24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Phi Điệp
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Nhà ở cho người lao động xập xệ, cả gia đình sinh hoạt trong 10m2: Đại biểu Quốc hội lên tiếng

Theo Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Thông, với diện tích nhà ở xập xệ, khoảng hơn 10m2 là nơi sinh hoạt của cả gia đình, như vậy làm sao công nhân có thể tái tạo được sức lao động để tạo ra của cải cho xã hội.

Theo chương trình làm việc ngày 02/6, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận ở hội trường về: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022; Việc tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017.

Cùng ngày, các thành viên Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội.

Tiến độ triển khai hỗ trợ công nhân thuê nhà trọ quy mô 6.600 tỷ chậm

Góp ý kiến về bức tranh kinh tế xã hội, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Thông cho rằng, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV là một kỳ họp hết sức đặc biệt, chưa có tiền lệ, với bao tâm huyết, công sức của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và các vị đại biểu Quốc hội để thông qua nhiều cơ chế, chính sách hết sức kịp thời và cần thiết.

Điều đó chứng tỏ Quốc hội đồng hành với Chính phủ giải quyết những khó khăn, vướng mắc mà thực tế đã đặt ra, trong đó có chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ chương trình phục hồi kinh tế với quy mô 350.000 tỷ (Nghị quyết 43).

Tuy nhiên, cho đến nay đại biểu thấy rằng Nghị quyết 43 chưa thực sự đi vào cuộc sống.

"Tại sao một chính sách đúng đắn như thế, kịp thời như vậy lại chậm triển khai? Tôi đề nghị Chính phủ cần phải đánh giá thật sâu, kỹ vấn đề này, xác định nguyên nhân, trách nhiệm cụ thể và từ đó có các giải pháp hữu hiệu hơn", đại biểu nhấn mạnh.

Nhà ở cho người lao động xập xệ, cả gia đình sinh hoạt trong 10m2: Đại biểu Quốc hội lên tiếng

Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Thông. (Ảnh: QH)

Cũng theo Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Thông, qua nghiên cứu Báo cáo bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách năm 2021, tình hình thực hiện nhiệm vụ những tháng đầu năm 2022, đại biểu hết sức ấn tượng trước những kết quả đã đạt được. Thành quả này không chỉ người dân trong nước thấy rõ mà các nước trên thế giới và các tổ chức quốc tế đã đánh giá, cũng đã công nhận. Tuy nhiên, nếu Nghị quyết 43 triển khai tốt hơn, sớm hơn, hiệu quả hơn thì các con số, các chỉ tiêu thống kê sẽ "ấn tượng hơn biết chừng nào".

Riêng về chính sách đối với người lao động, đại biểu cho biết cuối tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 08 về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, theo đó, số tiền hỗ trợ để công nhân thuê nhà trọ từ ngân sách nhà nước là 6.600 tỷ đồng, dự kiến trên cả nước sẽ có 3,4 triệu lao động được hưởng chính sách này.

Tuy nhiên, sau hơn 2 tháng triển khai, tiến độ giải ngân vẫn còn rất chậm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, hiện cả nước chỉ phê duyệt gần 10.000 lao động, chiếm tỷ lệ là 0,3% được hưởng chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà, với khoản tiền 33 tỷ, chiếm tỷ lệ 0,002% trong tổng số tiền hỗ trợ.

"Một chính sách hết sức đúng đắn, nhân văn như vậy vì sao chúng ta triển khai chậm? Tôi đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo thật cụ thể và nêu những giải pháp nào để giải quyết, tháo gỡ trong thời gian sớm nhất", đại biểu Thông nói.

Cần nghiên cứu mô hình nhà ở xã hội phù hợp

Dẫn chứng thêm từ thực tế, đại biểu này cho biết công nhân là một trong những lực lượng chính tạo ra của cải, vật chất cho xã hội, nhưng một thực tế là đời sống của hàng triệu công nhân lao động, nhất là công nhân trong các khu công nghiệp hết sức khó khăn, vất vả, đặc biệt là vấn đề về nhà ở.

Với diện tích nhà ở xập xệ, khoảng hơn 10m2 là nơi sinh hoạt của cả gia đình, như vậy làm sao tái tạo được sức lao động để tạo ra của cải cho xã hội.

Pháp luật hiện hành có những cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở dành cho công nhân lao động, như là miễn tiền sử dụng đất, giảm 50% thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật vào các dự án hoặc cho vay ưu đãi với lãi suất thấp, chi phí thuê hoặc mua nhà cho công nhân được tính vào chi phí hợp lý trong giá thành sản xuất khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Nhưng thực tế, hầu hết công nhân vẫn thuê ở những nhà trọ trong khu dân cư.

Các khu công nghiệp mọc lên trên khắp mọi miền của đất nước, nhưng khâu quy hoạch nhà ở cho công nhân rất ít được quan tâm. Để công nhân, người lao động dễ dàng tiếp cận với nhà ở xã hội, các chính sách cần hướng đến việc tăng nguồn cung – theo đại biểu.

Về giải pháp, đại biểu Thông cho biết, thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp không triển khai được các dự án là do vướng mắc khâu thủ tục về vấn đề xây dựng. Như vậy, trước mắt cần phải giảm thiểu các thủ tục hành chính phức tạp, để cho các chủ đầu tư có thể thực hiện nhanh dự án, qua đó tăng nguồn cung nhà ở xã hội.

Cùng với đó, Chính phủ phải nghiên cứu mô hình nhà ở xã hội phù hợp với thực tế của đất nước ta để triển khai. Ví dụ, như ở Singapore hay Nhật Bản, nhà ở xã hội do chính quyền xây dựng, quản lý nên thực chất đây là nhà ở của Nhà nước cho người dân thuê có thời hạn, thường là rất dài, lên đến 99 năm.

Tại Việt Nam có thể xem xét kết hợp theo hướng nhà ở xã hội thuộc sở hữu của chủ đầu tư cho thuê theo giá thị trường và Nhà nước bù phần chênh lệch giá thuê cho công nhân, người lao động theo chính sách xã hội của mình được hay không.

"Nếu có thể giữ cho người lao động gắn bó lâu dài với công việc thông qua con đường an cư thì đây là một lợi thế cạnh tranh rất lớn của đất nước ta trong thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao, nhất là khi dịch bệnh đi qua.

Vì vậy, tôi đề nghị Chính phủ sớm đánh giá một cách toàn diện và cụ thể vấn đề giải quyết nhà ở công nhân, người lao động để kịp thời tháo gỡ những bất cập, có những chủ trương đúng đắn của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với người công nhân, người lao động được thực hiện hóa, tránh lặp lại câu "khâu triển khai thực hiện vẫn là khâu yếu" qua sơ kết, tổng kết", Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Thông nhấn mạnh.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả