menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Khả Ngân

Nhà đầu tư thức tỉnh trước nguy cơ chiến tranh lạnh Mỹ - Trung

Giới đầu tư đang ngày càng lo sợ cuộc xung đột thương mại Mỹ-Trung sẽ nhanh chóng biến thành một cuộc chiến tranh lạnh mới với mặt trận tiền tuyến là các công ty công nghệ hàng đầu của hai nước.

Chỉ trong vòng một tháng, thị trường chứng khoán Mỹ đã chuyển trạng thái nhanh chóng từ chỗ ít lo lắng về tác động của các căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đối với các công ty công nghệ Mỹ sang nỗi sợ hãi dâng cao về các tác động đó.

Giá các cổ phiếu ngành bán dẫn như Nvidia, Qualcomm và Intel đã giảm sâu từ các đỉnh giá cao của thời kỳ hậu bong bóng dot-com (bong bóng cổ phiếu ngành công nghệ) năm 2000, trong khi đó cổ phiếu của các công ty công nghệ Mỹ phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc cũng bị nhấn chìm trong sắc đỏ.

Các diễn biến đó phần lớn liên quan đến đổ vỡ gần đây của cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung và một lệnh cấm gây bất ngờ của Bộ Thương mại Mỹ, trong đó cấm các công ty Mỹ bán công nghệ và linh kiện cho hãng thiết bị viễn thông và smartphone Huawei (Trung Quốc) khi chưa có giấy phép.

Sự chuyển trạng thái của thị trường chứng khoán Mỹ cho thấy cảm nhận ngày càng dâng cao của giới đầu tư cho rằng một cuộc xung đột thương mại Mỹ-Trung kéo dài có thể vượt ra ngoài các đòn áp thuế nhằm vào hàng hóa của nhau để thúc ép một tái thiết mới của ngành công nghệ toàn cầu, được phân chia theo hai cực ảnh hưởng là Mỹ và Trung Quốc.

Ở thời điểm hiện tại, thị trường không tin quan điểm cho rằng, thế giới sẽ đối mặt nguy cơ trở lại một cuộc chiến tranh lạnh có thể hủy hoại toàn bộ hoạt động thương mại của Mỹ với Trung Quốc như từng đã xảy ra giữa Mỹ và Liên Xô.

Song đối với các nhà nghiên cứu chính sách ngoại giao, họ hầu như chẳng ngạc nhiên với nhận định cho rằng các xung đột Mỹ-Trung vượt ra bên ngoài vấn đề mức thâm hụt thương mại khổng lồ của Mỹ với Trung Quốc.

Cách đây một thập kỷ, Giáo sư Graham Allison ở Đại học Harvard từng ví mối rủi ro xung đột giữa Mỹ với một Trung Quốc đang trỗi dậy như là “bẫy Thucydides”, một thuật ngữ đề cập đến một tác phẩm nghiên cứu chiến tranh của nhà sử gia Hy Lạp, Thucydides, vào thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên, trong đó, lập luận rằng xung đột giữa một cường quốc đang trỗi dậy và một siêu cường số một hiện tại là điều gần như không thể tránh khỏi.

Tuy nhiên, mãi cho đến gần đây, thị trường chứng khoán Mỹ dường như phớt lờ nguy cơ một cuộc đối đầu dai dẳng giữa Mỹ và Trung Quốc để giành ngôi vị cường quốc thống lĩnh toàn cầu. Các cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Mỹ vẫn tăng nhanh cho đến giữa tháng 4 khi các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung có dấu hiệu đạt được nhiều tiến triển. Giá cổ phiếu của các công ty Mỹ có các hoạt động sản xuất, kinh doanh ở Trung Quốc tăng nhanh hơn so với thị trường nói chung.

Chẳng hạn, hôm 3-5, giá cổ phiếu Qualcomm tăng vượt mức cao kỷ lục của kỷ nguyên dot-com, trước khi lao dốc 24% trong ba tuần sau đó. Hồi tháng 4, giá cổ phiếu Intel cũng đạt mức cao nhất kể từ năm 2000 và cũng đã giảm 24% sau đó.

Các cú sụt giảm mạnh này dường như lặp lại một mẫu hình "tâm lý" quá phổ biến trên thị trường chứng khoán trước các rủi ro địa chính trị, đó là phớt lờ chúng rồi sau đó hoảng sợ.

Có lẽ thị trường chỉ mới bắt đầu nhận ra rằng các hậu quả sẽ nghiêm trọng đến mức nào nếu Trung Quốc và Mỹ lao vào một cuộc chiến tranh mới.

Nguy cơ một cuộc chiến tranh lạnh mới giữa Mỹ và Trung Quốc đang đến gần. Ảnh: oneroadresearch.com

“Cho đến nay, tâm lý chung của giới đầu tư là hy vọng Mỹ và Trung Quốc sẽ đạt một thỏa thuận thương mại. Các mối lo ngại của họ tập trung vào cuộc xung đột công nghệ Mỹ-Trung và phải mất nhiều thời gian để mọi người có thể đánh giá được các hệ lụy của cuộc xung đột này”, Isabelle Mateos y Lago, một giám đốc chiến lược ở tập đoàn quản lý đầu tư toàn cầu BlackRock, nói.

Các hệ lụy này có thể rất nghiêm trọng đối với các công ty công nghệ Mỹ đang gia công sản phẩm tại Trung Quốc hoặc đang bán sản phẩm sang Trung Quốc. Họ sẽ phải tốn kém rất lớn để tìm kiếm, đào tạo và cung cấp tài chính cho các nhà cung cấp mới ở nước khác và các gián đoạn chuỗi cung ứng trong ngắn hạn, điều này có thể khiến họ không thể giao hàng kịp thời cho các nhà bán lẻ.

Cuộc xung đột công nghệ Mỹ-Trung cũng có thể khiến các nhà sản xuất công nghệ cao của Mỹ bị “cấm cửa” tại thị trường khổng lồ của Trung Quốc.

Mặt khác, các công ty công nghệ Mỹ ít phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc chịu tác động nhẹ hơn trong cuộc đối đầu này. Đó là lý do trong thời gian qua, các cổ phiếu Amazon, Facebook, Netflix và Twitter bị bán tháo “nhẹ nhàng” hơn so với cổ phiếu của hãng công nghệ Apple, vốn đang gia công phần lớn sản phẩm tại Trung Quốc.

Mateos y Lago cho rằng tác động của cuộc chiến tranh lạnh mới sẽ hạn chế hơn nhiều so với cuộc chiến tranh lạnh Mỹ - Liên Xô và chủ yếu ảnh hưởng đến các công ty công nghệ vì liên quan đến các rủi ro gián điệp và quân sự.

Bà nói: “Có những hệ lụy an ninh xảy ra ở ngành công nghệ nhưng không hiện diện ở ngành công nghiệp giày dép”.

Song một cuộc chiến tranh lạnh hạn chế như vậy vẫn chưa phản ánh đầy đủ ở thị trường chứng khoán.

Dù giá cổ phiếu ngành bán dẫn trong chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ đã giảm 19,8% kể từ khi thiết lập đỉnh vào ngày 24-4, mạnh hơn nhiều so với mức giảm 4,2% của chỉ số S&P 500 trong cùng thời gian song vẫn cao hơn 6,5% so với đầu năm.

Ben Inker, Giám đốc bộ phận phân bổ tài sản của công ty nghiên cứu đầu tư Grantham Mayo Van Otterloo & Co., cho biết có ít dấu hiệu cho thấy giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Mỹ phản ánh một cuộc chiến tranh lạnh mới kéo dài trên mặt trận công nghệ giữa Trung Quốc và Mỹ.

Cho đến nay, vẫn chưa rõ các hành động quyết liệt của Mỹ chống lại ngành công nghệ của Trung Quốc có giành được sự ủng hộ của cử tri Mỹ hay không, đặc biệt là khi điều này có thể dẫn đến các động thái trả đũa từ Bắc Kinh nhằm vào các hãng công nghệ Mỹ và sẽ làm tăng giá điện thoại iPhone.

Ben Inker cũng nhận định rằng rất khó để dự báo Tổng thống Trump sẽ làm điều gì tiếp theo. Ông nói: “Đây có thể chỉ là một kiểu chiến thuật cứng rắn trong đàm phán và sẽ biến mất chỉ với một cú bắt tay nhưng cũng có thể không phải như vậy”.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả