24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Minh Nhật
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Nhà máy đường ngưng hoạt động để tránh lỗ 71 tỷ đồng

Nhà máy đường Phụng Hiệp nếu tiếp tục chạy có thể lỗ hơn 71 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với phương án ngưng hoạt động, theo lãnh đạo Casuco.

Ngày 23/10, ông Trần Vĩnh Chung - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) - cho biết Đại hội đồng cổ đông của công ty vừa thống nhất phương án dừng sản xuất niên vụ 2023-2024 của Nhà máy đường Phụng Hiệp. Nguyên nhân là nguồn nguyên liệu không đủ phục vụ sản xuất của nhà máy, nếu tiếp tục hoạt động sẽ dẫn đến thua lỗ nặng", ông Chung nói.

Nhà máy này có công suất ép 2.500 tấn mía nguyên liệu mỗi ngày, lớn nhất miền Tây hiện nay, đặt tại TP Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang. Theo ông, trong tuần, công ty sẽ có thông báo đến chính quyền, ngành chức năng các cấp của tỉnh.

Ông Chung cho biết việc ngừng sản xuất nhà máy đường Phụng Hiệp niên vụ 2023-2024, công ty sẽ chịu lỗ 26,5 tỷ đồng cho các chi phí về khấu hao nhà máy, giải quyết nhân sự nghỉ việc, bảo dưỡng, bảo vệ... Tuy nhiên, số lỗ này chỉ bằng một phần ba so với phương án tiếp tục hoạt động.

Nhà máy đường ngưng hoạt động để tránh lỗ 71 tỷ đồng
Nông dân huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang thu hoạch mía. Ảnh: An Bình

Để minh chứng điều này, công ty cho biết niên vụ 2022-2023 với kế hoạch đạt sản lượng 80.000 tấn mía nhưng kết quả thực hiện chỉ ép được hơn 14.500 tấn (đạt 18%) do nguồn mía thiếu hụt khi người trồng ưu tiên bán bên ngoài hưởng giá cao hơn.

Theo đó, người trồng mía bán cho nhà máy đường Phụng Hiệp chỉ 1.380-1.420 đồng mỗi kg, trong khi bán cho người làm nước giải khác giá 2.200-3.200 đồng mỗi kg, hoặc các lò đường thủ công là 1.600-1.700 đồng mỗi kg. Còn thương lái thu mua mía của nông dân giá trên 1.800 đồng mỗi kg rồi chở đến Long An, Tây Ninh bán lại.

Với thực trạng trên, vụ sản xuất vừa qua, sản lượng mía bình quân về nhà máy trên thực tế chỉ đạt 322 tấn, trong khi công suất vận hành ổn định là 2.500 tấn mỗi ngày.

"Kết quả sản xuất và các chỉ tiêu kỹ thuật đều không đạt so với kế hoạch", lãnh đạo Casuco nói và cho biết đây là vụ sản xuất kém nhất từ trước đến nay mà nguyên nhân chính do thiếu mía nguyên liệu trầm trọng.

Đối với niên vụ 2023-2024, theo Casuco, diện tích mía đủ điều kiện thu hoạch sẽ hơn 1.500 ha với sản lượng gần 180.000 tấn. Tuy nhiên, đơn vị chưa thể dự kiến sản lượng thu mua cụ thể bởi việc này phụ thuộc vào yếu tố giá cả. Nếu nhà máy đường Phụng Hiệp tiếp tục chạy, giá thu mua mía nguyên liệu tối thiểu phải nâng lên bằng giá mía chục (2.200 đồng mỗi kg ở thời điểm xây dựng phương án, tháng 9), sản lượng đảm bảo công suất từ 2.300-2.500 tấn mỗi ngày.

Nhưng theo Casuco, tổng hợp kịch bản của lợi nhuận trước thuế theo biến động về giá mía nguyên liệu, giá bán đường thành phẩm, tỷ lệ thu hồi trong sản xuất... việc duy trì chạy nhà máy càng nhiều, lỗ càng lớn.

"Cụ thể, tương ứng với sản lượng mía ép thấp nhất là 15.000 tấn, cao nhất 115.000 tấn cho niên vụ 2023-2024, Casuco sẽ chịu lỗ từ 40-71 tỷ đồng. Vì thế, đại hội cổ đông thống nhất phương án tạm dừng hoạt động nhà máy trong niên vụ này, chấp nhận mức lỗ 26,5 tỷ đồng", lãnh đạo Casuco cho biết.

Nhà máy đường ngưng hoạt động để tránh lỗ 71 tỷ đồng
Nhà máy đường Phụng Hiệp tiếp nhận mía nguyên liệu, khi chưa dừng hoạt động. Ảnh: An Bình

Ông này cũng thông tin đơn vị sẽ xây dựng kế hoạch phục hồi vùng nguyên liệu cho các vụ kế tiếp, khi đủ điều kiện có thể tiến hành đưa nhà máy đường Phụng Hiệp sản xuất trở lại.

Ông Trần Văn Tuấn - Trưởng Phòng nông nghiệp huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang - cho biết địa phương hiện có diện tích trồng mía 3.100 ha (giảm gần 3 lần so với 4 năm trước) và lớn nhất miền Tây. Ba năm qua, người dân địa phương chủ yếu trồng mía bán theo chục để làm nước giải khác, sản lượng bán cho nhà máy đường rất ít. Thương lái các nơi đến tận ruộng mua với giá khá cao 1.800-3.500 đồng mỗi kg nên nông dân lãi nhiều.

"Hiện giá mía chục ở mức 2.500-2.800 đồng mỗi kg, nông dân trồng rãi vụ nên lúc nào cũng có bán và đều có người mua; dự báo vào mùa nắng sẽ còn tăng nữa", ông Tuấn nói. Theo ông, vụ này nhà máy chưa ký hợp đồng bao tiêu với nông dân. Vì thế, nếu nhà máy ngưng hoạt động cũng không ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất của bà con.

Tỉnh Hậu Giang những năm 2010-2011 có diện tích mía nhiều nhất miền Tây với 15.000-16.000 ha, tập trung chủ yếu tại huyện Phụng Hiệp và TP Vị Thanh. Casuco có 2 nhà máy sản xuất tại TP Ngã Bảy và TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang.

Những năm sau đó, giá mía thấp, nông dân thu nhập bấp bên nên diện tích cây trồng này giảm dần. Bốn năm trước, do vùng nguyên liệu bị thu hẹp, nhà máy đường Vị Thanh, công suất 3.500 tấn mía ngày đêm ngưng hoạt động đến nay. Hai năm trước, Casuco cũng từng định tạm dừng hoạt động nhà máy đường Phụng Hiệp vì thiếu hụt nguyên liệu.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả