Nhà đầu tư vẫn "ôm hàng" dù được phép trả lại cọc
Bên cạnh việc sẵn sàng "săn" bất động sản giá hời, nhiều nhà đầu tư còn quyết tâm "ôm hàng" dù được phép trả lại cọc và khoản lãi phát sinh do dự án đến thời hạn cam kết mua lại.
Đánh giá tổng quan về trạng thái của thị trường bất động sản quý III, báo cáo vừa công bố của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, niềm tin vào thị trường của khách hàng và nhà đầu tư ngày càng được củng cố.
Đáng chú ý, theo VARS, nhiều nhà đầu tư của một số dự án quyết tâm "ôm hàng" dù được phép trả lại cọc và khoản lãi phát sinh do dự án đến thời hạn cam kết mua lại.
Thị trường bắt đầu xuất hiện các nhóm nhà đầu tư sẵn sàng nhập cuộc "săn" bất động sản giá hời để chuẩn bị bước vào chu kỳ tăng trưởng mới trong thời gian tới.
Ngoài ra, theo báo cáo của VARS, bất động sản công nghiệp vẫn tiếp tục duy trì sự hấp dẫn khi thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thị trường ghi nhận sự quan tâm mới của một số nhà đầu tư đến từ Mỹ.
Bất động sản nghỉ dưỡng chưa có cơ hội "trở mình" do Nghị định 10/2023 của Chính phủ chưa phát huy được nhiều tác dụng. Hiện tại, mới chỉ ghi nhận động thái từ Khánh Hòa với việc ban hành quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu condotel trên đất thương mại, dịch vụ.
Giá bán sơ cấp bất động sản nghỉ dưỡng không biến động nhiều, gần như đi ngang. Sản phẩm của chủ đầu tư phải cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm cắt lỗ, giảm sâu của nhà đầu tư.
Hoạt động M&A vẫn duy trì được sự quan tâm. Một số chủ đầu tư thay vì nhu cầu chuyển nhượng toàn bộ dự án đã cố gắng theo đuổi bằng cách kêu gọi các nhà đầu tư cùng góp vốn thực hiện dự án.
Tuy nhiên, báo cáo của VARS cũng chỉ ra một số vấn đề cần lưu ý và cảnh báo. Cụ thể, thị trường chứng kiến sự xuất hiện trở lại của hình thức lừa đảo với quy mô lớn, khiến nhiều người dân mất tiền bởi các "dự án ma".
"Đây tiếp tục là hồi chuông cảnh tỉnh với các "nhà đầu tư" tay ngang, thiếu thông tin và hiểu biết về thị trường bất động sản. Đồng thời cũng cho thấy tính cấp thiết phải tăng cường các biện pháp quản lý, giám sát, quy trách nhiệm với tất cả đối tượng tham gia các giao dịch liên quan đến sản phẩm bất động sản", báo cáo VARS nêu.
Ngoài ra, VARS cũng chỉ ra, bên cạnh các dự án "đứng hình" do khó khăn trong việc "xác định tiền sử dụng đất". Các dự án đã trúng thầu tại nhiều địa phương cũng đứng trước nguy cơ "đắp chiếu" do trúng thầu với giá cao.
Chủ đầu tư đối mặt với kịch bản "không làm cũng chết mà làm cũng chết". Nếu không có biện pháp hỗ trợ kịp thời, sẽ gây ra các "tổn thương mới" trên cơ sở "vết thương cũ" chưa lành hẳn.
Theo ông Trần Văn Bình - Phó chủ tịch VARS - cùng với các nút thắt về pháp lý, nguồn vốn, thì "niềm tin của khách hàng, nhà đầu tư" chính là "chốt chặn cuối cùng" cần giải tỏa để thị trường bất động sản thực sự trở về "trạng thái bình thường".
Cũng theo ông Bình nhận định, thị trường bất động sản quý IV sẽ là bước đệm cho sự chuyển mình vào năm 2024. Bức tranh toàn cảnh thị trường chắc chắn sẽ có thêm nhiều điểm sáng mới. Đặc biệt là những khu vực đang còn nhiều dư địa phát triển, có quy hoạch đồng bộ, hiện đại, hạ tầng được quan tâm, chú trọng đầu tư, mặt bằng giá chưa cao.
Cùng nhận định trên, bà Nguyễn Hoài An - Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam Chi nhánh Hà Nội - cho biết, thị trường nhà ở Hà Nội đã bắt đầu có những chuyển biến tích cực hơn trong quý II năm nay nhờ các yếu tố mặt bằng lãi suất giảm và các chính sách bán hàng linh hoạt từ các chủ đầu tư.
Lượng nguồn cung mới, dù còn ở mức hạn chế, dự kiến sẽ có sự cải thiện trong quý IV, và nhiều khả năng sẽ ghi nhận khả năng thanh khoản tốt hơn với sự hỗ trợ của mặt bằng lãi suất cũng như tâm lý mua nhà thường tích cực hơn vào thời điểm cuối năm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận