Nhà Trắng có ông chủ mới, quan hệ Ấn Độ-Mỹ sẽ nhảy theo vũ điệu nào?
Ấn Độ và Mỹ có những quan điểm khác nhau về một số vấn đề, nhưng mối quan hệ này có thể sẽ phát triển và nâng lên nhiều tầng nấc nữa...
Dư luận Ấn Độ rất quan tâm đến kết quả bầu cử Mỹ, thời gian qua đã có một loạt bình luận về tác động của việc ông Joe Biden đắc cử đối với quan hệ Ấn Độ-Mỹ.
Chắc chắn Ấn Độ đã tìm cách hưởng lợi từ mối quan hệ cá nhân giữa Thủ tướng Narendra Modi và đương kim Tổng thống Donald Trump. Thí dụ rõ ràng là hai sự kiện lớn và quan trọng tại sân vân động nơi họ cùng có bài phát biểu trước đám đông lớn: sự kiện “Xin chào Modi” tại Houston (Texas, Mỹ) vào tháng 9/2019 và sự kiện “Xin chào Trump” tại c, Ấn Độ) vào tháng 2/2020.
Hơn cả "lời hay ý đẹp"
Nhưng không có nghĩa là người đứng đầu Chính phủ Ấn Độ chậm trễ trong việc "cập nhật" kết quả cuộc bầu cử đang gây "sóng" trên thế giới. Sau tuyên bố bán chính thức về kết quả bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 7/11, ông Modi đã chúc mừng ông Joe Biden, cũng như bà Kamala Harris.
Thủ tướng Ấn Độ đã đề cập những đóng góp tích cực của ông Biden vào việc tăng cường quan hệ Ấn-Mỹ trong thời gian ông đảm nhiệm vai trò Phó Tổng thống dưới thời Barack Obama và nói rằng ông mong muốn hợp tác với ông Biden để đưa mối quan hệ lên tầm cao hơn.
Trong thông điệp gửi tới bà Kamala Harris (mẹ của bà là Kamala Gopal Harris xuất thân từ thành phố Chennai, Ấn Độ), ông Modi nhắc tới nguồn cội Ấn Độ của Harris, đồng thời nói rằng chiến công của bà là một niềm tự hào, không chỉ đối với gia đình của bà ở quê nhà, mà còn với cả những người Mỹ gốc Ấn.
Ông Biden đã nhiều lần gửi đi tín hiệu rằng ông sẽ tìm cách tăng cường quan hệ với Ấn Độ và hợp tác chống lại mối đe dọa từ Trung Quốc. Ông đã nhắc lại quan điểm tương tự trong bài phát biểu trực tuyến với người Mỹ gốc Ấn trong sự kiện kỷ niệm Quốc khánh Ấn Độ.
Trong bài phát biểu đó, ông cũng đã đề cập mối quan hệ gần gũi của ông với cộng đồng người Ấn Độ xa xứ, bao gồm cả việc ông chọn bà Harris làm bạn đồng hành trong cuộc tranh cử.
Ông nói: “Các cử tri của tôi ở Delaware, nhân viên của tôi ở Thượng viện, chính quyền Obama có nhiều người Mỹ gốc Ấn hơn bất kỳ chính quyền nào khác trong lịch sử nước Mỹ, và chiến dịch này cùng với người Mỹ gốc Ấn ở cấp cao, tất nhiên bao gồm cả người ở cấp cao nhất, người bạn thân thiết của chúng ta (Kamala Harris) - người sẽ là Phó Tổng thống gốc Ấn đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ”.
Nhập cư và thị thực H1B khó có thay đổi lớn
Tổng thống đắc cử Biden, cùng với bà Harris, đã nhiều lần đưa ra quan điểm rằng một chính quyền của đảng Dân chủ sẽ đảo ngược các chính sách của chính quyền Trump đối với thị thực lao động H1B, đặc biệt là lệnh cấm tạm thời mà ông Trump áp đặt đối với thị thực lao động cho tới cuối năm 2020.
Để thúc đẩy chính sách “Mua hàng Mỹ, thuê người Mỹ” của mình, Tổng thống Trump đã có những thay đổi lớn đối với chính sách H1B, khiến các công ty Mỹ gặp khó khăn khi thuê chuyên gia Ấn Độ, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Ước tính tỷ lệ từ chối thị thực H1B đã tăng đáng kể, lên đến 24% vào năm 2019 theo số liệu chính thức.
Ngoài việc đảo ngược quyết định đình chỉ thị thực H1B, ông Biden tuyên bố rằng sẽ mở rộng việc cấp thị thực cho những lao động có trình độ cao và đưa ra những chính sách khuyến khích sinh viên lấy bằng tiến sỹ thuộc ngành khoa học, công nghệ, kỹ sư và quản trị (STEM) ở lại Mỹ.
Công bằng mà nói, ông Trump cũng đã đưa ra dấu hiệu cho thấy ông hướng tới xây dựng hệ thống tính điểm đối với người nhập cư, thay vì nhập cư theo diện bảo lãnh của gia đình. Tuy nhiên, các chính sách khó lường của ông đối với thị thực của cả sinh viên và người lao động đã dẫn đến việc sinh viên Ấn Độ bắt đầu hướng sang nước láng giềng Canada như một điểm đến ưa thích.
Số lượng sinh viên Ấn Độ đăng ký ngành kỹ thuật và khoa học máy tính ở cấp độ sau đại học tại các trường đại học ở Mỹ giảm đáng kể trong giai đoạn 2016-2017 và 2018-2019, trong khi số lượng sinh viên đăng ký vào các trường đại học ở Canada tăng lên ở mức tương ứng.
Dự báo ông Biden có thể sẽ không đưa ra những thay đổi lớn trong câu chuyện nhập cư này, nhưng chắc chắn trong ngắn hạn, một số biện pháp chắp vá sẽ được thực hiện.
Theo một tài liệu chính sách trong chiến dịch tranh cử của Biden, một trong những bước đi đầu tiên của ông Biden sẽ là việc hợp tác với Quốc hội để xây dựng luật cải cách nhập cư, nhằm giúp các gia đình đoàn tụ bên nhau bằng cách cấp quyền công dân cho gần 11 triệu người nhập cư không có giấy tờ, trong đó ước tính có khoảng 500.000 người nhập cư đến từ Ấn Độ.
Trong thời gian giữ cương vị Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện, ông Biden đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy quan hệ Ấn-Mỹ. Ông ủng hộ thỏa thuận hạt nhân giữa Ấn Độ và Mỹ - một thành tựu mang tính bước ngoặt của quan hệ song phương trong khi Barack Obama, khi đó là một Thượng nghị sĩ, đã miễn cưỡng làm vậy. Trước khi trở thành Phó Tổng thống, ông Biden đã nói: “Ước mơ của tôi là vào năm 2020, 2 nước gần gũi nhất trên thế giới sẽ là Ấn Độ và Mỹ”. |
Vấn đề Iran "dễ thở" hơn
Đây không chỉ là thành tích trong quá khứ của ông Biden, mà còn là cách tiếp cận của ông đối với các vấn đề quốc tế quan trọng vốn có thể mở đường cho sự hợp tác bền chặt.
Đầu tiên, về vấn đề Iran, cách tiếp cận linh hoạt của ông phù hợp với các lợi ích kinh tế của Ấn Độ. Ứng cử viên đảng Dân chủ đã tuyên bố rằng ông sẵn sàng gia nhập lại JCPOA (một sáng kiến của chính quyền Obama), với một số điều kiện nhất định.
Trong một cuộc phỏng vấn với CBS News, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif đã đánh giá tích cực những tuyên bố của ông Biden trong chiến dịch, và nói rằng “những tuyên bố trong chiến dịch của ông Biden có nhiều hứa hẹn hơn, nhưng chúng ta vẫn sẽ phải chờ xem”.
Điều này có nghĩa là Ấn Độ có thể có nhiều lựa chọn hơn, ít nhất là về lâu dài, liên quan tới quan hệ kinh tế với Iran (không chỉ bao gồm nhập khẩu dầu mỏ, mà còn cả thương mại vốn đã giảm đáng kể trong giai đoạn 2018-2019).
Quan trọng nhất là Ấn Độ cũng có thể tiến hành dự án cảng Chabahar có tầm quan trọng về mặt chiến lược, không chỉ vì các mục tiêu chiến lược mà còn đối với những tham vọng kết nối khu vực với Afghanistan; năm 2019 hầu như không đạt được tiến bộ nào diễn ra theo hướng này.
Điều thú vị là chỉ mới gần đây, Iran đã đề nghị Ấn Độ cung cấp thiết bị cho một phần quan trọng của dự án - tuyến đường sắt Chabahar-Zahedan. Nhiều câu hỏi được đặt ra về việc Ấn Độ tham gia dự án này, mặc dù các chuyến thăm của Ngoại trưởng S. Jaishankar và Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh vào tháng 9/2020 đã gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng Ấn Độ thực sự coi trọng dự án Chabahar và mối quan hệ song phương nói chung.
Chung tiếng nói trong chống biến đổi khí hậu
Dưới thời ông Biden, Mỹ có khả năng quay trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và đề xuất một quỹ trị giá 2.000 tỷ USD để ứng phó với biến đổi khí hậu. Tổng thống đắc cử Biden đã nói rằng ông muốn hợp tác với Ấn Độ về vấn đề này.
Ở đây, điều quan trọng cần nhớ là đương kim Tổng thống Trump, người rút Mỹ khỏi thỏa thuận, đã chỉ trích lượng khí thải của Ấn Độ; trong giai đoạn cuối của chiến dịch tổng thống, ông Trump đã gọi không khí của Ấn Độ là “bẩn thỉu”, gây ra phản ứng mạnh mẽ từ giới bình luận và truyền thông của Ấn Độ.
"Chấp chới" các vấn đề kinh tế
Ngay cả về các vấn đề kinh tế, ông Biden có khả năng sẽ ít có tư tưởng mang tính giao dịch hơn. Mặc dù chương trình nghị sự trong nước của Mỹ đã trở nên thận trọng hơn trong những năm gần đây và ông Biden sẽ cần giải quyết lợi ích của một số khu vực cử tri quan trọng của đảng Dân chủ, nhưng cũng như đương kim Tổng thống, khó có khả năng ông sẽ đưa ra một lập trường đơn giản quá mức.
Tuy nhiên trong ngắn hạn, các yêu cầu của Ấn Độ như khôi phục Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP), mà ông Trump đã loại bỏ trong tháng 6/2019, có thể được ưu tiên trong chương trình nghị sự của Biden. Do loại bỏ GSP, thuế quan đã được áp đặt đối với gần 2.000 mặt hàng nhập khẩu của Ấn Độ. Lý do được nêu ra là Ấn Độ đã không giải quyết những lo ngại của Mỹ về quyền tiếp cận thị trường.
Nhiều điều sẽ phụ thuộc vào lựa chọn của ông Biden cho vị trí Ngoại trưởng, nhưng có thể ông sẽ chọn một ai đó có kinh nghiệm và quen thuộc với Ấn Độ.
Hoài nghi, định kiến và thực tế
Bất chấp thành tích của ông Biden về Ấn Độ trước đây, bà Kamala Harris, sự ủng hộ mà đảng Dân chủ nhận được từ cử tri Mỹ gốc Ấn, những ép buộc về địa chính trị, và tầm quan trọng kinh tế của Ấn Độ, một số giới vẫn tỏ ra hoài nghi về những bình luận của Biden đối với các chính sách như Đạo luật sửa đổi quyền công dân, cũng như những bình luận của bà Kamala Harris về việc hủy bỏ Điều 370 ở Kashmir.
Những điều đã làm dấy lên câu hỏi về tương lai quan hệ Ấn-Mỹ dưới thời chính quyền Biden.
Mặc dù đúng là không thể tồn tại sự nhất trí tuyệt đối về mọi vấn đề giữa hai nước bất kỳ, và Mỹ và Ấn Độ không phải là ngoại lệ đối với sự thật hiển nhiên đó, nhưng thực tế là giữa hai nước có nhiều điểm chung hơn là sự khác biệt - đặc biệt là đối với cách tiếp cận ngày càng hiếu chiến của Trung Quốc.
Cách tiếp cận bảo thủ của ông Biden đối với chính sách đối ngoại và cách tiếp cận ít mang tính giao dịch hơn so với ông Trump cũng sẽ có lợi cho Ấn Độ. Về những lời chỉ trích đối với một số chính sách của chính quyền Modi, điều đáng nói là ngay cả các nhà bình luận trong nước cũng đã chỉ trích sự phân cực xã hội và giọng điệu dân tộc chủ nghĩa ngày càng cực đoan. Do đó, việc kết nối những khác biệt về quan điểm với một số chính sách gặp đôi chút khó khăn.
Một quan niệm sai lầm khác, vốn tồn tại trong nhiều nhóm chiến lược, là khái niệm cho rằng đảng Cộng hòa có lợi cho Ấn Độ hơn là đảng Dân chủ. Thực tế là nền tảng cho một mối quan hệ song phương bền chặt đã được đặt ra trong nhiệm kỳ của Tổng thống đảng Dân chủ Bill Clinton. Cũng có rất nhiều điều phụ thuộc vào các vấn đề và hoàn cảnh hiện tại. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Ấn Độ đã có những căng thẳng với Mỹ, thậm chí dưới thời các tổng thống đảng Cộng hòa.
Tương tự, mặc dù đúng là trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Obama, ông đã không tập trung nhiều vào Ấn Độ, nhưng trong nhiệm kỳ hai ông đã tìm cách tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với nước này. Không chỉ nhấn mạnh vào việc tăng cường quan hệ với Ấn Độ, mà nền tảng của “Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở” cũng được đặt ra trong thời gian đó.
Một số bước đi quan trọng khác được thực hiện theo hướng cải thiện quan hệ chiến lược coi Ấn Độ là một đối tác quốc phòng quan trọng và ký Biên bản thỏa thuận trao đổi hậu cần (LEMOA), vốn được thực hiện vào cuối nhiệm kỳ hai của Obama.
Theo kết quả của LEMOA, quân đội Mỹ và Ấn Độ có thể “sử dụng căn cứ của nhau, đồng thời cung cấp quyền tiếp cận tới nguồn cung, phụ tùng và dịch vụ từ các cơ sở trên bộ, căn cứ không quan, và cảng biển của nhau, mà sau đó có thể được hoàn trả”.
Điều này mở đường cho các hiệp ước phòng thủ khác như Thỏa thuận an ninh và tương thích liên lạc và gần đây đã ký Thỏa thuận hợp tác và trao đổi cơ bản.
Điều quan trọng đối với cộng đồng chiến lược Ấn Độ là không nhìn vào một mối quan hệ phức tạp qua lăng kính đơn giản về việc đảng nào nắm quyền, mà thay vào đó là tình hình địa chính trị phổ biến, cũng như lợi ích quốc gia. |
Tóm lại, ông Biden có khả năng đặt trọng tâm vào việc giải quyết các vấn đề trong nước, như ngăn chặn đại dịch Covid-19 lây lan, cũng như có các biện pháp điều hành nền kinh tế Mỹ. Ngoài ra, về mặt chính trị, ông sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là việc hàn gắn đất nước vốn đang bị chia rẽ, như kết quả của cuộc bầu cử tổng thống cho thấy.
Tuy nhiên, chính sách đối ngoại là yếu tố quan trọng trong chương trình nghị sự và thế giới sẽ quan sát cách tiếp cận của chính quyền Biden đối với các vấn đề cực kỳ quan trọng mà New Delhi không phải là ngoại lệ. Mặc dù có những quan điểm khác nhau về một số vấn đề, nhưng mối quan hệ này có thể sẽ phát triển và nâng lên nhiều tầng nấc nữa.
(theo FDI Australia)
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận