Nhà máy 7.000 tỷ: PVTex được “giải cứu” nhưng càng làm càng lỗ
Công ty Cổ phần Hoá dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex) sau khi có nhà đầu tư mới, càng sản xuất càng lỗ, số lỗ luỹ kế đã vượt 5.120 tỷ đồng. ...
Nhà máy PVTex thuộc danh sách 12 dự án yếu kém của Bộ Công Thương, tháng 9/2015 nhà máy đã phải dừng hoạt động do nhiều lý do khách quan và chủ quan. Trước tình hình đó, Bộ Công Thương và PVTex đã tích cực tìm kiếm đối tác để vực dậy và tái vận hành nhà máy.
Sau thời gian thương thảo, tháng 4/2018, Tập đoàn An Phát Holdings (APH) với sự hỗ trợ của các đối tác nước ngoài đến từ Singapore và Ấn Độ đã chính thức trở thành đối tác chiến lược "giải cứu" PVTex.
Càng sản xuất, càng lỗ
Báo cáo mới nhất của Chính phủ gửi lên Quốc hội có những cập nhật thông tin rất quan trọng về nhà máy sợi quy mô lớn này. Hiện dự án đã giải quyết xong tranh chấp hợp đồng EPC với đối tác qua đàm phán mà không tốn khoản phí 20 triệu USD.
Trong báo cáo, Bộ Công Thương cho biết, sau khi có đối tác chiến lược mới, PVTex đã vận hành 3 dây chuyền DTY sản xuất sợi filament và nâng lên 6 dây chuyền vào tháng 11/2018. Đến tháng 5/2019 thì nâng lên 12 dây chuyền. Tuy nhiên, do tình hình không thuận, theo yêu cầu của đối tác nhà máy nên đã giảm xuống chỉ còn 7 dây chuyền.
Kết quả vận hành được Bộ nhận định máy móc ổn định, chất lượng sản phẩm tốt, đảm bảo tiêu chuẩn của khách hàng.
"Tổng lượng sản phẩm của Nhà máy sản xuất ra từ 20/4/2018 đến ngày 31/8/2019 là 6.917 tấn sợi DTY, trong đó lượng sản phẩm gia công cho AST là 5.409 tấn sợi", báo cáo nêu.
Dù sản lượng tốt nhưng tình hình tài chính của PTex khá tối tăm. Theo báo cáo của Chính phủ, tính đến 31/8/2019, lỗ luỹ kế của PVtex lên tới 5.120,2 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2018. Vốn chủ sở hữu đã giảm 2.861 tỷ, tức giảm 24% so với cùng kỳ. Tổng nợ của doanh nghiệp lên tới 7.806,1 tỷ đồng, tăng 1,56% so với cùng kỳ năm 2018.
Trước đó, VnEconomy có đưa tin về kết quả kinh doanh PVTex tính đến hết năm 2018, theo số liệu từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Tại ngày 31/12/2018, PVTex còn lỗ luỹ kế lên 4.748 tỷ đồng. Như vậy, chỉ 8 tháng đầu năm 2019, PVtex đã lỗ thêm 770 tỷ.
Trước đó, lỗ luỹ kế của doanh nghiệp tính đến năm 2017 là 4.037 tỷ. Theo tính toán, kể từ khi có nhà đầu tư mới, PVtex đã "đốt" thêm cả nghìn tỷ vì thua lỗ.
Tổng tài sản của công ty tính đến hết năm 2018 đạt 5.236 tỷ, nợ phải trả 7.726 tỷ đồng. Trong đó số dư vay dài hạn của PVTex tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam được Petro Vietnam bảo lãnh với số dư gốc vay là 5.124 tỷ đồng. Tài sản ngắn hạn của công ty đã nhỏ hơn nợ phải trả ngắn hạn khoảng 2.615 tỷ đồng.
Số dư các khoản vay và nợ đã quá hạn, chưa được thanh toán tại ngày 31/12/2018 là 1.399 tỷ đồng.
Xem xét áp thuế tự vệ
Để giải quyết tình trạng này, báo cáo có đề cập đến nội dung PVTex và Bộ Công Thương đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan hướng dẫn công ty làm hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại và xem xét xử lý các kiến nghị liên quan khác của Công ty đối với mặt hàng xơ sợi nhập khẩu vào Việt Nam để đảm bảo sản xuất trong nước.
Thuế tự vệ là thuế nhập khẩu bổ sung được áp dụng trong trường hợp nhập khẩu hàng hóa quá mức vào Việt Nam gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước.
Do đó, để PVTex được áp thuế phòng vệ thương mại, cả PVTex và Bộ Công Thương phải chứng minh được xơ sợi đang được bán mạnh vào trong nước và giá giảm mạnh.
Theo báo cáo, ngoài biện pháp phòng vệ thương mại đang áp dụng là áp thuế thì Bộ Công Thương cũng cho biết sẽ theo dõi sát diễn biến giá và rà soát định kỳ để điều chỉnh cho phù hợp, tránh việc hàng hoá tăng giá hay giảm động lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước.
PVTex có tổng vốn đầu tư khoảng 325 triệu USD (7.200 tỷ đồng) ra đời cuối năm 2008, trong bối cảnh Việt Nam đang phát triển mạnh về dệt may và nguyên liệu nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc. Với tham vọng tự chủ nguồn nguyên liệu xơ sợi, dự án được thành lập với mục tiêu tận dụng dùng nguyên liệu từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất để chế biến thành xơ sợi.
Từ khi đi vào hoạt động đến nay PVTex thua lỗ triền miên. Năm 2014 lỗ 1.085 tỷ đồng, năm 2015 lỗ 1.255 tỷ đồng. Dự án dừng hoạt động từ năm 2015 dù vậy tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.
Liên quan đến những sai phạm tại PVTex, Bộ Công an đã khởi tố loạt lãnh đạo công ty là Trần Trung Chí Hiếu, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị PVTex; Vũ Đình Duy, nguyên Tổng giám đốc PVTex; Vũ Phương Nam, Kế toán trưởng PVTex…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận