Nhà đầu tư nước ngoài mua mạnh trái phiếu châu Á sau khi Mỹ hạ lãi suất
Những tuần gần đây, giới đầu tư toàn cầu đổ xô vào trái phiếu châu Á với kỳ vọng rằng động thái hạ lãi suất gần đây của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ kéo theo động thái tương tự của các ngân hàng trung ương trong khu vực và thúc đẩy doanh nghiệp tại đây phát hành trái phiếu.
DÒNG TIỀN TRỞ LẠI THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU CHÂU Á
“Trong vài ngày qua, chúng tôi đặc biệt ghi nhận dòng tiền trở lại châu Á, đầu tư vào trái phiếu phát hành bằng cả ngoại tệ và nội tệ của các nước”, ông Lei Zhu, giám đốc phụ trách tài sản cố định châu Á tại Fidelity International cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Nikkei Asia vào cuối tháng 9.
Kể từ khi Fed bắt đầu tăng lãi suất mạnh để chống lạm phát vào tháng 3/2022, đồng USD mạnh lên và đồng nội tệ châu Á giảm giá, khiến nguồn cung trái phiếu doanh nghiệp có xếp hạng tín nhiệm cao bằng đồng USD tại châu Á tương đối hạn chế. Điều này buộc các công ty châu Á phải phát hành trái phiếu bằng đồng nội tệ.
Tuy nhiên, khi ngân hàng trung ương Mỹ phát tín hiệu sẽ hạ lãi suất vào mùa hè này, các doanh nghiệp châu Á đã bắt đầu rục rịch chuẩn bị vay nợ bằng USD.
Theo thống kê của ngân hàng Citibank, trong tuần đầu nhiên của tháng 9, khoảng 16 doanh nghiệp châu Á đã tiếp cận thị trường trái phiếu sơ cấp quốc tế bằng các cuộc phát hành trái phiếu USD. Trong khoảng thời gian đó, đã có 23 giao dịch huy động được hơn 15 tỷ USD – mức cao nhất trong một tuần kể từ đầu năm 2024. Điều này phản ánh việc các doanh nghiệp Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines, Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia bắt đầu tận dụng môi trường thuận lợi với kỳ vọng Fed bắt đầu chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ.
Và khi Fed chính thức bắt đầu chu kỳ nới lỏng tiền tệ với quyết định hạ lãi suất hôm ngày 18/9, thị trường trái phiếu châu Á ghi nhận những động thái đặt cược lớn của các nhà đầu tư quốc tế.
“Dòng tiền đổ mạnh vào các tài sản rủi ro cao và lợi nhuận cao”, ông Billy Kewley, phó chủ tịch tại StoneX, nhận xét.
Theo ông Kewley, các nhà đầu tư chủ yếu tập trung vào trái phiếu niêm yết bằng USD bởi động thái hạ lãi suất của Fed khiến họ cảm thấy thoải mái hơn trong việc lựa chọn các tài sản rủi ro có kỳ hạn dài hơn.
Theo ngân hàng Nomura, dòng tiền ngoại chảy vào thị trường trái phiếu châu Á, không bao gồm Trung Quốc, đã tăng vọt lên 12,82 tỷ USD trong tháng 8. Trong đó, tăng mạnh nhất là dòng tiền đổ vào trái phiếu doanh nghiệp Hàn Quốc, trong khi trái phiếu Indonesia và Ấn Độ ghi nhận các khoản đầu tư quy mô lớn nhất.
Trong tháng 9, các nhà đầu tư quốc tế đã đều đặn tăng vị thế với trái phiếu Ấn Độ và từ ngày 18/9 bắt đầu mua vào mạnh trái phiếu Indonesia, Thái Lan – theo nhóm nhà phân tích dẫn đầu là Clair Gao của Nomura.
Nhiều nhà đầu tư tin rằng sau quyết định hạ lãi suất 0,5 điểm phần trăm của Fed, dòng tiền chảy vào trái phiếu doanh nghiệp châu Á có thể lập kỷ lục và xu hướng này sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới.
CÚ HUÝCH CHO TRÁI PHIẾU NỘI TỆ CHÂU Á
Tuy nhiên, thị trường đang xuất hiện lo ngại rằng tình hình chính trị ở Mỹ có thể ảnh hưởng tiêu tực tới thị trường trái phiếu USD của châu Á.
“Kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng tới có thể gây biến động tỷ giá mạnh. Đây là mối lo ngại hàng đầu, bên cạnh mối lo về tính bền vững của thâm hụt tài khóa Mỹ”, ông Rong Ren Goh, quản lý danh mục thu nhập cố định tại Eastspring Investments, nhận xét.
Theo các nhà phân tích, việc Fed bắt đầu chu kỳ hạ lãi suất mở đường để các ngân hàng trung ương châu Á cũng bắt đầu hạ lãi suất mà không phải lo đồng nội tệ mất giá. Đây cũng được xem là một cú huých cho trái phiếu niêm yết bằng các đồng nội tệ châu Á. Với trái phiếu bằng USD, nhà đầu tư đang săn đón các doanh nghiệp chất lượng cao.
Theo ông Zhu của Fidelity, dù thị trường trái phiếu USD châu Á có xu hướng giảm kể từ khi khủng hoảng bất động sản Trung Quốc xảy ra vào năm 2021, làm giảm nguồn cung trái phiếu lợi suất cao, thị trường trái phiếu bằng nội tệ châu Á ghi nhận tăng trưởng bình quân 5-10%/năm.
Trái phiếu chính phủ là tài sản được ưa thích với các nhà đầu tư trái phiếu nội tệ châu Á, đặc biệt trong bối cảnh ngân hàng trung ương của nhiều nước đã bắt đầu hạ lãi suất. Ngân hàng Trung ương Indonesia (BI) đã hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm xuống còn 6% hôm 18/9, một ngày trước động thái tương tự của Fed. Từ đó đến nay, đồng nội tệ rupiah của nước này đã tăng giá trở lại, đánh dấu sự đảo chiều sau khi giảm xuống mức thấp nhất 4 năm so với USD hồi tháng 6.
“Các nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội kiếm lời tốt hơn với việc đầu tư vào trái phiếu chính phủ của cá quốc gia như Ấn Độ và Indonesia, nơi các ngân hàng trung ương có nhiều dư địa để hạ lãi suất hơn”, ông Goh của Eastspring, hận định. Eastspring hiện đang điều hành 2 trong số 10 quỹ trái phiếu lớn nhất châu Á tính theo tài sản tới ngày 20/9.
Với thị trường trái phiếu Trung Quốc, đa số nhà đầu tư nhận định lợi suất trái phiếu chính phủ Trung Quốc kỳ hạn dài sẽ giảm trong bối cảnh Bắc Kinh vẫn đang chật vật tìm cách phục hồi nền kinh tế dù các gói kích thích kinh tế gần đây đã đẩy giá cổ phiếu tăng mạnh.
Theo ông Noah Wise, quản lý danh mục thu nhập cố định tại Allspring Global Investments, công ty này đã giảm tỷ trọng đầu tư vào thị trường trái phiếu Trung Quốc trong vài năm qua.
“Dù thị trường cổ phiếu Trung Quốc tăng điểm mạnh những phiên gần đây, các chương trình kích thích sẽ không thay đổi được quỹ đạo của nền kinh tế. Thị trường mới nổi châu Á được các nhà đầu tư ưa chuộng giờ đây là Indonesia”, ông Wise cho biết.
Tuy nhiên, ông Benjamin Bennett, giám đốc chiến lược đầu tư châu Á tại Legal & General Investment Management, có quan điểm khác.
“Trung Quốc là một cơ hội rất thú vị nếu chúng ta cho rằng nước này đang trên lộ trình giống với Nhật Bản”, ông Bennett nhận xét. “Nếu Trung Quốc rơi vào ‘bẫy giảm phát’ giống Nhật Bản vài thập kỷ trước, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) sẽ phải duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng với lãi suất thấp. Và lãi suất có thể duy trì ở mức thấp trong thời gian dài, đưa lợi suất trái phiếu chính phủ hướng về mức 0%. Và khi lợi suất giảm, giá trái phiếu sẽ tăng lên. Các nhà đầu tư sẽ hưởng lợi từ sự tăng giá này”.
Tuy nhiên, cơ hội đầu tư ở Trung Quốc dường như chưa đủ hấp dẫn với Legal & General Investment Management, quỹ đầu tư Anh hiện có danh mục đầu tư tài sản thu nhập cố định trị giá 215 tỷ USD.
“Chúng tôi hiện không có vị thế đầu tư với trái phiếu chính phủ Trung Quốc bởi vì cơ hội ở những quốc gia như Ấn Độ hấp dẫn hơn với lợi suất cao hơn”, ông Bennett cho biết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận