24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Trần Dương Quang
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Nhà đầu tư ngoại lại có ý kiến về room 49% tại trung gian thanh toán

Các nhà đầu tư nước ngoài có nhiều kiến nghị liên quan đến lĩnh vực ngân hàng trong khuôn khổ Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2019 sẽ diễn ra vào tuần tới.

Nhà đầu tư ngoại đề nghị nới room 49%, loại bỏ quy định hồi tố

Trong Báo cáo tổng hợp ý kiến gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nhóm công tác đầu tư và Thương mại đặc biệt tỏ ra quan tâm đến các fintech.

Theo đó, nhóm công tác cho hay, các nhà đầu tư nước ngoài có nhu cầu thành lập một doanh nghiệp thuộc lĩnh vực fintech ở Việt Nam gặp phải một số rào cản như không có hướng dẫn về các thủ tục pháp lý và giấy phép, mà phải dựa vào sự tự do quyết định từ phía chính quyền.

Ngoài ra, các nhà đầu tư nước ngoài cũng có ý kiến về Dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định số 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt đang được Ngân hàng Nhà nước đưa ra lấy ý kiến.

Thứ nhất, Nhóm công tác cho rằng, theo quy định tại điểm c Khoản 2 Điều 26 của Dự thảo Nghị định, một trong các điều kiện đối với tổ chức không phải là ngân hàng cung ứng dịch vụ hỗ trợ dịch vụ thu hộ, chi hộ là phải có Đề án cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trong đó phải có nội dung về, trong số các nội dung khác, cơ chế mở và duy trì số dư tài khoản đảm bảo thanh toán, mục đích sử dụng tài khoản đảm bảo thanh toán. Tuy nhiên, điều kiện kinh doanh này là một gánh nặng và không cần thiết vì mục đích của nhà cung ứng dịch vụ hỗ trợ dịch vụ thu hộ, chi hộ trong việc sử dụng tài khoản đảm bảo thanh toán là không rõ ràng.

Thứ hai, theo Khoản 2 Điều 29 của Dự thảo Nghị định, tỷ lệ tối đa phần vốn góp của các nhà đầu tư nước ngoài bao gồm cả sở hữu trực tiếp và gián tiếp là 49% vốn điều lệ của tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Nhóm công tác cho rằng, quy định này có khả năng trái với các cam kết quốc tế của Việt Nam theo các hiệp định thương mại quốc tế (ví dụ, hiệp định GATS, CPTPP, AFAS và EVFTA).

Thứ ba, Khoản 1 Điều 42 của Dự thảo Nghị định, các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán được cấp phép trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành có tỷ lệ phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài cao hơn 49% được tiếp tục duy trì cho đến khi có sự thay đổi nhà đầu tư nước ngoài hoặc hết thời hạn Giấy phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán thì phải đáp ứng quy định tại Nghị định này.

Tuy vậy, theo Nhóm công tác, quy định này mâu thuẫn với Điều 74 của Luật Đầu và Điều 156 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Chính vì vậy, Nhóm công tác đề xuất loại bỏ điều kiện kinh doanh liên quan đến việc mở và duy trì số dư tài khoản đảm bảo thanh toán đối với tổ chức cung ứng dịch vụ hỗ trợ dịch vụ thu hộ, chi hộ.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nước ngoài cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước cân nhắc lại giới hạn 49% đối với sở hữu nước ngoài. Đồng thời, cân nhắc lại việc áp dụng hồi tố của yêu cầu tuân thủ giới hạn sở hữu nước ngoài. Trong trường hợp Chính phủ cuối cùng lựa chọn áp dụng mức giới hạn sở hữu nước ngoài, sở hữu nước ngoài tại thời điểm đạo luật được thông qua sẽ không bị hồi tố và không phải thoái vốn theo quy định về hạn mức của luật.

Chuyên gia luật: Hạn chế room và hồi tố không vi phạm cam kết quốc tế

Sau khi Ngân hàng Nhà nước công bố Nghị định số 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt, một số doanh nghiệp nước ngoài cho rằng, quy định trên sẽ khiến Việt Nam đứng trước nguy cơ bị kiện vì trái cam kết quốc tế, quy định hồi tố trái Luật Đầu tư.

Tuy nhiên, chia sẻ với Báo Đầu tư Online, bà Nguyễn Thùy Dương, Phó tổng giám đốc phụ trách Bộ phận Dịch vụ tài chính, Ngân hàng EY Việt Nam, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Fintech Việt Nam nhận định, hoàn toàn không có khả năng Việt Nam bị kiện nếu giới hạn room như đề xuất của Ngân hàng Nhà nước, bởi trung gian thanh toán không nằm trong phạm vi các cam kết mở cửa của Việt Nam. Hơn nữa, do fintech là mô hình mới, nên việc thả nổi ở giai đoạn đầu sau đó mới quản lý là một thông lệ ở nhiều quốc gia.

Trả lời câu hỏi của Báo Đầu tư Online, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty luật Basico cũng khẳng định, nguyên tắc không hồi tố chỉ áp dụng với các dự án đầu tư, còn fintech là loại hình khác, trước đây thả nổi do chưa có quy định quản lý, nay có quy định thì phải tuân thủ.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, không chỉ trung gian thanh toán, mà cả các mô hình cho vay ngang hàng P2P lending lâu nay thả nổi, nhưng sau này có quy định thì sẽ rất nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa.

Liên quan đến vấn đề room sở hữu, ông Lê Anh Dũng, Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cũng cho biết, trước khi đưa ra 49%, Ngân hàng Nhà nước đã tham vấn Bộ Công thương, đối chiếu các cam kết mở cửa của Việt Nam tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) hay Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và khẳng định, trung gian thanh toán không thuộc phạm vi cam kết mở cửa của Việt Nam.

“Tỷ lệ 49% là hài hòa, phù hợp, vừa đảm bảo nguyên tắc chủ quyền quốc gia, vừa đảm bảo an ninh an toàn tiền tệ, cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước có cơ hội cạnh tranh bình đẳng mà vẫn tranh thủ thu hút được vốn nhà đầu tư nước ngoài nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên”, ông Dũng nói.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả