Nhà đầu tư Việt thức đêm với Phố Wall và một điểm thưởng “may mắn”
Một lần nữa nhà đầu tư chứng khoán Việt Nam lại thức đêm “canh” diễn biến trên thị trường Mỹ, và lần này khá đặc biệt.
Phiên giao dịch ngày 30/11 tại Việt Nam, thị trường chứng khoán chứng kiến pha “quay xe” chóng vánh của VN-Index và giá nhiều cổ phiếu. Từ mức tăng 16-17 điểm buổi sáng và vững vàng trên mốc 1.500 điểm, chỉ số ngay lập tức đảo chiều, có lúc giảm khá mạnh, kết phiên trong sắc đỏ.
Quãng nghỉ trưa, thị trường chứng khoán toàn cầu chao đảo, giá dầu đảo chiều sau phục hồi ngắn ngủi... Một phát ngôn thiếu tự tin về năng lực chống đỡ của vaccine hiện có trước biến thể mới Omicron của virus SARS-CoV-2 gây quan ngại trên thị trường.
Và đêm 30/11 rạng sáng 01/12 (giờ Việt Nam), một lần nữa nhà đầu tư chứng khoán Việt Nam lại thức “canh” diễn biến trên thị trường Mỹ, và lần này khá đặc biệt.
Diễn biến phiên giao dịch thứ Ba ở bên kia bán cầu như một tham khảo để nhà đầu tư định hình cho bối cảnh hiện nay, diễn biến của thị trường chứng khoán Việt Nam phiên sáng hôm sau…
Phiên giao dịch thứ Ba đang cho thấy sự chao đảo nối tiếp: chỉ số Dow Jones giảm quanh 650 điểm (-1,8%), giá dầu WTI lao dốc tới -7,5%, giá vàng cũng không hẳn là “hầm trú ẩn” khi cũng giảm quanh -0,5%... (cập nhật lúc 01h30 giờ Việt Nam).
Trước hết, như mối quan ngại đang mở rộng toàn cầu, tâm điểm chú ý của thị trường hiện nay là sự xuất hiện của biến thể Omicron. Liệu mức độ tàn phá của nó đối với kinh tế toàn cầu như thế nào? Xen lẫn vào đó hy vọng đây chỉ là một biến thể “ngáo ộp” hay không? Hay một lần nữa thế giới lại ngăn cách, phong tỏa, đứt gãy và đổ vỡ nhiều thứ?
Trong một bình luận trên Reuters, một chuyên gia nói rằng, điều quan trọng nhất là thị trường không thích sự không chắc chắn. Đó là sự không/chưa chắc chắn về biến thể Omicron tại thời điểm này ở các khía cạnh nguy hiểm, mức độ phòng ngừa của các vaccine hiện có.
Giới đầu tư Việt Nam cũng vậy. Vẫn có những quan điểm nói theo cách dân dã rằng: “Đứng ngoài cho lành”. Đó là lựa chọn khi họ chưa thấy rõ ràng, chưa thấy sự chắc chắn về một vấn đề nào đó, hay như trên là không thích sự không chắc chắn.
Nếu như tác động của sự xuất hiện biến thể Omicron đã thể hiện bước đầu khoảng một tuần qua; với thị trường thế giới và Việt Nam, phiên cuối tuần qua và hai phiên đầu tuần này là những phản ứng bước đầu.
Phản ứng đó như một vụ nổ xẩy ra, nhiều nhà đầu tư lựa chọn chạy và tạm thoát để rồi định thần và tính toán sau. Thực tế các thị trường đã chao đảo trong những phản ứng đầu tiên đó.
Còn đêm nay, nhà đầu tư Việt thức cùng Phố Wall còn có mối quan tâm nữa: Thông điệp của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell khi điều trần trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ. Và đây được nhìn nhận một yếu tố tác động đến thị trường cộng hưởng với quan ngại biến chủng mới nói trên.
Thông điệp mới nhất, ông Jerome Powell cho rằng nguy cơ lạm phát cao hơn đã tăng lên và việc xem xét cắt giảm mua trái phiếu sớm hơn một vài tháng là phù hợp. Hướng thu hẹp nới lỏng chính sách tiền tệ trở nên gần hơn.
Còn về câu chữ, từ “tạm thời” dùng để nói về lạm phát suốt thời gian qua cũng đã không còn gần gũi với Chủ tịch Fed nữa.
Ngay lập tức có bình luận trên truyền thông quốc tế: một Fed ôn hòa hơn không hẳn đang có trên thực tế. Hay một bình luận trực tiếp hơn: Fed đã có thông điệp “diều hâu”.
Như vậy, tổng hòa hai tác động lớn cùng lúc, sự không chắc chắn và quan ngại biến thể Omicron, thông điệp từ Chủ tịch Fed một lần nữa khiến thị trường chao đảo. Diễn biến này ở bên kia bán cầu sẽ có ảnh hưởng nhất định đến thị trường chứng khoán Việt Nam mở cửa không lâu sau đó.
Lệch múi giờ, với mối liên hệ trên, nhiều nhà đầu tư chứng khoán Việt thức đêm cùng Phố Wall. Trên một diễn đàn chứng khoán khá đại chúng và có lượng thành viên hàng đầu hiện nay, trong giờ giao dịch tại Việt Nam thường có quanh 10.000 người trực tuyến, thì giữa đêm nay (giờ Việt Nam) có tới phân nửa số đó vẫn đang thức.
Không hẳn bình thông đáy, song mối liên hệ giữa diễn biến thị trường thế giới, đặc biệt tại Mỹ, có ảnh hưởng nhất định đến thị trường chứng khoán Việt Nam, nhất là trong bối cảnh hiện nay.
Tuy nhiên, có một điểm thường “may mắn” đối với tâm lý nhà đầu tư đã nhiều lần được kiểm chứng. Không xa, ngay như phiên đầu tuần này.
Đó là, do lệch múi giờ, khi thị trường Mỹ đóng cửa, một chỉ số cũng được nhà đầu tư Việt chú ý là Dow Jones Futures diễn biến theo thời gian thực với thị trường Việt Nam. Đã rất nhiều lần đêm hôm trước thị trường chứng khoán Mỹ giảm mạnh thì chỉ số tương lai ngày hôm sau (giờ Việt Nam) lại “xanh” như một yếu tố hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư.
Như trên, không hẳn “bình thông đáy”, nhất là hiện tại thị trường Mỹ còn phản ứng với “thông điệp diều hâu” mà Chủ tịch Fed vừa gợi mở, thị trường chứng khoán Việt Nam có những “quán tính nội tại” để có độc lập tương đối.
Tuy nhiên, nếu như phản ứng vừa qua với biến thể Omicron và sự chao đảo trên thị trường toàn cầu, phiên giao dịch tại Việt Nam đã thể hiện bản lĩnh hơn khi có “rút chân” lấy lại thăng bằng trong phiên cuối tuần qua, cũng như sự xuất hiện trụ đỡ nổi bật của siêu trụ VIC, thì hiện tại vẫn là ẩn số các trụ đỡ.
Trong khi đó, điểm yếu của thị trường chứng khoán Việt Nam những phiên vừa qua thể hiện rõ ở nhóm cổ phiếu Ngân hàng - nhóm có ảnh hưởng lớn đến các chỉ số.
Ngay như phiên 30/11, khi thị trường thế giới vừa có biểu hiện bất ổn, các cổ phiếu Ngân hàng chính là “tổ kiến” đầu tiên lập tức suy sụp, với mức độ tổn thương nặng hơn nhiều so với thị trường chung. Trước đó, trong phiên cuối tuần qua, đây cũng là nhóm đa số không thể phục hồi như xu hướng thị trường chung mà còn giảm mạnh hơn khi kết phiên.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu Dầu khí, đang gặp khó khăn khi “neo” theo giá dầu giảm, vẫn giữ được sắc xanh tại nhiều mã như góp thêm một điểm tựa trong phiên 30/11. Song, với cổ phiếu Dầu khí, một điểm quan trọng được chờ đợi ngay trước mắt là kết quả cuộc họp của OPEC vào ngày 02/12 này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận