24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Anh Vũ
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Nhà đầu tư hụt hơi chờ sóng thoái vốn

Thông tin thoái vốn nhà nước thường tạo sóng cho các cổ phiếu, song trong một năm sôi động của thị trường chứng khoán như 2021, số thương vụ chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

9 tháng, chỉ thoái vốn tại 3 doanh nghiệp

Bộ ba cổ phiếu BVH (của Tập đoàn Bảo Việt), BMI (của Tổng công ty cổ phần Bảo Minh) và NTP (của Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong) đã ghi nhận đà tăng tích cực sau khi Bộ Tài chính có văn bản yêu cầu SCIC khẩn trương triển khai bán vốn tại các doanh nghiệp này.

Hiện SCIC đang sở hữu 3,26% vốn điều lệ của BVH, 50,7% vốn BMI và 37% vốn NTP.

Công văn nêu rõ, SCIC phải nộp tiền về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp trước ngày 20/12/2021 để nộp ngân sách nhà nước.

Từ mức giá đóng cửa 59.600 đồng/cổ phiếu trong phiên giao dịch 18/10/2021, phiên ngay trước thời điểm công văn của Bộ Tài chính được gửi cho SCIC, cổ phiếu BVH đã đóng cửa tuần qua (29/10) ở mức 64.700 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức tăng 5.100 đồng/cổ phiếu.

Cùng mốc thời gian, giá cổ phiếu NTP tăng từ 51.500 đồng/cổ phiếu lên 59.000 đồng/cổ phiếu, còn BMI từ 39.350 đồng/cổ phiếu lên 45.800 đồng/cổ phiếu.

Đã thành quy luật, mỗi khi xuất hiện thông tin thoái vốn nhà nước tại một doanh nghiệp nào đó, cổ phiếu của doanh nghiệp đó lại có sóng tăng mạnh mẽ nhờ kỳ vọng doanh nghiệp sau khi về tay nhà đầu tư tư nhân sẽ có những thay đổi trong quản trị và chiến lược kinh doanh, tạo cơ hội định giá lại cổ phiếu ở mặt bằng cao hơn.

Thực tế, thoái vốn và cổ phần hóa đã cung cấp nguồn hàng dồi dào cho thị trường chứng khoán trong nước trong suốt lịch sử phát triển 21 năm qua. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp nhà nước cải thiện về chất lượng quản trị và hiệu quả hoạt động và Nhà nước có thể thoái vốn khỏi những lĩnh vực không cần kiểm soát, tạo nguồn thu cho ngân sách.

Công tác cổ phần hoá, thoái vốn không phải năm nay mới chậm. Lãnh đạo doanh nghiệp chây ỳ triển khai vì lo mất ghế, mất quyền hành...Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà

Dẫu vậy, trong một năm thị trường chứng khoán liên tục thăng hoa, ghi nhận những kỷ lục mới về điểm số, thanh khoản, số lượng nhà đầu tư mới tham gia thì số thương vụ thoái vốn lại quá nhỏ giọt khiến giới đầu tư hụt hẫng.

Tháng 5/2021, SCIC đã công bố danh sách 88 doanh nghiệp Nhà nước sẽ thoái vốn trong năm nay, trong đó có nhiều tên tuổi lớn như Sabeco, Tổng công ty Sông Đà, Vinatex, Nhựa Tiền Phong, Nhựa Bình Minh, FPT, Tổng công ty cổ phần Bảo Minh, Tập đoàn Bảo Việt…

Tuy nhiên, báo cáo mới nhất về thoái vốn, cổ phần hoá của Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho hay, 9 tháng đầu năm 2021, chỉ có 3 doanh nghiệp được cổ phần hóa; số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp là 366 tỷ đồng, chỉ đạt gần 1% kế hoạch.

Trình bày báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021 trước Quốc hội hôm 20/10/2021, Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho biết, nguồn thu ngân sách trung ương năm nay bị hụt thu khoảng 28.000 - 29.000 tỷ đồng; trong đó, nguyên nhân chủ yếu do hoạt động bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp trung ương chỉ đạt 2,5% dự toán.

“Bắt bệnh” chậm thoái vốn, cổ phần hóa

Theo đại diện Cục Tài chính doanh nghiệp, công tác triển khai cổ phần hóa doanh nghiệp trong năm 2021 không khả thi do nhiều đơn vị vẫn chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất trước khi cổ phần hóa; còn nhiều vướng mắc, tồn tại về tài chính phải xử lý.

Đồng thời, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến tình hình thị trường tài chính, chứng khoán trong nước và khu vực, ảnh hưởng đến công tác xác định giá trị doanh nghiệp, lập phương án sử dụng đất để thực hiện cổ phần hóa, triển khai công tác đấu giá phần vốn nhà nước theo quy định.

Tuy nhiên, theo đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà, Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, công tác cổ phần hoá, thoái vốn không phải năm nay mới chậm, cũng không phải chỉ có nguyên nhân khách quan, mà chủ yếu do nguyên nhân chủ quan.

“Do thiếu sự chỉ đạo sát sao của người đứng đầu, người đứng đầu không bị quy trách nhiệm nên phần lớn doanh nghiệp trong diện phải thoái vốn, cổ phần hoá cố tình chây ỳ thực hiện. Lãnh đạo doanh nghiệp chây ỳ triển khai vì lo “mất ghế”, mất quyền hành; cấp dưới chậm thừa hành vì lo mất việc. Hậu quả là các khâu hồ sơ thủ tục, định giá đất và tài sản gắn liền với đất… cứ “đắp chăn trùm mền” năm này qua năm khác”, ông Hoà phân tích.

PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, cho rằng, một trong những nguồn vốn ngân sách quan trọng là từ thoái vốn, cổ phần hóa. Hiện nay, ngân sách đang mất cân đối vì GDP giảm sút, công tác phòng chống dịch và phục hồi kinh tế cần chi tiêu lớn nhưng thoái vốn cổ phần hoá quá yếu kém như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chi tiêu công.

“Đâu là vấn đề khiến thoái vốn, cổ phần hoá không đạt được kế hoạch? Lâu nay, chúng ta cứ đổ tại rào cản, quy định, nhưng bản chất rào cản, quy định là gì nếu như không phải là sản phẩm của con người?”, ông Long đặt vấn đề.

Theo ông Long, hầu hết doanh nghiệp chậm cổ phần hoá do vấn đề đất đai, chủ yếu là không xác định được chủ thể. Lý do thứ hai là người đứng đầu sợ quy trách nhiệm. Thứ ba là việc bố trí người để thực thi thì chưa chọn được người xứng tầm cả năng lực lẫn đạo đức nên mới chậm chạp, sai sót nhiều như vậy.

Một đại diện của Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nhận định: “Vì sao doanh nghiệp chậm thoái vốn thì phải tìm hiểu câu chuyện nội tại của mỗi doanh nghiệp. Thực tế việc triển khai thoái vốn không hề đơn giản mà phải trải qua rất nhiều quy trình từ hồ sơ thủ tục pháp lý đến định giá doanh nghiệp rồi tìm kiếm đối tác… Do ảnh hưởng của dịch bệnh, sản xuất khó khăn nên việc triển khai này cũng bị ngưng trệ”.

Mặt khác, theo vị này, “thời gian qua thị trường chứng khoán diễn biến thất thường, có giai đoạn lên rất cao, định giá doanh nghiệp để cổ phần hoá mà làm không tốt thì còn dễ mất tiền”(!).

“Quan trọng là các doanh nghiệp phải muốn thoái vốn, chứ họ không muốn thì thoái làm sao được?”, vị này nói thêm.

Một số chuyên gia kinh tế khác cho rằng, điểm cốt lõi để khơi thông dòng vốn từ thoái vốn, cổ phần hoá là Bộ Tài chính phải sửa đổi một số quy định bất hợp lý phát sinh thời gian qua.

Ví dụ như hiện vẫn chưa có văn bản hướng dẫn về tiêu chí định giá giá trị văn hoá doanh nghiệp, giá trị lịch sử doanh nghiệp; quy trình bán cổ phần, thoái vốn, các khâu thủ tục còn “đánh đố” doanh nghiệp, định giá cổ phiếu quá cao so với thị trường, các ràng buộc “làm khó” nhà đầu tư ngoại…

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả