Nhà kinh doanh 'méo mặt' vì lãi suất USD cao
Từ đầu năm đến nay, tỉ giá USD/VND đã tăng gần 3%, khiến nhiều doanh nghiệp đang có khoản vay bằng ngoại tệ chịu áp lực không nhỏ.
Ngay từ đầu năm nay, thị trường ngoại hối đã đối mặt với áp lực đáng kể khi tỉ giá USD/VND liên tục leo dốc.
Đặc biệt, từ đầu tháng 4 vừa qua, giá bán USD tại các ngân hàng thương mại đã bật lên khỏi mốc 25.000 đồng/USD và phá vỡ kỷ lục từng thiết lập vào giai đoạn xảy ra sự kiện SCB năm 2022.
Từ đó đến nay, mặt bằng giá mới của đồng đôla Mỹ được thiết lập và liên tục duy trì ở mức giá cao. Tính đến sáng ngày 11-4, giá mua-bán USD tại các ngân hàng thương mại dao động từ 25.110 - 25.130 VND/USD, tăng 2,9% so với đầu năm 2024.
Gánh nặng khi tỉ giá bất ngờ leo dốc
Tỉ giá tăng, cộng với lãi suất cho vay đang ở mức cao khiến những doanh nghiệp có hợp đồng thanh toán hoặc vay bằng USD đang chịu thiệt hại nặng nề.
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho rằng: Tỉ lệ mất giá giữa VND với USD so với các nước là thấp, năm 2023 VND mất giá khoảng 2,9%, đến thời điểm hiện nay trên thị trường liên ngân hàng VND mất giá khoảng 2,6%. So với các nước lớn, chẳng hạn đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc cũng mất giá so với USD khoảng 1,74%, đồng Bath Thái là 5,93%, đồng Won của Hàn Quốc là 3,88%, đồng Yên Nhật là 7,52%.
Ông Bùi Thế Duy, Giám đốc Công ty Du lịch Lửa Việt cho biết: Với những hợp đồng tour đi nước ngoài, công ty tính thêm biến động tỉ giá, cộng thêm chênh lệch tỉ giá từ 1-2%.
"Chúng tôi không thể cộng biên độ tỉ giá dự phòng với mức lớn hơn mức trên được, vì làm như vậy sẽ khiến giá tour trở nên đắt đỏ và không thể cạnh tranh", ông Duy nói.
Thế nhưng, đến nay tỉ giá USD/VND đã tăng gần 3% - mức tăng nhanh hơn so với các dự báo đưa ra trước đó. Điều này khiến những hợp đồng tour đi nước ngoài đã ký hợp đồng từ 3-5 tháng trước bị thiệt hại rất lớn, nhất là với những hợp đồng có thanh toán vé máy bay bằng USD.
“Do đó, với những hợp đồng du lịch quốc tế của khách hàng mua trong thời điểm hiện tại, chúng tôi bắt buộc phải tính giá mới, chứ không thể tính theo giá cũ”, ông Duy nói.
Bà Tô Thị Tường Lan, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng cho biết: Do đặc thù của ngành xuất khẩu có nguồn thu bằng ngoại tệ nên các công ty thường có xu hướng vay USD hơn là vay bằng VND. Trước đây, mức lãi suất vay USD chỉ dao động từ 2,1 – 4%/năm tuỳ theo lịch sử tài chính của doanh nghiệp nhưng hiện nay lãi suất cho vay bằng USD tại các ngân hàng ở Việt Nam đều bật lên trên 5%/năm.
"Thêm vào đó, thời gian gần đây tỉ giá liên tục biến động, khiến rủi ro đối với doanh nghiệp gia tăng và hoàn toàn không có lợi cho các doanh nghiệp trong thời điểm này khi vay USD. Do đó, nhiều doanh nghiệp lớn đang tạm dừng kế hoạch vay vốn và chờ đợi tín hiệu tốt hơn từ thị trường xuất khẩu. Đồng thời, qua khảo sát, chúng tôi thấy rằng các doanh nghiệp mong muốn các ngân hàng giảm lãi suất USD xuống dưới 4%/năm", bà Lan nêu quan điểm.
Phó tổng thư ký VASEP thông tin thêm, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang vay với mức lãi suất phổ biến là 6-7%, còn với các đơn vị không có tài sản thế chấp thì đang vay với lãi suất 8-8,5%, vì vậy kiến nghị các ngân hàng giảm thêm lãi suất USD xuống dưới 4%/năm, đồng thời công bố rộng rãi hơn các gói tín dụng ưu đãi lãi vay.
Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, đồng USD tăng giá khoảng 3% so với các đồng tiền trên thế giới, vì vậy nếu doanh nghiệp không có biện pháp quản lý rủi ro tỷ giá, chắc chắn sẽ đương đầu với khó khăn. Mức dự phòng rủi ro tỷ giá thường tương đương khoảng 3% tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu.
Nhận định về diễn biến tỷ giá trong thời gian tới, ông Hùng phân tích, lạm phát Mỹ thời gian gần đây hạ nhiệt chậm hơn so với kỳ vọng, xu hướng trong thời gian tới nói chung sẽ là lạm phát không tăng cao như trước, vì vậy lãi suất tiếp tục giảm. Dù vậy nhìn từ góc độ tích cực, lạm phát Mỹ giảm chậm hơn kỳ vọng cho thấy kinh tế Mỹ vẫn “khỏe”, đồng USD sẽ vẫn ở ngưỡng cao so với tất cả các đồng tiền khác trên thế giới chứ không đơn thuần chỉ đồng Việt Nam.
Tỷ giá tiền đồng dù có những “chao đảo” trong thời gian qua nhưng vẫn nằm trong ngưỡng biên độ của NHNN, do đó chưa phải lúc cần phải điều chỉnh chính sách.
Áp lực tỉ giá sẽ sớm "quay xe"
Theo Phó Thống đốc NHHN Đào Minh Tú, với mức lãi suất cho vay ngoại tệ hiện nay, nhất là trước bối cảnh tỷ giá biến động hiện nay thì lãi suất cho vay ngoại tệ cũng là một trong những vẫn đề được quan tâm.
Nhận định về nguyên nhân khiến tỉ giá tăng trong thời gian gần đây, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết: Trong quý I-2024, tỉ giá tiếp tục chịu áp lực tăng.
Nguyên nhân chính của việc tỉ giá tăng trong thời gian qua là do: Thứ nhất, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chưa đưa ra thời gian cụ thể để nới lỏng chính sách tiền tệ, giảm lãi suất nên giá trị đồng USD tăng cao. Việc đồng USD tăng giá đã tác động giảm giá đồng tiền của các nước khác trên thế giới và trong khu vực, trong đó có Việt Nam.
Thứ hai, chính sách hạ lãi suất rất mạnh của Việt Nam trong thời gian qua cũng tạo ra sự bất cập về chênh lệch lãi suất giữa đồng USD và VND trên thị trường liên ngân hàng (tiếp tục duy trì lãi suất âm, tức là lãi suất đồng USD thấp hơn VND). Điều đó cũng tạo áp lực khiến đồng USD tăng.
Thứ ba, trong 3 tháng đầu năm, nhu cầu ngoại tệ cho nhập khẩu cũng cao hơn. "Tuy nhiên, với sự điều hành linh hoạt của NHNN, tỉ giá vẫn duy trì được sự ổn định, thị trường ngoại tệ thông suốt, đảm bảo các cân đối chung ngoại tệ, trạng thái ngoại tệ dương cho các ngân hàng thương mại và nền kinh tế cũng như đáp ứng các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp cho nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp", ông Tú nhấn mạnh.
Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần thừa nhận: Một trong những áp lực khiến tỉ giá tăng còn đến từ việc giá vàng thế giới và trong nước thời gian qua liên tục lập kỷ lục mới. Bởi khi giá vàng tăng, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới tăng làm nảy sinh nhu cầu nhập lậu.
Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP.HCM, trong ngắn hạn, đặc biệt là trong năm nay không có quá nhiều áp lực đến tỉ giá của Việt Nam, ngoại trừ một số thời điểm mang yếu tố mùa vụ như hiện nay. Theo đó tỉ giá USD/VND sẽ được quản lý chặt chẽ, biến động trong khuôn khổ kiểm soát, dù có thể có những biến động nhất định tại một số thời điểm trong năm.
Đứng từ phía doanh nghiệp ông Bùi Thế Duy cho rằng: Trong hoạt động kinh doanh luôn có các biến số mà không ai có thể lường trước được. Chính vì vậy, ở một góc độ nào đó, bên cạnh các phương án dự phòng thì bản thân các doanh nghiệp cũng phải chấp nhận thiệt hại ở mức tương đối, phù hợp với khả năng chịu đựng của mình.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận