menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Mạnh Tưởng

Nhà đầu tư nước ngoài đổ tiền trở lại vào chứng khoán Trung Quốc

Các quỹ chuyên đầu tư cổ phiếu của Trung Quốc đã chứng kiến dòng tiền chảy vào trong 5 tuần liên tiếp.

Các nhà đầu tư toàn cầu đang đổ tiền vào các quỹ theo dõi chứng khoán Trung Quốc. Họ cược rằng việc nền kinh tế lớn thứ hai mở cửa trở lại sẽ giúp thị trường tăng cao hơn.

Theo dữ liệu từ Refinitiv Lipper, các nhà đầu tư đã bơm hơn 2 tỷ USD đầu năm đến nay vào các quỹ tương hỗ và hoán đổi danh mục có trụ sở tại Mỹ để mua cổ phiếu Trung Quốc. Dòng vốn chảy vào các quỹ duy trì trong 5 tuần liên tiếp, đảo ngược xu hướng của nửa cuối năm ngoái, khi rút về gần một tỷ USD.

Trung Quốc đã mở cửa hoàn toàn biên giới vào đầu tháng 1, sau khi chấm dứt chính sách Zero Covid-19, vốn đã cắt đứt phần lớn người tiêu dùng nước này với phần còn lại của thị trường thế giới. Hiện giá cổ phiếu tại thị trường này đã phục hồi khi các nhà đầu tư cố gắng nắm bắt cơ hội từ đợt mở cửa trở lại, tương tự xu hướng đã diễn ra tại Mỹ vào năm 2020 và 2021.

Chỉ số MSCI China Index, theo dõi các công ty Trung Quốc niêm yết ở Mỹ, Hong Kong và đại lục, tăng khoảng 45% so với mức đáy vào tháng 10/2022, nhưng vẫn giảm khoảng 45% so với đầu 2021. Trên sàn London, giỏ hàng hóa gồm nhôm, đồng, chì, kẽm, thiếc và niken vừa có tháng 1 tốt nhất trong hơn một thập kỷ.

"Triển vọng tăng trưởng tương đối hấp dẫn hơn ở Trung Quốc và một số khu vực châu Á so với ở Mỹ", Jason Draho, Trưởng bộ phận phân bổ tài sản châu Mỹ tại UBS Global Wealth Management, nhận định.

Chứng khoán và trái phiếu Mỹ đã tăng điểm vào đầu năm 2023, nhưng một số nhà đầu tư lo ngại rằng tâm lý thị trường có thể đang thay đổi và Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có thể tiếp tục tăng lãi suất để hạ nhiệt nền kinh tế.

Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng thu nhập của các công ty ở Mỹ dự kiến chậm lại trong năm nay do chính sách thắt chặt của Fed đang tác động đến nền kinh tế. "Tôi nghĩ tiềm năng tăng trưởng thu nhập của doanh nghiệp ở Trung Quốc đáng kể hơn so với thu nhập không đổi hoặc giảm trong năm nay ở Mỹ", Jason Draho nói.

Những tuần gần đây, các nhà kinh tế bắt đầu kỳ vọng vào tăng trưởng của Trung Quốc khi có những dấu hiệu ban đầu cho thấy người tiêu dùng đang tiếp tục chi tiêu tại các nhà hàng và quán bar, cũng như đi lại bằng tàu điện ngầm.

Fitch Ratings vừa nâng dự báo tăng trưởng của Trung Quốc năm 2023 từ 4,1% lên 5%, chỉ ra bằng chứng cho thấy tiêu dùng và hoạt động kinh tế đang phục hồi nhanh hơn dự kiến ban đầu. Quỹ Tiền tệ Quốc tế gần đây cũng đã nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu, với lý do tác động từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại.

Định giá của nhiều công ty Trung Quốc đã giảm xuống mức rất rẻ khi nền kinh tế nước này chịu áp lực từ các đợt phong tỏa và chính sách siết chặt hoạt động các công ty công nghệ.

Mặc dù một số nhà đầu tư cho rằng cổ phiếu Trung Quốc không còn là một lựa chọn đáng mua nhưng họ cũng chỉ ra điểm hấp dẫn ở tiềm năng thu nhập tăng trưởng. Ví dụ, chỉ số P/E dự kiến trong 12 tháng tới của Alibaba là 12,3, theo FactSet. Trong khi P/E của chỉ số Hang Seng (Hong Kong) là 10,2 còn S&P 500 là 18,4.

Áp lực quản lý với Alibaba, Tencent và các công ty công nghệ lớn khác dường như cũng đang giảm. Vào tháng 12, cơ quan quản lý kiểm toán Mỹ cho biết lần đầu tiên họ đã truy cập đầy đủ vào các tài liệu kiểm toán của các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ, giảm nguy cơ hủy niêm yết hàng loạt trên các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ.

Chứng chỉ lưu ký tại Mỹ của Alibaba đã tăng 18% trong năm nay, trong khi Tencent tăng 13%. David Bianco, Giám đốc đầu tư khu vực châu Mỹ tại DWS - công ty quản lý tài sản trị giá 900 tỷ USD, gần đây đã mua thêm cổ phiếu Trung Quốc với lý do định giá đang rẻ hơn cổ phiếu Mỹ.

Cổ phiếu một số công ty toàn cầu cũng chứng kiến đà tăng sau khi Trung Quốc mở cửa. Chúng gồm các công ty hàng xa xỉ như LVMH Moët Hennessy Louis Vuitton và các công ty sòng bạc như MGM Resorts International. Cổ phiếu các công ty có hoạt động kinh doanh lớn tại nước này như Volkswagen, Apple cũng tăng.

Cùng với đó, việc mở cửa trở lại cũng đã khởi động một đợt tăng giá mạnh với nguyên liệu thô vì Trung Quốc là nhà tiêu thụ hàng hóa nguyên liệu lớn nhất thế giới. Giá đồng hợp đồng tương lai tại Mỹ có tháng 1 tốt nhất kể từ năm 2003. Giá nhôm, kẽm và thiếc trên sàn London tăng lần lượt 1,5%, 4,2% và 11% từ đầu năm đến hôm 13/2. Những kim loại này được sử dụng để chế tạo các vật dụng như máy bay, dây điện và rất quan trọng để chế tạo tuabin gió, tấm pin mặt trời và pin.

Bất chấp triển vọng tăng trưởng tốt, một số nhà đầu tư Mỹ vẫn cảnh giác, chưa sẵn sàng nhảy vào thị trường Trung Quốc. "Chắc chắn là có cơ hội, nhưng tôi nghĩ đó là giao dịch chứ không phải đầu tư", Nancy Tengler, Giám đốc đầu tư của Laffer Tengler Investments, nhận định.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Bình luận 3 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại