24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Trịnh Vũ Tường
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Nhà đầu tư và ngân hàng cùng 'ngóng' thị trường mua bán nợ

Hiện nay, nhiều nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến các món nợ xấu là bất động sản tại ngân hàng. Tuy nhiên, do thiếu hành lang pháp lý và những rào cản về quy trình khiến bên mua và bên bán chưa “gặp

Theo các chuyên gia, nhu cầu bán nợ xấu của các ngân hàng rất lớn, nhiều nhà đầu tư đang đợi hình thành thị trường mua bán nợ để thực hiện giao dịch. Tuy nhiên, nếu đợi đủ hành lang pháp lý mới vận hành sàn giao dịch mua bán nợ thì sẽ phải chờ khá lâu, trong khi số lượng nợ xấu cần phải xử lý đang có xu hướng tăng.

Thiếu chất xúc tác

Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) có hiệu lực từ 15/8/2017 đã đưa ra quy định cho phép Công ty Quản lý tài sản của các TCTDViệt Nam (VAMC)và các tổ chức tín dụng mua bán nợ theo giá thị trường.Tuy nhiên, do quy định còn chung chung nên chưa thể tạo chất xúc tác giúp thị trường mua bán nợ sớm vận hành.

VAMC cho biết, mặc dù nguồn cung về nợ xấu khá lớn, nhưng số lượng công ty chuyên về mua bán nợ xấu lại không nhiều, mới chỉ có VAMC, Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC), các công ty mua bán nợ của các TCTD.

Thế nhưng từ đó đến nay hầu như không có giao dịch mua bán nợ giữa các ngân hàng thương mại, chủ yếu là VAMC mua lại nợ xấu của các ngân hàng. Điều này có thể hiểu là mua bán nợ giữa các ngân hàng không hiệu quả.

Hơn nữa, nếu thực hiện cơ chế này về bản chất không xử lý được tận gốc vấn đề nợ xấu, nợ xấu chỉ chuyển từ ngân hàng này sang ngân hàng khác. Trong khi đó, nợ xấu bán cho VAMC cũng chỉ là hình thức làm đẹp bảng cân đối cho các ngân hàng. Và sau một thời gian, ngân hàng phải mua lại nợ xấu đã bán cho VAMC để mang về xử lý.

Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh bên lề Diễn đàn M&A năm 2020, bà Nguyễn Thị Vân Khanh, Giám đốc cấp cao Thị trường vốn Việt Nam, Công ty Jones Lang LaSalle Vietnam (JLL) cho biết, hiện nay nhiều nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến các món nợ xấu là bất động sản tại ngân hàng. Tuy nhiên, do thiếu hành lang pháp lý và những rào cản về quy trình khiến bên mua và bên bán chưa “gặp" được nhau.

Trong khi đó, phó tổng giám đốc phụ trách xử lý nợ của một ngân hàng thương mại cổ phần cũng cho hay, thời gian qua, các ngân hàng rao bán rất nhiều khoản nợ xấu và tài sản đảm bảo đi kèm khá đa dạng từ bất động sản đến nhà xưởng, máy móc, thiết bị, thậm chí cả trang trại lợn, đàn lợn giống… Nhưng do chưa có sàn giao dịch mua bán nợ nên việc mua bán vẫn khá ế ẩm, nhiều tài sản rao bán hàng chục lần vẫn chưa tìm được người mua.

Vì vậy, để giải quyết dứt điểm nợ xấu, vai trò của thị trường mua bán nợ xấu là vô cùng quan trọng. Bởi ở đó, người mua, người bán sẽ được cung cấp thông tin công khai minh bạch, nhất là tính pháp lý được đảm bảo giúp thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước mạnh dạn cùng tham gia.

Bao giờ có Sàn giao dịch nợ?

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Quyết định Phê duyệt Chiến lược phát triển của VAMC đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, yêu cầu VAMC phải hoàn thiện việc thành lập, đưa vào vận hành Sàn giao dịch nợ trước năm 2026.

Để hiện thực hóa thị trường mua bán nợ xấu, TS. Đoàn Văn Thắng, Tổng giám đốc VAMC cho biết, VAMC đã trình NHNN Đề án thành lập Sàn giao dịch nợ, về cơ bản các nội dung trong Đề án đã được cơ quan quản lý chấp thuận nên Sàn cũng sẽ sớm được vận hành, tạo môi trường mua bán nợ xấu minh bạch để các nhà đầu tư giao dịch.

“Hoạt động của Sàn giao dịch nợ VAMC sẽ kích thích nhu cầu mua bán nợ của các chủ thể. Qua đó tạo lập và kích thích thị trường mua bán nợ xấu nói riêng, thị trường mua bán nợ nói chung phát triển”, lãnh đạo VAMC kỳ vọng.

Tuy nhiên, hiện tại khung pháp lý cho thị trường này tuy đã có, nhưng vẫn còn sơ khai. Để vận hành thị trường mua bán nợ, các chuyên gia cho rằng cần có sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành nhằm có một hành lang pháp lý cụ thể để thị trường hoạt động.

Chẳng hạn, muốn bán được khoản nợ xấu đưa lên thị trường giao dịch thì khoản nợ phải được chứng khoán hóa. Muốn vậy thì Luật Chứng khoán phải cho phép…

Một số chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh thành lập thị trường mua bán nợ càng trở nên cấp thiết thì việc xây dựng hành lang pháp lý cụ thể cho thị trường này vẫn cần phải có lộ trình. Và không loại trừ khả năng có thể muộn nhất 6 năm nữa, Sàn giao dịch nợ mới đi vào hoạt động.

Nếu điều này xảy ra sẽ là rủi ro cho các ngân hàng và nền kinh tế Việt Nam. Bởi hiện nay, nợ xấu cũ vẫn còn tồn đọng nhiều do tình trạng rao bán tài sản đảm bảo của các ngân hàng khá “ế ẩm”, trong khi nợ xấu mới ngày càng tăng lên do tác động của đại dịch Covid-19.

Trước tình thế cấp bách, ông Thắng cho biết, VAMC tiên phong đi trước thành lập Sàn giao dịch nợ xấu, tạo môi trường để các thành viên tham gia trao đổi hàng hóa. Trong quá trình triển khai, VAMC tiếp tục xây dựng quy trình, quy chế, đề xuất “luật chơi”... để Sàn giao dịch vận hành quy củ, bài bản, đạt hiệu quả, quan trọng nhất là xử lý nhanh, dứt điểm các khoản nợ xấu.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả