Nhà đầu tư toàn cầu đánh cược với trái phiếu châu Á
Nhà đầu tư toàn cầu đổ xô vào trái phiếu châu Á bằng đồng nội tệ và đô xanh trong những tuần gần đây. Bởi họ tin rằng đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên của Quỹ Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong bốn năm qua sẽ kích hoạt làn sóng cắt giảm lãi suất của ngân hàng trung ương các nước trong khu vực. Đồng thời các doanh nghiệp sở tại tăng cường phát hành trái phiếu.
Sẵn sàng chấp nhận rủi ro lớn tỷ suất cao
Lei Zhu, người đứng đầu bộ phận thu nhập cố định châu Á tại hãng quản lý đầu tư Fidelity International, nói rằng tiền đã chảy ngược trở lại châu Á trong những ngày qua, đặc biệt là thu nhập cố định, cả bằng ngoại tệ lẫn nội tệ.
Nhưng khi các nhà đầu tư toàn cầu quay trở lại châu Á, họ nhận thấy nguồn cung trái phiếu doanh nghiệp bằng đô xanh khá hạn chế. Xu hướng này đã kéo dài nhiều năm nay do đồng đô la tiếp tục duy trì sức mạnh trong khi các đồng tiền châu Á mất giá. Điều này buộc các công ty châu Á phải vay bằng đồng nội tệ.
Chính Fed đã khơi mào cho xu hướng đó từ tháng 3-2022, khi người Mỹ muốn sử dụng lãi suất cao hơn như một vũ khí chống lạm phát.
Vì vậy, những người muốn vay bằng đồng đô la ở châu Á đã sẵn sàng hành động khi Fed bắt đầu phát tín hiệu vào mùa hè này rằng sẽ cắt giảm lãi suất. Nhiều nhà phát hành ở Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia bắt đầu tận dụng những điều kiện thuận lợi vừa xuất hiện. 16 tổ chức phát hành đã tiếp cận thị trường trái phiếu sơ cấp quốc tế bằng đô la Mỹ ở châu Á, theo báo cáo của Citibank công bố hôm 9-9. Trong tuần lễ trước đó từ 2 đến 8-9, có 23 giao dịch huy động được hơn 15 tỉ đô la, nhiều hơn bất cứ tuần nào trong thời gian từ đầu năm 2024 đến nay.
Billy Kewley, nhà giao dịch tín dụng thị trường mới nổi và phó chủ tịch tại StoneX, cho rằng nhà đầu tư “có động thái sẵn sàng chấp nhận rủi ro lớn hơn nhưng sẽ được lợi suất cao hơn” sau đợt Fed cắt giảm lãi suất hôm 19-9.
Ông chủ yếu tập trung vào trái phiếu bằng đồng đô la Mỹ trước khi Fed rục rịch có động thái. Kewley giải thích rằng các nhà đầu tư thoải mái hơn khi chấp nhận rủi ro với các công cụ nợ có thời hạn dài hơn, thúc đẩy nhu cầu đối với trái phiếu bằng đô la Úc.
Dòng vốn nước ngoài đổ vào các thị trường trái phiếu châu Á, ngoại trừ Trung Quốc, đã tăng lên 12,82 tỉ đô la trong tháng 8, theo ngân hàng Nomura vốn theo dõi dữ liệu thị trường trái phiếu châu Á kể từ năm 2009. So với dòng vốn đổ vào tăng đột biến trước đây, tiền nước ngoài đang chảy vào nhiều khoản nợ châu Á hơn. Dòng vốn chảy vào trái phiếu Hàn Quốc dẫn đầu xu hướng, trong khi các khoản đầu tư lớn đang đổ vào trái phiếu Indonesia và Ấn Độ.
Trong suốt tháng 9, các nhà đầu tư nước ngoài đã bắt đầu tăng tốc độ đổ tiền vào trái phiếu Ấn Độ, và sau đó nhanh chóng bổ sung thêm trái phiếu Indonesia và Thái Lan từ sau hôm 18-9, theo ghi nhận của Nomura công bố một tuần sau đó.
Khẩu vị nhà đầu tư với từng loại trái phiếu
Nhà đầu tư có vẻ "mặn mà" với trái phiếu doanh nghiệp bằng đô la và trái phiếu chính phủ bằng nội tệ.
Một số nhà đầu tư tin rằng do Fed cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản vào giữa tháng 9, dòng tiền đổ về châu Á có thể xô đổ nhiều kỷ lục trước đó và xu hướng này có thể gia tăng cường độ.
Sự thay đổi của Fed cũng giúp các ngân hàng trung ương châu Á có cơ hội cắt giảm lãi suất mà không phải lo lắng về việc đồng tiền của họ mất giá - một động lực thúc đẩy các nhà đầu tư mua trái phiếu bằng đồng nội tệ. Trong khi đó, các nhà đầu tư trái phiếu bằng đồng đô la đang săn lùng các tập đoàn châu Á chất lượng cao sẽ sẵn sàng vay vốn hơn.
Tuy vậy, hiện có người lo rằng tình hình chính trị nước Mỹ giai đoạn trước và sau bầu cử có thể gây ảnh hưởng lên thị trường trái phiếu bằng đồng đô la của châu Á. Rong Ren Goh, nhà quản lý danh mục đầu tư thu nhập cố định tại Eastspring Investments, cho rằng kết quả cuộc bầu cử tổng thống vào tháng tới có thể gây ra biến động lãi suất. “Điều này vượt lên trên những lo ngại hiện nay về tình trạng thâm hụt tài chính triền miên của Mỹ”.
Thị trường trái phiếu bằng đồng đô la của châu Á đang suy giảm kể từ khi thị trường bất động sản Trung Quốc rơi vào khủng hoảng vào năm 2021, làm suy giảm nguồn cung trái phiếu lãi suất cao. Ngược lại, thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ của châu Á lại tăng trưởng với tốc độ trung bình từ 5-10% mỗi năm, Chu của hãng Fidelity International nói.
Trái phiếu chính phủ rất phổ biến đối với các nhà đầu tư trái phiếu bằng đồng nội tệ châu Á. Điều này đặc biệt đúng ở những quốc gia đã bắt đầu cắt giảm lãi suất. Ngân hàng trung ương Indonesia đã cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản, xuống còn 6%, một ngày trước khi Fed hành động. Đồng rupiah, hồi tháng 6 đã giảm xuống mức thấp nhất trong bốn năm so với đồng đô la, đã tăng trở lại kể từ giữa tháng trước.
Marie Tsang, chiến lược gia tại các quỹ giao dịch trao đổi thu nhập cố định châu Á - Thái Bình Dương của State Street Global Advisors cho biết, các nhà đầu tư hiện có “niềm tin mạnh mẽ nhất” vào trái phiếu chính phủ châu Á – ngoại trừ trái phiếu Nhật Bản – khi xem xét rủi ro thu nhập cố định toàn cầu.
Goh của Eastspring Investments cho rằng, các nhà đầu tư đang tìm kiếm nhiều lợi nhuận tiềm năng hơn từ việc đầu tư vào trái phiếu chính phủ do các quốc gia như Ấn Độ và Indonesia phát hành. Tại những nơi này, ngân hàng trung ương có thể có nhiều dư địa hơn để cắt giảm lãi suất song song với Fed.
Một lưu ý là nhà đầu tư nước ngoài phải nộp thuế khấu trừ 20% khi đầu tư vào trái phiếu Indonesia và Ấn Độ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận