Nhà đầu tư ngoại rót 16,2 tỷ USD vào Việt Nam trong 10 tháng năm 2019
Vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 16,2 tỷ USD trong 10 tháng năm 2019, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2018.
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và đầu tư, trong 10 tháng năm 2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đạt 29,11 tỷ USD, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2018.
Theo đó, tính đến ngày 20/10, có 3.000 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 26% số dự án so với cùng kỳ năm 2018.
Tổng vốn đăng ký cấp mới 12,8 tỷ USD, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2018 do quy mô dự án giảm. Trong đó, dự án đầu tư có quy mô vốn đầu tư lớn nhất là 420 triệu USD.
Mặt khác, 10 tháng năm 2018 có một số dự án lớn được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới như dự án Thành phố thông minh tại xã Hải Bối, Đông Anh, Hà Nội do Nhật Bản đầu tư với tổng vốn đăng ký 4,14 tỷ USD; dự án Nhà máy sản xuất Polypropylene và kho ngầm chứa dầu mỏ hóa lỏng do Hàn Quốc đầu tư với tổng vốn đăng ký 1,2 tỷ USD tại Bà Rịa - Vũng Tàu.
Nếu không tính các dự án lớn trên 1 tỷ USD, tổng vốn đầu tư đăng ký mới trong 10 tháng năm 2019 tăng 32% so với cùng kỳ năm 2018.
Về vốn điều chỉnh, có hơn 1.100 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2018.
Tổng vốn đăng ký điều chỉnh 5,47 tỷ USD, giảm 16% do chủ yếu các dự án nhỏ điều chỉnh mở rộng vốn, không có dự án tăng vốn lớn. Trong khi đó, cùng kỳ năm 2018 có dự án Công ty TNHH Laguna - Singapore điều chỉnh tăng vốn thêm 1,12 tỷ USD.
Đối với góp vốn, mua cổ phần, có 7,5 nghìn lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư ngoại với tổng giá trị vốn góp 10,8 tỷ USD, tăng 70% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm 37% tổng vốn đăng ký.
Đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng vốn đầu tư nước ngoài. Cụ thể, năm 2017 đầu tư theo hình thức này chỉ chiếm 17% tổng vốn đăng ký, năm 2018 chiếm 28%, 10 tháng năm 2019 chiếm 37% tổng vốn đăng ký.
Xét theo lĩnh vực đầu tư, nhà đầu tư ngoại đã rót vốn vào 19 ngành lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều nhất.
Hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai. Thứ ba là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ.
Theo đối tác đầu tư, 103 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án FDI tại Việt Nam, trong đó Hồng Kông đứng thứ nhất (trong đó có 3,85 tỷ USD mua cổ phần vào công ty TNHH Vietnam Beverage tại Hà Nội, chiếm 60%).
Hàn Quốc đứng thứ hai và Singapore đứng vị trí thứ ba. Tiếp theo là Trung Quốc, Nhật Bản,...
Trong đó, đầu tư từ Trung Quốc, Hồng Kông có xu hướng tăng so với cùng kỳ do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung (đầu tư từ Trung Quốc tăng gần 2 lần, từ Hông Kông tăng 3,94 lần so với cùng kỳ năm 2018).
Theo địa bàn đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 59 tỉnh thành phố, trong đó Hà Nội thu hút nhiều nhất, theo sau là TP.HCM, Bình Dương.
Xuất khẩu của khu vực FDI kể cả dầu thô đạt 150,4 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm 69% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô đạt 148,7 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm 68% kim ngạch xuất khẩu.
Nhập khẩu của khu vực FDI đạt 122 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm 58% kim ngạch nhập khẩu.
Tính chung, khu vực FDI xuất siêu 28 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu 26,6 tỷ USD không kể dầu thô. Mặc dù khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 21 tỷ USD, nhưng xuất siêu khu vực đầu tư nước ngoài đã bù đắp được nhập siêu của khu vực kinh tế trong nước. Vì vậy cả nước xuất siêu 7,05 tỷ USD trong 10 tháng năm 2019.
Theo báo cáo của Cục đầu tư nước ngoài, trong 10 tháng năm 2019 số lượng các đoàn sang làm việc tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam tăng khá mạnh, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong đó có nhiều đoàn tìm hiểu cơ hội để dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam, các đối tác chủ yếu đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông, Singapore.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận