thiện 90%.
Đối với phía Ethiopia, việc xây dựng con đập là một dự án kinh tế quy mô lớn sẽ giúp cung cấp điện cho đất nước và có thể đưa điện sang các nước láng giềng. Tuy nhiên, Ai Cập và Sudan, vốn sử dụng phần lớn nguồn tài nguyên của dòng sông, đang lo lắng hoạt động của nhà máy thủy điện Ethiopia trên sông Nile có thể gây ra tình trạng thiếu nước trầm trọng.
Quan hệ của chính quyền ông Biden với UAE hóa ra ít ảnh hưởng hơn, nhưng bản thân nhà nước Ả Rập đang dần rời xa Washington, cố gắng thể hiện sự độc lập tối đa trong chính sách đối ngoại.
Bên cạnh đó, Israel, nơi mà ông Sullivan có thể đến trong chuyến công du tới Trung Đông cũng rơi vào “tình cảnh kỳ lạ không kém”. Theo Axios, chuyến thăm vẫn còn trong vòng nghi vấn.
Mới đây, Quốc hội Mỹ kêu gọi đóng băng việc tài trợ thêm kinh phí cho nhà nước Do Thái nhằm thay thế các hệ thống đánh chặn tên lửa mà Israel sử dụng để ngăn chặn tên lửa từ Gaza trong cuộc xung đột hồi tháng 5.
Một số thành viên của đảng Dân chủ đã từ chối bỏ phiếu về mục này như một phần của ngân sách quốc phòng, trong đó bao gồm 1 tỉ USD bổ sung cho đồng minh Trung Đông. Mặc dù thực tế là một bộ phận khác của đảng Dân chủ đã cố gắng thách thức quyết định này, nhưng tình hình đã khiến người Israel phải lo lắng.
Theo các chuyên gia, “chất xúc tác” cho tất cả những lo ngại này không chỉ là cuộc khủng hoảng Afghanistan, mà còn là sự xấu đi đột ngột trong quan hệ giữa Mỹ và Pháp, vốn nằm ngoài liên minh quốc phòng ba bên AUKUS (Mỹ, Anh và Australia).
Trong podcast tin tức của Financial Times, nhà báo Andrew England lưu ý rằng, liên minh truyền thống giữa Mỹ và các đối tác Trung Đông đã suy yếu theo thời gian.
“Mỹ đang tìm cách rời khỏi khu vực, rút các tài sản quân sự và chấm dứt các cuộc xung đột kéo dài”, nhà báo viết.
Theo ông Andrew, điều này hình thành một suy nghĩ nhất định trong các quốc gia Trung Đông, vốn đang bắt đầu nghi ngờ độ tin cậy của Mỹ. Giờ đây, các quốc gia trong khu vực được Washington hậu thuẫn muốn đa dạng hóa các mối quan hệ bên ngoài thông qua hợp tác với Moscow hoặc Bắc Kinh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận