Nhà đầu tư Nhật thâu tóm Trung Quốc bắt đầu rút chân
Nhà đầu tư Nhật đang bắt đầu thoái vốn khỏi Trung Quốc, kinh tế số 2 thế giới phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài bắt đầu lung lay.
Tập đoàn Nhật SoftBank ngày 5/6 cho biết đã hoàn tất thương vụ chuyển nhượng 73 triệu chứng chỉ tín thác của Tập đoàn Alibaba (Trung Quốc) mà công ty này đang nắm giữ. Thương vụ này đã được công bố vào năm 2016.
SoftBank theo đó sẽ được hưởng khoản lãi trước thuế 1.200 tỷ Yên (tương đương 11,1 tỷ USD).
Đây là thương vụ bán cổ phần tại Alibaba đầu tiên của SoftBank trong 16 năm qua, được cho là để củng cố nguồn vốn đầu tư vào các start-up tiềm năng trên thế giới. Dẫu vậy, nó cũng diễn ra giữa lúc Mỹ và Trung Quốc đang đối đầu thương mại gay gắt và Washington đang cố gắng hối thúc các đồng minh của mình gây sức ép tương tự với Bắc Kinh. Thương vụ đã được công bố vào năm 2016 nhưng tới thời điểm này mới được hoàn thiện và khó lòng khiến người ta bỏ qua yếu tố tác động của thương chiến Mỹ- Trung.
Thực tế, những vụ thoái vốn tại Alibaba được coi là những lần phân bổ lại danh mục đầu tư của SoftBank. Năm 2016, nhờ vụ thoái vốn tại Supercell Oy cũng như tại Alibaba mà nhà sáng lập SoftBank có nguồn tiền để mua lại hãng thiết kế con chíp ARM của Anh với giá 32 tỷ USD, đồng thời góp phần tạo ra quỹ đầu tư 100 tỷ USD Vision Fund.
Sau thương vụ nói trên, SoftBank hiện vẫn là cổ đông lớn nhất của Alibaba với khoảng 26% cổ phần, trị giá khoảng 101 tỷ USD theo giá cổ phiếu hiện nay.
Nhà sáng lập SoftBank người Nhật Bản Masayoshi Son đã chi 20 triệu USD mua cổ phiếu Alibaba từ năm 2000, đồng thời chi phối hàng loạt các thương vụ đầu tư ở Trung Quốc.
SoftBank Group và Vision Fund đều là nhà đầu tư của Didi Chuxing - startup gọi xe lớn nhất Trung Quốc, từng thâu tóm Uber tại nước này vào năm 2016, cũng như hãng truyền thông xã hội khổng lồ Bytedance Ltd. và startup trí tuệ nhân tạo SenseTime Group Ltd.
Vision Fund còn dự kiến rót 1,5 tỷ USD vào nền tảng giao dịch ôtô đã qua sử dụng Chehaoduo Group của Trung Quốc, một động thái lớn nữa của quỹ đầu tư Nhật vào thị trường ôtô lớn nhất thế giới.
Tại Trung Quốc, quỹ này cũng đã rót vốn vào startup vận tải Full Truck Alliance Co. và startup giáo dục trực tuyến Zuoyebang, nền tảng chia sẻ văn phòng WeWork...
Đáng nói là nhà sáng lập SoftBank cũng như ông chủ sở hữu Vision Fund rất được lòng tỷ phú Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tổng thống Donald Trump gặp gỡ tỷ phú Nhật Bản Masayoshi Son tại Tháp Trump tháng 12/2016
Với việc rót rất nhiều "trứng" vào nhiều "rổ" ở Trung Quốc, tỷ phú Nhật bản Masayoshi Son đã trở thành con bài đắc lực của Tổng thống Mỹ.
Có quan điểm cho rằng, do đổ nhiều "trứng" ở Trung Quốc, khả năng SoftBank từ bỏ thị trường Trung Quốc theo lệnh của Mỹ là rất khó.
Nhưng mới đây, SoftBank đã loại Huawei mà chọn Nokia và Ericsson làm đối tác phát triển chương trình mạng không dây 5G tại Nhật Bản.
Nokia có trụ sở ở Phần Lan, cho biết giải pháp truy cập vô tuyến 5G của họ - có tên là AirScale, sẽ được Softbank áp dụng cho các mạng truy cập vô tuyến (RAN) sau này, cho phép người dùng di động kết nối với mạng 5G.
Ericsson có trụ sở tại Thụy Điển cho biết họ sẽ cung cấp thiết bị RAN cho Softbank. Công ty Nhật Bản sẽ triển khai các dịch vụ 5G trên các băng tần 3.9-4.0 GHz và 29.1-29.5 GHz.
Huawei thực tế đã là bên chiến thắng trong lần đấu thầu cung cấp giải pháp phát triển mạng 5G của SoftBank. Công ty của Trung Quốc mang lại những giải pháp có giá thành rẻ nhưng hiệu suất cao.
Tuy nhiên, thông báo từ phía SoftBank cho biết họ bày tỏ lo lắng về việc Huawei làm cho phía chính phủ Trung Quốc và điều này làm tổn hại đến an ninh mạng của Nhật Bản.
Nhưng vụ thoái vốn thành công tại Alibaba đã cho thấy phần nào quyết định rút dần "trứng" ra khỏi Trung Quốc, góp phần cho chiến dịch gây sức ép của Tổng thống Trump.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận