Nhà đầu tư săn mua cổ phiếu nhóm Công ty Chứng khoán tăng vốn
Chưa bao giờ thị trường chứng kiến giá cổ phiếu của nhóm tài chính, đặc biệt là chứng khoán và ngân hàng nhảy vọt như những phiên giao dịch vừa qua.
Cổ phiếu Chứng khoán đồng loạt tăng trần
Sự thăng hoa của nhóm cổ phiếu chứng khoán, ngân hàng đã kéo theo cơn khát của nhà đầu tư với nhóm cổ phiếu này. Dù cổ phiếu trên thị trường đang ở mặt bằng giá mới cao hơn rất nhiều so với trước đây nhưng dòng tiền chưa có dấu hiệu rời bỏ. Nhà đầu tư tiếp tục đổ tiền thêm. Theo các chuyên gia, dòng tiền tiếp tục đẩy mạnh vào nhóm cổ phiếu ngân hàng và mới chuyển dịch thêm vào nhóm cổ phiếu chứng khoán, đã kéo theo hàng loạt cổ phiếu nhóm này tăng trần.
Cụ thể, một loạt các mã cổ phiếu chứng khoán vừa và nhỏ cán mức giá mới trong phiên giao dịch 31/5: BSI - Công ty Chứng khoán Ngân hàng BIDV tăng trần cán mốc 20.000 đồng/cổ phiếu; Cổ phiếu CTS - Công ty CK Ngân hàng VietinBank tăng trần 19.000 đồng/cp; Cổ phiếu AGR - Công ty Chứng khoán Ngân hàng Nông Nghiệp tăng trần lên 12.700 đồng/cổ phiếu; TVB - Công ty CK Trí Việt cũng cán mốc 16.000 đồng/cổ phiếu…
Ở nhóm Công ty Chứng khoán lớn, nhiều mã cổ phiếu tiếp tục thiết lập đỉnh mới: SSI của Công ty Chứng khoán SSI lên tới 44.400 đồng/cổ phiếu; VND - Công ty Chứng khoán VNDirect được trả giá 49.700 đồng/cổ phiếu; Cổ phiếu SHS - Công ty Chứng khoán Sài Gòn thiết lập 38.000 đồng/cp… Điều này đã cho thấy sức hút dòng tiền cực mạnh của nhóm cổ phiếu Công ty Chứng khoán.
Ông Nguyễn Trọng Hưng, nhà đầu tư sàn SSI cho biết, sở dĩ cổ phiếu nhóm này được dòng tiền ngày càng ưu ái do 2021 đang có nhiều yếu tố thuận lợi để các công ty chứng khoán tăng vốn.
Tăng vốn chạy đua đáp ứng nhu cầu nhà đầu tư
Theo thống kê của Fiin Pro, tính đến hiện tại có 14 công ty chứng khoán từ qui mô vừa và nhỏ đã thông báo kế hoạch chào bán 1,25 tỉ cổ phiếu để huy động vốn, bao gồm phát hành riêng lẻ và chào bán cho cổ đông hiện hữu. Tổng giá trị số vốn thu được ước tính hơn 10.000 tỉ đồng.
Mới đây tại ĐHĐCĐ 2021, SSI đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ công ty từ 6.459 tỉ đồng lên 11.000 tỉ đồng. Đây là kế hoạch tăng vốn điều lệ lớn nhất của công ty. Trong đó, SSI dự kiến chia cổ phiếu thưởng với khối lượng 219,1 triệu cổ phiếu; Chào bán cho cổ đông hiện hữu là 109,55 cổ phiếu; Chào bán cho nhân viên tối đa 10 triệu cổ phiếu và sẽ chào bán riêng lẻ 104 triệu cổ phiếu. Tổng số tiền thu được từ đợt phát hành cổ phiếu sẽ bổ sung nguồn vốn cho hoạt động cho vay giao dịch ký quỹ. Điểm đặc biệt, nếu SSI tăng vốn thành công lên hơn 11.000 tỉ đồng, công ty này đã vượt mặt hơn 10 ngân hàng về quy mô hiện nay như LienVietPostBank, Tienphong Bank, ABBank, OCB.
Công ty CP Chứng khoán Bản Việt (VCI) tăng vốn và sẽ phát hành 166,5 triệu cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu từ nguồn vốn chủ sở hữu tỷ lệ thực hiện là 1:1. Theo đó, vốn điều lệ dự kiến của VCI sẽ tăng gấp đôi từ mức 1.665 tỉ đồng hiện nay lên 3.330 tỉ đồng.
Công ty chứng khoán VNDirect - VND công bố phát hành hơn 214,4 triệu cổ phiếu để chào bán cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:1 nhằm tăng vốn điều lệ lên gấp đôi. Như vậy nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của VNDirect cũng sẽ tăng gấp đôi hiện nay, lên khoảng 4.400 tỉ đồng. Tiếp đó, Công ty CP chứng khoán TP.HCM (HCM) với kế hoạch sẽ phát hành 152,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn thêm 50% so với hiện nay. Số tiền thu về sau phát hành dự kiến là 2.135 tỉ đồng, nâng vốn điều lệ lên hơn 4.500 tỉ đồng… Đó là chưa kể tới hàng loạt các Công ty Chứng khoán lớn nhỏ khác cũng đua nhau tăng vốn.
Theo ông Dương Văn Chung- Giám đốc bộ phận môi giới Công ty CK MSB, việc các Công ty Chứng khoán tăng vốn là nhằm để đáp ứng nhu cầu vay margin bùng nổ của khách hàng. Số liệu cuối năm 2020 cho biết, dư nợ cho vay (chủ yếu là cho vay margin) trên toàn thị trường vào khoảng 90.000 tỷ đồng và là con số kỷ lục trên TTCK Việt Nam từ khi thành lập tới nay. Trong quý 1/2021, giao dịch trên toàn thị trường tiếp tục lập kỷ lục mới với hàng loạt phiên thanh khoản 20.000 tỷ đồng trên 3 sàn, đã dẫn tới tình trạng liên tục "nghẽn lệnh", ngầm ẩn một lượng lớn margin tiếp tục được các nhà đầu tư sử dụng để tăng thanh khoản.
Theo đánh giá chung, kế hoạch tăng vốn của các Công ty Chứng khoán trong năm 2021 cũng còn vì nhiều mục đích khác nhưng cơ bản vẫn vì đáp ứng nhu cầu vay. Hiện tại thị trường đã bước sang tháng 6 và sự bùng nổ nhu cầu sử dụng margin trên toàn thị trường tăng vọt còn khiến không ít các Công ty CK rơi vào tình trạng không thu xếp được nguồn vay…Do vậy việc tăng vốn sẽ giúp các Công ty CK có năng lực cạnh tranh đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư. Qua đó, hứa hẹn một năm bội thu từ doanh thu phí môi giới, cho vay và đầu tư tự doanh trong thị trường sôi động của các công ty chứng khoán. Và đây cũng là nguyên nhân khiến cổ phiếu ngành tạo lập thị trường hút mạnh dòng tiền.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận