Nhà máy nước hơn 6 tỷ đồng bỏ hoang
Nhà máy cấp nước sạch ở xã Khánh Vĩnh Yên, huyện Can Lộc, 3 năm nay bị hỏng đường ống, người dân phải hứng nước mưa nấu ăn.
Năm 2009, UBND xã Vĩnh Lộc, nay là xã Khánh Vĩnh Yên làm chủ đầu tư, khởi công nhà máy nước sạch Phúc Giang đặt trên cánh đồng thôn Phúc Giang. Chủ tịch xã Nguyễn Văn Hùng cho biết, nhà máy có tổng mức đầu hơn 6 tỷ đồng, trong đó kinh phí xây dựng hơn 5 tỷ, trích từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường.
Nhà máy có một giếng thu nước thô từ đập Rào Bàu cách đó hơn 500 m để xử lý cấp cho dân. Ngoài ra, còn có các hạng mục phụ trợ như: Trạm bơm cấp một, trạm bơm cấp hai, 3 bộ bình lọc inox, bể chứa, nhà quản lý, tuyến ống chính và tuyến nhánh. Chính quyền kỳ vọng đến năm 2020 dự án sẽ giúp hơn 2.000 hộ dân trong xã giải quyết bài toán thiếu nước sạch do nhiễm phèn và mặn.
Năm 2011 nhà máy hoàn thành, giao cho Hợp tác xã môi trường và nước sạch xã Khánh Vĩnh Yên khai thác. Khoảng 500 gia đình ở 5 thôn Phúc Giang, Thượng Triều, Hạ Triều, Vĩnh Phúc, Thanh Phúc đóng 500.000 đồng mỗi hộ để sử dụng nước. 5 năm đầu hoạt động ổn định, công trình sau đó vận hành ngắt quãng, năm 2018 thì dừng cấp nước vô thời hạn. Nhiều người dân phải xây bể tích trữ nước mưa để ăn uống, hoặc đào giếng khoan phục vụ việc rửa, tắm giặt.
Ông Nguyễn Minh Nam, 70 tuổi, trú thôn Phúc Giang, cho biết nguồn nước trong thôn ô nhiễm, thường xuyên nhiễm phèn. Khi nhà máy nước khởi công nhiều người rất phấn khởi, song mọi việc diễn ra sau đó khiến ai cũng thất vọng.
Từ khi nhà máy dừng hoạt động, ông Nam xây thêm hai bể chứa để lọc nước từ giếng khơi và hứng nước mưa trên mái nhà chảy xuống. "Mùa mưa thì đỡ, nước ít khan hiếm. Vào hè, 9 thành viên trong gia đình tôi phải vô cùng tiết kiệm nước, tắm giặt đều không được thoải mái, rất bất tiện", ông Nam nói.
Theo bà Nguyễn Thị Mỹ Thân, 55 tuổi, trú thôn Phúc Giang, khi nhà máy còn vận hành trơn tru, nhiều gia đình đã bỏ giếng khơi, thời gian sau khi công trình gặp sự cố thì phải khôi phục giếng để múc nước đổ lên bể lọc sử dụng. Một số hộ còn chi 2-3 triệu đồng khoan giếng trong vườn, nhưng nước bị nhiễm phèn, bơm lên đục ngàu nên không dám dùng nấu ăn vì sợ ảnh hưởng sức khỏe.
"Hồi trước mỗi tháng gia đình tôi đóng khoảng 30.000 đồng cho hợp tác xã để sử dụng nước sạch", bà Thân nói và cho hay tại các cuộc họp thôn, người dân nhiều lần kiến nghị sửa chữa nhà máy để cấp nước trở lại, song đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi.
Chủ tịch UBND xã Khánh Vĩnh Yên, ông Nguyễn Văn Hùng cho biết thêm, nhà máy dừng hoạt động do đường ống bị vỡ, nay hư hỏng gần hết. Kinh phí sửa chữa trích từ ngân sách xã, định trong năm 2021 sẽ khắc phục xong, nhưng "do nguồn vốn dồn hết cho việc phòng chống dịch Covid-19 nên chưa thể bố trí".
"Chính quyền nhiều lần họp, kêu gọi người dân đóng thêm một ít tiền đối ứng nhưng họ không đồng tình. Nhiều đoàn của tỉnh đã ra khảo sát, xác định công nghệ cũ của nhà máy không còn phù hợp. Một số doanh nghiệp về tìm hiểu để đầu tư lại, nhưng sau đó không hồi âm", ông Hùng nói.
Theo ông Lê Viết Thân, Trưởng phòng Kỹ thuật quản lý cấp nước, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Hà Tĩnh, nhà máy nước Phúc Giang hoạt động ngắt quãng, không hiệu quả do khâu quản lý và vận hành yếu kém, thiếu sự thống nhất giữa các đơn vị liên quan.
"Quá trình đến kiểm tra và hỗ trợ kỹ thuật, chúng tôi đã khuyến cáo. Xã đầu tư khắc phục phần đầu mối, song mạng lưới ống nước không sửa nên hoạt động một thời gian lại trục trặc. Với các công trình cấp nước, nếu để không một thời gian sẽ hỏng rất nhanh. Hiện các bên nỗ lực tìm giải pháp", ông Thân cho hay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận