24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Anh Vũ
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Nhà đầu tư đua nhau “lướt cọc” cuối năm

Nghe có vẻ bất hợp lý ở thời điểm này khi mà hình thức “lướt cọc” không còn là sân chơi chủ yếu của nhà đầu tư những năm qua khi bất động sản ảnh hưởng bởi dịch bệnh, biến động lên xuống.

Thế nhưng, hình thức đầu tư "chóng vánh" này vẫn âm thầm diễn ra trên thị trường bất động sản. Ghi nhận thời điểm cuối năm, tại các khu vực bất động sản có dấu hiệu "nóng", các nhà đầu tư đổ về lướt cọc với số tiền cọc dao động từ 30 - 50 triệu đồng (với các đất nền giá mềm dưới 1 tỷ); từ 100 - 150 triệu đồng với các nền đất trên 1 tỷ đồng. Thời gian lướt cọc từ 20 - 30 ngày. Có một số trường hợp, môi giới "thương lượng" được với chủ đất có thể kéo dài thời gian công chứng (sau khi nhận cọc) khoảng 45 ngày, trong thời gian này môi giới tìm khách để "thế chân" cho vị đầu tư trước đó.

Đáng nói, có những người bán lại sang tay trong vòng 2 - 3 ngày đặt cọc. Mới đây, tại khu vực Tân Phú, Định Quán, Đồng Nai, thị trường bất động sản khu vực này rục rịch, nhiều nhà đầu tư từ TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương… đã đổ về đây để đầu tư, tìm đất. Các lô đất nền thổ cư (đất trong dân) được mua đi bán lại nhanh chóng. Các lô đất có giá dao động từ 350 - 600 triệu đồng/nền qua tay nhiều nhà đầu tư trong khoảng thời gian ngắn. Đa số là nhà đầu tư xuống cọc rồi "lướt". Chẳng hạn, nếu cọc 50 triệu đồng, nhà đầu tư có được 30 ngày để đi công chứng. Còn nếu cọc 30 triệu thì thời gian công chứng rút ngắn lại là 15 ngày.

"Một khách xuống cọc xong là gửi tụi em bán lại luôn, mới cọc 2 ngày thôi mà giờ đã có khách khác vào cọc. Mức chênh là 30 triệu đồng/lô", một nữ môi giới đang bán đất tại Định Quán, Đồng Nai chia sẻ.

Theo nữ môi giới này, nếu lướt cọc thì mức lời dao động từ 20 - 40 triệu đồng/nền, còn khách để lâu thì mức lời tốt hơn.

Nhà đầu tư đua nhau “lướt cọc” cuối năm

Theo môi giới khu vực này, hiện khá nhiều nhà đầu tư vào "lướt sóng" khi thấy thị trường mua bán rục rịch. Nếu lướt không được thì họ xuống tiền và đợi thêm vài tháng. Vì số tiền bỏ ra cho một nền không quá lớn nên không quá áp lực với nhà đầu tư. Một môi giới cho biết, bất động sản khu vực này được quan tâm từ thời điểm tháng 4/2021, nhiều nhà đầu tư trải qua nhiều lần lướt cọc từ thời điểm đến nay, thậm chí "ăn dầm nằm dề" tại khu vực để lướt sóng. Vào tháng 4/2021, các nền đất diện tích 100 - 200m2 có giá từ 300 - 400 triệu đồng/nền thì đến hiện tại cũng đã rao động từ 420 - 600 triệu đồng/nền. Tuy giá đã lên, lượng người vào mua vẫn nhiều, trong số đó, có nhiều nhà đầu tư vẫn lướt cọc kiếm chênh được.

Trong khi đó, tại khu vực Long Thành, Nhơn Trạch (Đồng Nai) dù không nổi sóng việc "lướt cọc" như huyện Định Quán, nhưng một lượng nhà đầu tư vẫn tìm kiếm lợi nhuận từ chuyện lướt sóng. Với những nền đất giá dao động từ 1,4 - 1,8 tỷ đồng/nền khu vực xã Long Thọ, một số nhà đầu tư vẫn lướt cọc trong vòng 20 - 30 ngày, kiếm chênh từ 30 - 50 triệu đồng, hoặc lướt trong vòng 3 - 4 tháng theo cơn sốt của thị trường bất động sản.

Đa số các nhà đầu tư tham gia lướt cọc là căn lúc thị trường chớm "nóng" tại khu vực đó. Với số vốn ban đầu không nhiều, hoạt động lướt cọc hoặc lướt sóng trong vòng vài tháng diễn ra ở một nhóm nhà đầu tư thường đã có kinh nghiệm lướt sóng trên thị trường trước đó.

Nhóm nhà đầu tư này cũng chính là đối tượng tạo ra cơn nóng sốt ảo để lướt được sóng và khi nhìn thấy thị trường hết cơ hội là cùng nhau rút. Những nhà đầu tư vào sau chính là những người "ôm đất" và hết cơn sóng nên khó bán ra.

Theo các chuyên gia, để không bị cuốn vào các cơn sốt đất ảo, nhà đầu tư cần bình tâm tìm hiểu kỹ và thật sự tỉnh táo trước các chiêu trò của "cò" đất. Sốt đất ảo là cụm từ chỉ sự gia tăng giá đất trên diện rộng với mức tăng đột biến trong thời gian ngắn, nhưng nhu cầu sử dụng đất lại không có thật. Người mua đất chỉ mua để đầu cơ, chờ lên giá là sang tay, chuyển nhượng.

Đa phần các cơn sốt đất ảo thường do những "cò" bất động sản dùng các chiêu trò tạo sóng, đánh vào tâm lý những nhà đầu tư có mong muốn đạt tỷ suất lợi nhuận cao và chốt lời nhanh chóng.

Theo chuyên gia trong ngành, những cơn sốt đất ảo hay diễn ra chóng vánh và luôn vận hành theo kịch bản là giá liên tục được thổi lên và vòng tròn mua bán gia tăng theo từng lớp. Đến khi "đầu nậu", "cò" đất rời đi, chỉ còn những người mua cuối cùng ngậm ngùi chịu thua lỗ.

Sốt đất ảo đã không còn là hiện tượng xa lạ ở Việt Nam trong nhiều năm qua. Điển hình như đầu năm 2020, Châu Đức (Vũng Tàu) có lời đồn tập đoàn lớn sắp đến đầu tư, tương tự đầu năm 2021 lời đồn sẽ xây sân bay ở Hớn Quản, Bình Phước, hay Thanh Hoá đã tạo nên những cơn sốt đất ảo, khiến giá đất ở các địa bàn này đẩy lên gấp nhiều lần. Hay mới đây là những cơn sốt tại Hà Tĩnh, Quảng Trị cũng khiến các khu vực này giá tăng điển đảo.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả