Nhà quản lý còn sợ rủi ro đầu tư PPP trong y tế
Tại buổi tập huấn về Đối tác công – tư trong ngành y tế do Ngân hàng Thế giới (World Bank) tổ chức ngày 21-5, nhiều chuyên gia cho rằng, đầu tư PPP trong giai đoạn hiện nay là hướng đi tốt cho tất cả các ngành, đặc biệt với ngành y tế. Tuy nhiên, lĩnh vực đầu tư này còn khá mới mẻ, hành lang pháp lý còn hạn chế, nên còn gây tâm lý lo sợ cho các nhà lãnh đạo, sợ không điều hành được, bị qua mặt, tiêu cực.
Tại buổi tập huấn về Đối tác công – tư trong ngành y tế do Ngân hàng Thế giới (World Bank) tổ chức ngày 21-5, nhiều chuyên gia cho rằng, đầu tư PPP trong giai đoạn hiện nay là hướng đi tốt cho tất cả các ngành, đặc biệt với ngành y tế. Tuy nhiên, lĩnh vực đầu tư này còn khá mới mẻ, hành lang pháp lý còn hạn chế, nên còn gây tâm lý lo sợ cho các nhà lãnh đạo, sợ không điều hành được, bị qua mặt, tiêu cực.
Theo ông Trần Duy Hưng, Giám đốc Công ty Monitor Consulting, chuyên gia tư vấn của World Bank, hiện nay Việt Nam có tất cả 73 dự án PPP (hợp tác công - tư) trong danh mục y tế, 15 dự án đã có báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (TPHCM chiếm hơn một nửa số dự án), 6 dự án triển khai đến bước lựa chọn nhà đầu tư. Tuy nhiên, có những dự án đã ký hợp đồng với nhà đầu tư nhưng không đi đến kết quả cuối cùng của dự án, có nghĩa rằng thất bại.
Ông Hưng dẫn chứng, như Dự án Bệnh viện Đa khoa Cẩm Phả (Quảng Ninh). Đây là bệnh viện đa khoa hạng 2, cơ sở vật chất cũ kỹ, lạc hậu, nguồn nhân lực y bác sĩ yếu… người dân không đến khám bệnh. Khi các nhà đầu tư vào khảo sát thì thấy mọi việc đều khả thi, nhưng khi bắt tay vào thực hiện thì gặp một số vấn đề trục trặc về tài sản nhà nước (nhân lực, đất, thương hiệu…) không có giá trị thương hiệu, khó khăn khi xác định phần đóng góp.
TS. Nguyễn Thanh Nguyên, Giám đốc Tập đoàn TWG cũng chỉ ra trở ngại đầu tư như tại Bệnh viện Đa khoa Quận Tân Phú TPHCM (dự án PPP thực hiện hơn 2 năm qua). Dự án đã làm xong đề xuất đầu tư và dự án tiền khả thi (nâng công suất từ 250 giường lên 500 giường) trình UBND TPHCM, gần như phản hồi từ chính quyền quá chậm (hiện nay đang bỏ lửng, không biết sẽ ra sao). Trở ngại lớn ở đây là sự đồng ý của lãnh đạo bệnh viện, sở ngành khi chuyển sang PPP, chọn hình thức đầu tư nào, lãnh đạo chưa dám quyết…
Theo ông Hưng, việc triển khai các dự án PPP trong y tế Việt Nam hiện nay mang tính chất thăm dò từng dự án một, không có mục tiêu, chiến lược rõ ràng. Mặc dù nhà nước kêu gọi đầu tư, các nhà đầu tư tham gia nhưng mục tiêu tiếp cận công bằng y tế không rõ ràng; trong quá trình hợp tác xuất hiện tài sản công (đất đai, nguồn nhân lực…) khó khăn khi xác định phần đóng góp của khối công lập; quá trình thẩm định PPP kéo dài, nhiều dự án nâng lên, đặt xuống, không hiệu quả.
Nhiều dự án gọi là PPP nhưng bản chất lại mang tính xã hội hóa và ngược lại. Các dự án tập trung nhiều vào hạ tầng hơn là dịch vụ y tế lâm sàng. Một số dự án y tế PPP được đề xuất và phê duyệt theo hình thức BT (hợp đồng xây dựng – chuyển giao). Khi lựa chọn nhà đầu tư, hình thức đấu thầu cạnh tranh không phổ biến; triển khai còn nhiều vướng mắc liên quan như giá dịch vụ y tế, bảo hiểm y tế, thuốc…
Bên cạnh đó, không có quy định rõ ràng đối với hai hình thức bệnh viện công và bệnh viện PPP trong phạm vi dịch vụ, giá dịch vụ y tế, nhân lực y tế và đấu thầu thuốc. Không có hướng dẫn trong việc chuẩn bị và kiểm soát các dự án PPP y tế, không có nguồn tài chính hỗ trợ cho các dự án PPP y tế, không có các quỹ chuẩn bị dự án, không có quỹ bù đắp thiếu hụt, không có bảo lãnh của Chính phủ.
Cũng theo ông Nguyên, đầu tư PPP trong y tế là một ý tưởng hay, đáng khuyến khích. Tuy vậy, vẫn còn nhiều trở ngại khi áp dụng nên chưa thực thi được ở Việt Nam, do những nguyên nhân: pháp luật chưa rõ ràng, nhà đầu tư không chắc dòng tiền bỏ ra có mang lại lợi nhuận không. Do tư tưởng còn nặng bao cấp về y tế; đầu óc cục bộ, lợi ích nhóm, nhân viên y tế muốn giữ là cán bộ nhà nước… Do đó, để xác định đúng nghĩa đầu tư PPP, phần nhà nước đóng góp cho dự án là gì chưa rõ. Vì vậy, nhà đầu tư thấy đầu tư vào tư nhân vẫn tốt hơn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận