24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Đỗ Mỹ Hà
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Nhà thầu công trình hạ tầng 'ngồi trên lửa' khi giá vật liệu tăng

Việc giá thép tăng khiến nhiều doanh nghiệp xây dựng bị ảnh hưởng nặng nề.

Trong bối cảnh hiện nay, sự biến động giá thép nói riêng và giá vật liệu xây dựng nói chung đang tác động mạnh đến tổng mức đầu tư của các dự án hạ tầng, nhất là các dự án đầu tư công. Trong số đó, 11 dự án thành phần của tuyến đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông bị ảnh hưởng mạnh do các gói thầu đều đã ký hợp đồng từ cuối năm 2018, đầu năm 2019 đến nay.

Giá thép và giá xi măng nằm trong danh sách các loại vật liệu xây dựng (VLXD) tại các dự án thành phần trên các tuyến cao tốc Bắc-Nam sử dụng vốn đầu tư công và được phép điều chỉnh giá theo chỉ số giá xây dựng do Sở Xây dựng các địa phương công bố. Đây là điều kiện được ghi rõ trong hợp đồng các dự án đã ký. Song, các nhà thầu tại các dự án này hiện đang “đứng ngồi không yên” vì giá thép từ cuối năm ngoái đến nay đã tăng từ 35-70% so với giá đã ký vào hợp đồng. Trong khi đó, chỉ số giá xây dựng do các Sở Xây dựng địa phương công bố sẽ có độ trễ, nên không kịp phản ánh chính xác biến động giá của các loại vật liệu khiến các nhà thầu chịu thiệt hại nặng.

Ví dụ, Công ty cổ phần Vinaconex là tổng thầu đứng đầu liên danh trúng thầu 3 dự án lớn nhất được đầu tư công trên tuyến Bắc-Nam (Phan Thiết- Dầu Giây; Vĩnh Hảo-Phan Thiết; Mai Châu- Quốc lộ 45) với tổng trị giá 8.000 tỉ đồng. Do giá thép tăng mạnh từ quí 1 năm nay, đặc biệt là trong tháng 4 và đầu tháng 5, doanh nghiệp này ước tính sẽ lỗ khoảng 337 tỉ đồng từ biến động giá thép so với giá trong hợp đồng đã ký kết. Cả 3 gói thầu này sử dụng khoảng 58.000 tấn thép. Khi ký kết hợp đồng, giá thép khoảng 11.300-12.100 đồng/kg. Nay, giá thép khoảng 17.400 đồng. Tức là mức tăng giá khoảng 65,9% trên mỗi ki-lô-gam thép.

Đại diện một nhà thầu dự án khác, đảm nhiệm việc xây dựng chục cây cầu lớn nhỏ và các cống chui dân sinh trong một dự án có liên quan, cho biết doanh nghiệp cũng không thể chịu nổi mức giá thép tăng lên đến 70% từ tháng 1-2021 đến nay… Tương tự, giá xi măng cũng tăng khoảng 40.000 đồng/tấn so với mức giá cuối năm 2020.

Các nhà thầu ước tính, nếu dự án đã ký kết có tổng mức đầu tư vài ngàn tỉ đồng/dự án thì lỗ vài trăm tỉ đồng vì giá vật liệu xây dựng tăng. Giải pháp cho phép điều chỉnh giá theo phương thức chỉ số giá được áp dụng nhưng ít khả thi vì cách này do địa phương công bố dựa trên biến động giá vật liệu xây dựng. Khi điều chỉnh, địa phương công bố chỉ sổ giá mới và chủ đầu tư, nhà thầu sẽ lấy giá trị thanh toán nhân với mức giá điều chỉnh. Tuy nhiên, do giá điều chỉnh và công bố không sát thực tế nên các nhà thầu đều khó có thể yên tâm.

Theo đại diện một số nhà thầu thì luật định hiện hành cho phép bù giá trực tiếp đối với biến động giá, trên cơ sở bóc tách khối lượng vật liệu của từng gói thầu. Khi đó, chủ đầu tư và nhà thầu sẽ lấy mức giá thực tế nhập vào trừ đi mức giá trong đơn giá đã được duyệt thầu rồi nhân với khối lượng thực hiện ra giá trị bù giá. Cách này vừa sát thực tế, vừa đảm bảo bao quát được biến động về giá, tránh kéo dài gây khó cho nhà thầu trong quá trình thanh toán.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả